(CTT-Đồng Nai) - Thời gian qua, lĩnh vực nuôi yến tại Đồng Nai đã có sự phát triển mạnh mẽ, đưa tỉnh trở thành một trong những địa phương dẫn đầu về số lượng nhà nuôi yến ở khu vực Đông Nam bộ và trên cả nước. Sự kiện Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN-MT) Việt Nam cùng Tổng cục Hải quan Trung Quốc vừa ký kết Nghị định thư về các yêu cầu kiểm dịch, kiểm tra và vệ sinh thú y đối với tổ yến thô và tổ yến sạch nhập khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc đã tạo ra một khung pháp lý thuận lợi, mở ra cơ hội lớn để Đồng Nai thúc đẩy hoạt động xuất khẩu tổ yến sang thị trường tiềm năng này.

Cơ sở nuôi yến tại huyện Định Quán quan tâm đầu tư chế biến, chuẩn hóa chất lượng tổ yến với kỳ vọng đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng tổ yến. Ảnh: Song Lê
Cơ sở nuôi yến tại huyện Định Quán quan tâm đầu tư chế biến, chuẩn hóa chất lượng tổ yến với kỳ vọng đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng tổ yến. Ảnh: Song Lê
Mong rộng cửa xuất khẩu tổ yến
Phó Giám đốc Sở (NN-MT) Trần Lâm Sinh thông tin, Đồng Nai đang nắm giữ tiềm năng kinh tế lớn từ ngành nuôi yến, với số lượng nhà nuôi thuộc hàng đầu khu vực Đông Nam bộ và cả nước, tăng gần gấp đôi từ 610 nhà (2019) lên gần 1,4 ngàn nhà (2024). Các huyện Định Quán, Tân Phú, Thống Nhất, Trảng Bom, Cẩm Mỹ và thành phố Long Khánh là những khu vực có mật độ nuôi yến cao nhất, đạt sản lượng khoảng 15 tấn trong năm 2023. Tỉnh đang nỗ lực xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm tổ yến Đồng Nai tại thị trường trong nước, đồng thời chú trọng chuẩn hóa quy trình sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhiều cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, một số cơ sở có sản phẩm yến sào đạt chứng nhận OCOP. Đây là bước đi chiến lược nhằm tận dụng cơ hội xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng, đặc biệt là Trung Quốc, nơi có nhu cầu tiêu thụ yến sào rất lớn, chiếm khoảng 80% thị phần toàn cầu.
Tại Đồng Nai, phần lớn tổ yến thô từ các nhà nuôi thường được bán cho thương lái với giá thấp hơn nhiều so với yến đã chế biến, giá tiêu thụ không ổn định. Thêm vào đó, do ảnh hưởng của tình hình kinh tế chung, thị trường tiêu thụ yến vài tháng gần đây có phần chậm lại, dẫn đến giá yến thô giảm khoảng vài triệu đồng/kg so với trước đây.
Các doanh nghiệp, cơ sở nuôi yến trên địa bàn tỉnh rất quan tâm đến xuất khẩu vào thị trường lớn Trung Quốc. Theo các cơ sở nuôi yến trên địa bàn tỉnh, người nuôi yến rất mong chờ thị trường tiêu thụ lớn Trung Quốc tăng nhập khẩu tổ yến của Việt Nam để đầu ra mặt hàng này có giá tốt và ổn định hơn. Các cơ sở nuôi yến rất quan tâm thực hiện quy trình nuôi an toàn sinh học, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong sơ chế, bảo quản tổ yến. Cơ sở sẵn sàng thực hiện quy trình nuôi, sơ chế, bảo quản theo yêu cầu của thị trường Trung Quốc để sản phẩm đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới này.
Phải chuẩn hóa quy trình sản xuất tổ yến xuất khẩu
Mặc dù có tiềm năng sản xuất lớn, nhưng sản lượng tổ yến của Đồng Nai nói riêng và Việt Nam nói chung vẫn chưa thâm nhập được nhiều vào thị trường xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Các thách thức lớn bao gồm áp lực cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường quốc tế. Hơn nữa, quy mô sản xuất yến tại Đồng Nai chủ yếu vẫn còn nhỏ lẻ, gây khó khăn trong việc đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu. Một yếu tố khác là sự thiếu đầu tư vào nhãn hiệu và thương hiệu, do phần lớn các hộ nuôi yến vẫn hoạt động theo mô hình gia đình và tiêu thụ sản phẩm thông qua các kênh địa phương.
Theo nội dung Nghị định thư, Bộ NN-MT sẽ đảm nhận trách nhiệm kiểm dịch, kiểm tra, giám sát an toàn và sức khỏe đối với cả tổ yến thô và tổ yến sạch xuất khẩu sang Trung Quốc, đồng thời cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu cho các lô hàng đủ điều kiện. Bộ NN-MT cũng sẽ cung cấp cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) toàn bộ quy định, tiêu chuẩn liên quan đến tổ yến thô và tổ yến sạch của Việt Nam, bao gồm các chỉ tiêu xét nghiệm, phương pháp, quy trình và tiêu chuẩn cụ thể áp dụng cho các sản phẩm xuất khẩu. Đáng chú ý, các chỉ tiêu quan trọng như virus cúm gia cầm, Newcastle, giới hạn nitrit, giới hạn nhôm và kiểm tra cảm quan bắt buộc phải được đưa vào tiêu chuẩn chất lượng của tổ yến sạch.
Bộ NN-MT sẽ bảo đảm hệ thống quản lý an toàn thực phẩm đối với tổ yến thô và tổ yến sạch luôn luôn được duy trì hiệu quả và đáp ứng các yêu cầu theo quy định pháp luật của Trung Quốc. Trong trường hợp cần thiết, GACC có thể tiến hành kiểm tra video từ xa hoặc cử chuyên gia đến Việt Nam để kiểm tra, đánh giá và xác minh việc đáp ứng yêu cầu của tổ yến.
Các cơ sở sơ chế tổ yến thô và cơ sở chế biến tổ yến sạch xuất khẩu sang Trung Quốc phải được đăng ký với GACC. Chỉ những sản phẩm được sản xuất sau ngày đăng ký mới được phép xuất khẩu sang Trung Quốc. Những cơ sở chưa đăng ký sẽ không được xuất khẩu sang Trung Quốc.
Nghị định thư cũng nêu rõ các quy định sản xuất và chế biến tổ yến thô và tổ yến sạch xuất khẩu phải đáp ứng các quy định về kiểm dịch, kiểm tra và an toàn thực phẩm. Đặc biệt, sản phẩm phải được chứng nhận được sản xuất, chế biến theo hệ thống quản lý chất lượng hiệu quả, được xử lý nhiệt để không bị nhiễm bất cứ mầm bệnh; bảo đảm các cơ sở sơ chế tổ yến thô và tổ yến sạch phải thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc; quy cách đóng gói, nội dung ghi trên bao bì sản phẩm…
Trong trường hợp phát hiện tổ yến nhập khẩu không đáp ứng các yêu cầu của Nghị định thư giữa Bộ NN-MT và GACC, phía Trung Quốc có quyền trả lại, tiêu hủy và thông báo cho Bộ NN-MT thực hiện các biện pháp cần thiết để điều tra nguyên nhân theo yêu cầu của GACC và phản hồi kết quả kịp thời.