Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Hướng mở cho dạy thêm học thêm

(CTT-Đồng Nai) - Dự thảo Thông tư về dạy thêm, học thêm đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đưa ra lấy ý kiến thời gian gần đây thu hút sự quan tâm của dư luận.

Nhiều nội dung trong dự thảo được đánh giá là tạo hướng mở cho dạy thêm học thêm nhằm góp phần đưa việc dạy, học thêm đi đúng hướng.

Một lớp dạy thêm ở thành phố Biên Hòa
Một lớp dạy thêm ở thành phố Biên Hòa

* Để dạy thêm, học thêm đi đúng hướng

Học thêm trước hết là nhu cầu thực tế của học sinh. Dạy thêm cũng là mong muốn chính đáng của giáo viên, nhằm cải thiện thu nhập bằng kiến thức và kỹ năng sư phạm của mình. Hiện nay, việc dạy thêm, học thêm được quản lý bằng Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16-5-2012 quy định về dạy thêm, học thêm do Bộ GD-ĐT ban hành. Theo đó, giáo viên không được dạy thêm ngoài nhà trường với học sinh chính khóa của mình, nếu chưa được hiệu trưởng cho phép.

Dự thảo Thông tư về dạy thêm, học thêm của Bộ GD-ĐT có điểm mới là giáo viên chỉ cần báo cáo và lập danh sách (gồm: họ tên, lớp của học sinh) gửi hiệu trưởng, đồng thời cam kết không dùng bất kỳ hình thức nào ép các em học thêm.

Giáo viên không sử dụng những ví dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh. Dự thảo đã bỏ quy định yêu cầu không dạy thêm với học sinh tiểu học, trừ trường hợp bồi dưỡng nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.

Ngoài ra, dự thảo Thông tư về dạy thêm, học thêm còn có một số điểm mới như: tổng thời lượng dạy chính khóa và dạy thêm trong trường không quá 35 tiết/tuần với cấp tiểu học, 42 tiết với trung học cơ sở và 48 tiết với trung học phổ thông. Quy định hiện hành không đề cập việc này. Trường học sẽ thu tiền học thêm theo mức mà HĐND cấp tỉnh quy định, thay vì được chủ động mức thu dựa trên thỏa thuận với phụ huynh như hiện nay.

Đáng chú ý là tổ chức, cá nhân dạy thêm ngoài nhà trường phải đăng ký kinh doanh, công khai các môn sẽ dạy cùng thời lượng, học phí, thời gian, địa điểm và danh sách giáo viên (hiện nay, việc dạy thêm không cần đăng ký kinh doanh). Quy trình cấp giấy phép dạy thêm, học thêm được quy định rõ ràng… Các nguyên tắc về tổ chức dạy thêm được nêu cụ thể như: không ép buộc học sinh, thời lượng và địa điểm dạy phải phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, đảm bảo sức khỏe học sinh; không cắt giảm nội dung chính khóa để đưa vào dạy thêm, không dạy trước chương trình...

* Quy định cần càng cụ thể, chặt chẽ mới “quản” được

Dư luận đánh giá cao những điểm mới trong dự thảo Thông tư về dạy thêm, học thêm của Bộ GD-ĐT. Theo đó, các quy định mới mang tính cởi mở, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho giáo viên muốn dạy thêm khi có nhu cầu từ học sinh và phụ huynh. Đặc biệt, quy định về việc lập danh sách học sinh và cam kết không ép buộc học thêm là cần thiết để đảm bảo tính minh bạch và công bằng. Điều này giúp duy trì mối quan hệ lành mạnh giữa giáo viên, học sinh và phụ huynh, tránh những hiểu lầm hay nghi ngờ không đáng có.
Cô Trịnh Thị Tươi, giáo viên Trường TH-THCS Hùng Vương (huyện Thống Nhất) cho biết, việc dạy thêm, học thêm từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi với nhiều ý kiến trái chiều. Để ngăn chặn các tiêu cực từng xảy ra, cần có một quy trình giám sát rõ ràng, minh bạch và hiệu quả trong việc quản lý dạy thêm. Điều này sẽ giúp giáo viên yên tâm giảng dạy, làm nghề một cách chính đáng, đồng thời đảm bảo học sinh tham gia các lớp học thêm không phải chịu áp lực từ giáo viên.

Một giáo viên tại thành phố Biên Hòa cho biết, sau khi nghiên cứu kỹ dự thảo Thông tư mới về dạy thêm, học thêm của Bộ GD-ĐT, cô nhận thấy quy định mới đã linh hoạt hơn. Thay vì phải xin phép và chờ đợi sự chấp thuận, giáo viên chỉ cần báo cáo với hiệu trưởng trước khi tổ chức dạy thêm. Điều này giúp giảm bớt thủ tục rườm rà, cho phép thầy cô dạy học sinh của mình ngoài giờ chính khóa một cách dễ dàng hơn.

Theo bà Phan Thị Quỳnh Hoa (phường Thống Nhất, thành phố Biên Hòa), hiện nay vẫn còn tình trạng giáo viên lợi dụng vị thế để ép học sinh học thêm, hoặc ra đề kiểm tra với nội dung đã dạy trước trong lớp học thêm. Để ngăn chặn tình trạng này, bà Hoa cho rằng cần có cơ chế an toàn cho phụ huynh và học sinh phản ánh những bất thường, đồng thời xử lý nghiêm các giáo viên vi phạm.

Một số ý kiến phụ huynh cũng đồng tình với ý kiến của bà Hoa, dù Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT đã quy định rõ việc không ép buộc học sinh học thêm, không cắt giảm nội dung chính khóa để đưa vào dạy thêm, và đảm bảo thời lượng phù hợp với lứa tuổi, nhưng những vi phạm vẫn diễn ra. Do đó, dự thảo mới cần có các biện pháp giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm để đảm bảo hoạt động dạy thêm, học thêm đi đúng hướng.
Nhật Huy

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang