(CTT-Đồng Nai) Đến nay, ngành giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) tỉnh cơ bản đã hoàn tất các nhiệm vụ được UBND tỉnh giao cho ngành GD-ĐT tại Kế hoạch số 43/KH-UBND ngày 3-3-2022 về triển khai thực hiện Đề án 06 (Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030).
Đáng chú ý, một số nhiệm vụ như: Đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng bằng hình thức trực tuyến hiện đã đạt 100%; thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu về giáo dục và đào tạo (GD-ĐT); thực hiện nhiệm vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến… là những nhiệm vụ thuộc Đề án 06 mà ngành GD-ĐT Đồng Nai đã thực hiện đạt và vượt.
Giáo viên và học sinh thực hiện thử tình huống giám thị xác thực thông tin thí sinh bằng thẻ căn cước công dân có gắn chíp thay cho việc xác thực thủ công bằng phiếu báo dự thi
Giáo viên và học sinh thực hiện thử tình huống giám thị xác thực thông tin thí sinh bằng thẻ căn cước công dân có gắn chíp thay cho việc xác thực thủ công bằng phiếu báo dự thi
Đăng ký thi trực tuyến đạt 100%
Một trong những nhiệm vụ nổi bật mà ngành GD-ĐT Đồng Nai đã triển khai thành công là dịch vụ công "Đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng" bằng hình thức trực tuyến. Đến nay, tỷ lệ hoàn thành nhiệm vụ này đã đạt 100%. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và đăng ký thi đã giúp giảm thiểu thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian cho học sinh và phụ huynh, đồng thời tăng cường tính minh bạch và chính xác trong quá trình tuyển sinh.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Huy Khánh cho biết, việc đẩy mạnh triển khai các ứng dụng trên cơ sở dữ liệu ngành GD-ĐT (đã được kết nối xác thực với các cơ sở dữ liệu quốc gia) phục vụ học sinh, giáo viên và các cơ sở giáo dục đã góp phần thúc đẩy việc xây dựng xã hội số trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ. Thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cơ sở dữ liệu về GD-ĐT, hàng năm, có trên 786.924 hồ sơ cán bộ, giáo viên, người học được kết nối, làm sạch với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đạt tỷ lệ trên 98%.
Bên cạnh đó, về thực hiện nhiệm vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, ngành GD-ĐT có 75 thủ tục hành chính đủ điều kiện để thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công của tỉnh và tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia để phục vụ cho các tổ chức, cá nhân trong quá trình triển khai, thực hiện.
Thí điểm mô hình xác thực trong thi cử
Trong số 53 mô hình thuộc Đề án 06, ngành GD-ĐT được giao chủ trì, triển khai thực hiện thí điểm 2 mô hình.
Thứ nhất là mô hình Xác thực thông tin giáo viên và học sinh, cho phép giáo viên đăng nhập bằng tài khoản VNeID (SSO) để quản lý điểm, lịch học (mô hình 31). Hiện nay, Sở đã thử nghiệm thành công mô hình 31 trên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành, cho phép giáo viên và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục thực hiện đăng nhập thông qua tài khoản định danh.
Thứ hai là mô hình số 21: Ứng dụng thẻ căn cước công dân (CCCD) có gắn chíp để xác thực thông tin thí sinh tham gia dự thi tại Trường Trung học cơ sở Trảng Dài (thành phố Biên Hòa). Vừa qua, Sở GD-ĐT đã phối hợp với Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Phòng GD-ĐT thành phố Biên Hòa, Viettel Đồng Nai đã tổ chức thành công mô hình số 21. Ban tổ chức đã tổ chức một phòng thi giả định có bố trí thiết bị xác thực thẻ CCCD. Khi vào phòng thi, thí sinh sẽ được giám thị xác thực thông tin bằng thẻ CCCD có gắn chíp thay cho việc xác thực thủ công bằng phiếu báo dự thi.
Ghi nhận tại buổi thí điểm mô hình số 21 cho thấy, khi cán bộ coi thi đã gọi tên và thực hiện việc xác thực thông tin thí sinh qua ảnh mặt và đối chiếu trực tiếp dữ liệu được lưu trữ trên thẻ CCCD và kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư chỉ mất khoảng 5-10 giây/trường hợp. Khi thử nghiệm tráo người dự thi, hệ thống cũng đã phát hiện cảnh báo không đúng thí sinh dự thi qua đối khớp ảnh mặt.
Theo đánh giá của Sở GD-ĐT, việc ứng dụng thẻ CCCD để xác thực thông tin thí sinh sẽ giúp phòng, chống gian lận trong thi cử. Tuy nhiên, mô hình này có những hạn chế nhất định như: để xác thực, điểm danh một thí sinh thì giám thị cần nhập tên hoặc tìm kiếm tên của thí sinh đó để tích nút xác thực hoặc điểm danh, dẫn đến mất đi một khoảng thời gian nhất định. Nếu cán bộ coi thi chưa làm quen với thiết bị có tính năng đọc thẻ căn cước trước khi diễn ra kỳ thi, sẽ bị ảnh hưởng tiến độ quét xác thực thẻ CCCD trong thời gian đầu. Đồng thời, phải đầu tư nhiều thiết bị đọc thẻ, mỗi lần đọc thẻ phải tốn phí.