Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Cảnh giác với chiêu lừa đầu tư chứng khoán

(CTT-Đồng Nai) - Thời gian gần đây, các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng liên tục tung ra nhiều chiêu thức tinh vi nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân. Đặc biệt, với thủ đoạn kêu gọi tham gia các sàn đầu tư chứng khoán, các đối tượng đã chiếm đoạt tiền tỷ của các nạn nhân. Dù cơ quan chức năng đã cảnh báo nhiều nhưng không ít người vẫn mơ hồ, để mất tiền cho các đối tượng lừa đảo.

16a6940663cad4948ddb.jpg

Các trang web, app đầu tư chứng khoán giả mạo

Mất tiền vì nghe rủ rê đầu tư chứng khoán

Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao (PA05, Công an tỉnh) cho biết, thường các đối tượng lừa đảo sẽ đầu tư thời gian tìm hiểu và nắm bắt thông tin cá nhân của các nạn nhân như: danh tính, công việc, tài sản, công ty mà nạn nhân đang sở hữu để kêu gọi đầu tư chứng khoán.

Sau khi xác định được “con mồi", các đối tượng lừa đảo bắt đầu xây dựng “kịch bản" để tiếp cận nạn nhân một cách tình cờ, ngẫu nhiên thông qua mạng xã hội như: Zalo, Facebook..., khiến nạn nhân không nghĩ đó là những chiêu thức mở đầu cho một kịch bản lừa đảo.

Các đối tượng sẽ chủ động kết bạn, làm quen, tạo sự thân thiện với nạn nhân. Bằng các vai: chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng, người thành đạt đang có đầu tư làm ăn ở nước ngoài..., các đối tượng lừa đảo “chia sẻ kinh nghiệm làm ăn" thông qua những công việc cụ thể như đầu tư kinh doanh trên các lĩnh vực đầu tư tài chính, sàn chứng khoán... Đặc biệt, các đối tượng này còn “mách nước" cho nạn nhân nên tận dụng những lỗ hổng của các công ty này để đầu tư nhanh thu lợi nhuận... Khi các nạn nhân tin tưởng, các đối tượng bắt đầu “giăng bẫy" để đưa nạn nhân vào kịch bản lừa đảo của chúng.

Cơ quan công an xác định đã có nhiều người dân bị các đối tượng lừa đảo dẫn dụ bằng chiêu thức kêu gọi đầu tư chứng khoán và mất hàng trăm triệu đồng.

Như ngày 10-5, anh S. (huyện Long Thành) trình báo cơ quan công an về việc bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt số tiền hàng trăm triệu đồng.

Thông qua Facebook, anh S. được các đối tượng quen biết trên mạng kêu gọi đầu tư chứng khoán. Bằng việc cung cấp nhiều thông tin đầu tư làm ăn có lãi cao, sau một thời gian làm quen, anh S. được các đối tượng gửi cho một đường link yêu cầu đăng nhập để tham gia đầu tư chứng khoán. Anh S. đã nhiều lần đóng tiền vào các tài khoản để đặt mua các mã chứng khoán từ hệ thống đường link này. Tuy nhiên, sau một thời gian chuyển số tiền gần 400 triệu đồng để đầu tư, anh S. mới phát hiện mình đã bị các đối tượng lừa đảo đưa vào bẫy.

Hay như trường hợp chị N. (thành phố Biên Hòa) vào ngày 10-6 đã trình báo cơ quan công an về việc bị các đối tượng lừa đảo kêu gọi đầu tư chứng khoán. Cũng với thủ đoạn nói trên, các đối tượng đã dẫn dụ, yêu cầu chị N. đầu tư hàng trăm triệu đồng vào các mã chứng khoán để kiếm lời. Tuy nhiên, sau khi đổ tiền vào các mã chứng khoán mà các đối tượng lừa đảo hướng dẫn, chị N. đã không thể lấy lại được tiền.

Đừng ảo tưởng với những khoản lợi mơ hồ trên mạng

Để nạn nhân thực sự tin tưởng, ban đầu, với những số tiền nhỏ, các đối tượng lừa đảo sẽ chuyển trả phần lãi cho nạn nhân. Sau nhiều lần kiếm được những khoản lời dễ dàng, nhiều người dân đã tuyệt đối tin tưởng và đầu tư vào những khoản tiền lớn hơn.

Để các nạn nhân không nghi ngờ, trên các app, kênh mà các đối tượng lừa đảo cung cấp cho nạn nhân, chúng tạo dựng các tài khoản ảo hiện rõ số tiền gốc và lãi mà người đầu tư tham gia. Tuy nhiên, đến một thời điểm nhất định, khi nạn nhân đã nạp số tiền lớn, các giao dịch rút tiền bắt đầu xuất hiện những “lỗi kỹ thuật", “trục trặc về đường truyền", “thao tác chưa đúng"...

Theo cơ quan công an, phần lớn các vụ lừa đảo thông qua chiêu thức đầu tư chứng khoán đều đánh vào tâm lý của nạn nhân muốn đầu tư sinh lợi nhanh, khoản lời cao, thao tác dễ dàng. Nhiều người còn thích “thể hiện" việc làm ăn, đầu tư với các đối tác ở nước ngoài, tập đoàn lớn nên sẵn sàng “xuống tiền" mà không hề tìm hiểu, nắm bắt thông tin.

Bên cạnh đó, các đối tượng lừa đảo còn đánh vào tâm lý, tạo lòng tin cho các nạn nhân bằng sự “hào nhoáng, sang trọng và đẳng cấp" thông qua những thông tin, hình ảnh mà các đối tượng thường xuyên đăng tải trên các trang cá nhân do chúng lập ra.

37b5bd174adbfd85a4ca.jpg 

Các trang web, app đầu tư chứng khoán giả mạo

Ngoài ra, các đối tượng còn yêu cầu nạn nhân phải nạp đủ chỉ tiêu, doanh số... để trì hoãn việc rút tiền. Tất cả những điều này đều nằm trong kịch bản của các đối tượng lừa đảo, nhằm mục đích dụ nạn nhân tiếp tục gửi tiền cho chúng.

Trước tình trạng trên, thời gian qua, PA05 Công an tỉnh đã liên tục triển khai các kênh thông tin để cảnh báo cho người dân. Theo đó, hiện PA05 đã triển khai hàng chục nhóm Zalo phòng chống tội phạm lừa đảo với hàng ngàn người dân tham gia. Trên các kênh này, PA05 sản xuất các video clip ngắn tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo. Thời gian tới, để kịp thời cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo cho người dân, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai các kênh tuyên truyền nhằm đưa thông tin đến với người dân để đề cao cảnh giác.


Tùng Dương

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang