(CTT - Đồng Nai) - Dù nửa thế kỷ đã trôi qua và những người lính năm xưa đã già, ký ức về một thời kỳ oanh liệt và đầy mất mát của dân tộc vẫn sống trong tâm khảm họ. Và trong những ngày cả dân tộc đang hân hoan chào đón kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, ký ức ấy như một ngọn lửa bùng cháy, sống động hơn bao giờ hết. Cựu chiến binh Nguyễn Văn Chương, người từng trực tiếp bảo vệ cầu Ghềnh vào ngày 30-4-1975, là một trong những người mang trong mình ngọn lửa ký ức ấy.
Trong ngôi nhà nhỏ tại khu phố 4A, phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa, cựu chiến binh Nguyễn Văn Chương, người từng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, vẫn cẩn thận gìn giữ cuốn nhật ký ố vàng, nhiều trang đã sờn rách, nhòe mực, cùng với album ảnh ghi dấu những năm tháng chiến tranh. Mỗi lần nhìn lại những kỷ vật ấy, ký ức về một thời kỳ hào hùng lại ùa về trong tâm trí ông. Hơn ai hết, ông trân quý quá khứ và biết ơn những điều tốt đẹp mà cuộc sống đã ban tặng.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Chương bên cuốn nhật ký ghi chép lại sự kiện bảo vệ cầu Ghềnh ngày 30-4-1975
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Chương bên cuốn nhật ký ghi chép lại sự kiện bảo vệ cầu Ghềnh ngày 30-4-1975
Ông Chương kể, ông sinh ra và lớn lên tại Hạ Hòa, Phú Thọ, trong một gia đình nghèo khó nhưng giàu truyền thống cách mạng. Năm 18 tuổi, ông đã tình nguyện gia nhập quân đội, trở thành một chiến sĩ đặc công đóng quân ở Hà Tây. Đến năm 1972, khi đế quốc Mỹ mở rộng miền Bắc, đơn vị của ông nhận lệnh hành quân vào Nam chiến đấu.
Ông Chương nhớ lại những ngày tháng 3-1975 đầy căng thẳng khi đơn vị ông nhận lệnh bảo vệ cầu Ghềnh, một cứ điểm then chốt của quân ta. Trước khi chiến dịch Hồ Chí Minh diễn ra, khu vực đóng quân của ông ngày đêm bị xáo trộn bởi tiếng động cơ xe tăng, tiếng pháo kéo, và tiếng súng nổ không ngừng của địch. Trong bối cảnh nguy hiểm đó, ông và đồng đội đã sẵn sàng cho tình huống xấu nhất.
Với giọng xúc động, ông kể: Ý thức được tầm quan trọng của chiến dịch tổng tiến công lần này, chúng tôi đã chuẩn bị tinh thần cho mọi tình huống. Tôi và ba người bạn thân đã bí mật chôn cất những vật dụng cá nhân quan trọng và dặn dò nhau về việc báo tin cho gia đình nếu có người hy sinh. Đêm 29-4, Biên Hòa bừng sáng trong ánh pháo kích của quân ta, hướng về Hố Nai tiếng súng rền vang. Đơn vị tôi đã chiến đấu kiên cường, khiến địch phải tháo chạy khỏi cầu Ghềnh. Đến trưa ngày 30-4, Biên Hòa hoàn toàn giải phóng.

Ông Nguyễn Văn Chương (ngoài cùng, bìa phải) cùng các cựu chiến binh về nguồn, tri ân anh hùng liệt sĩ trên địa bàn tỉnh nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam
Ông Nguyễn Văn Chương (ngoài cùng, bìa phải) cùng các cựu chiến binh về nguồn, tri ân anh hùng liệt sĩ trên địa bàn tỉnh nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam
Không chỉ có ông Chương, nhiều cựu chiến binh trên địa bàn tỉnh đã và đang lưu giữ những kỷ vật thời chiến với sự trân trọng và yêu thương đặc biệt. Dù thời gian có phôi pha, những kỷ vật ấy vẫn nguyên vẹn giá trị lịch sử và tình cảm thiêng liêng. Nhiều kỷ vật vô giá của được các cựu chiến binh trao tặng lại cho hệ thống bảo tàng, để từ đây những câu chuyện lại được tiếp tục kể và lan tỏa về một thời hoa lửa của cha ông…
Trong đó có chiếc cà mên của ông Nguyễn Văn Tiếp, phường Suối Tre, thành phố Long Khánh được các chiến sĩ Tiểu đoàn 28 đặc công, Sư đoàn 5 tặng lại chiến trường Long Khánh vào năm 1968. Chiếc cà mên được ông Tiếp sử dụng để đựng thức ăn, nước uống, nấu cơm… đảm bảo tốt sức khỏe, thực hiện nhiệm vụ ở đơn vị lực lượng Huyện đội Đồn Điền (1968-1971) và sau này là Ban Kinh tài của Huyện Đồn Điền, Long Khánh từ năm 1971 đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.