(CTT-Đồng Nai) - Các đối tượng tội phạm lợi dụng, sử dụng không gian mạng để hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn ra ngày càng phức tạp.

Công an tỉnh thường xuyên cảnh báo các thủ đoạn
lừa đảo của tội phạm trên không gian mạng cho người dân cảnh giác
Thủ đoạn lừa đảo ngày càng phức tạp, tinh vi
Mặc dù các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống, tội phạm công nghệ cao vẫn diễn biến phức tạp, có tổ chức và xuyên quốc gia, với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây thiệt hại lớn về tài sản cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh trật tự. Mới đây, Bộ Công an đã đưa ra cảnh báo về một thủ đoạn lừa đảo mới trên không gian mạng, theo đó, các đối tượng phạm tội mua hoặc thuê lại tài khoản của tài xế xe công nghệ, sau đó tìm cách chiếm đoạt tài sản của khách hàng.
Cụ thể, các đối tượng lừa đảo đã tìm cách mua hoặc thuê lại tài khoản của các tài xế đối tác trên mạng xã hội Facebook. Sau khi có được quyền truy cập, chúng sử dụng các tài khoản này để nhận các đơn vận chuyển hàng hóa có giá trị cao (như điện thoại, máy tính xách tay, máy ảnh) từ khách hàng. Sau đó, chúng thực hiện hủy chuyến đi để chiếm đoạt số hàng hóa này.
Công an Đồng Nai vừa cảnh báo về những chiêu trò lừa đảo mới trên mạng. Một trong số đó là kịch bản "hoàn tiền học phí": kẻ gian giả làm giáo viên liên hệ phụ huynh, thông báo về chính sách miễn giảm học phí và yêu cầu cung cấp thông tin nhạy cảm như số tài khoản, mã OTP để nhận tiền, dẫn đến nguy cơ bị chiếm đoạt tài sản ngân hàng. Bên cạnh đó, chiêu trò giả danh cảnh sát giao thông yêu cầu "nộp phạt nguội" và đổi bằng lái xe cũng được cảnh báo, với mục đích dụ nạn nhân truy cập vào các trang web giả mạo để đánh cắp thông tin tài chính.
Một thủ đoạn lừa đảo tinh vi khác mà các đối tượng đang sử dụng là lợi dụng chủ trương giải thể công an cấp huyện. Chúng mạo danh công an cấp xã, yêu cầu người dân cài đặt các ứng dụng giả mạo như VNeID, cài đặt sinh trắc học, định danh biển số xe, kiểm tra phạt nguội hoặc thực hiện đổi bằng lái xe trực tuyến. Thực chất, đây là cách chúng tiếp cận và chiếm đoạt thông tin tài khoản ngân hàng của người dân để thực hiện hành vi trộm cắp tài sản.
Tập trung các giải pháp đấu tranh, phòng ngừa
Để tăng cường công tác phòng ngừa và xử lý hoạt động sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 29/CĐ-TTg ngày 3-4-2025. Công điện này yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo công an các cấp tập trung triển khai một đợt cao điểm tấn công, trấn áp mạnh mẽ tội phạm công nghệ cao, đặc biệt là tội phạm lừa đảo tài sản, nhất là trong giai đoạn đang có sự sắp xếp tổ chức bộ máy công an địa phương (không còn công an cấp huyện).
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an cần chủ động rà soát một cách thường xuyên để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và loại bỏ các nội dung, trang web, đường dẫn, ứng dụng, hội nhóm và tài khoản trên không gian mạng có dấu hiệu liên quan đến hoạt động lừa đảo, các cuộc gọi và tin nhắn đáng ngờ, đặc biệt là các cuộc gọi từ nước ngoài, sử dụng công nghệ VoIP hoặc qua các ứng dụng OTT.
Đối với Bộ Quốc phòng, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ chỉ đạo các lực lượng nắm chắc tình hình trên không gian mạng thông qua trinh sát, giám sát, thu thập, phân tích và đánh giá thông tin, từ đó kịp thời có các biện pháp đối phó hiệu quả với các hoạt động có thể gây hại đến quốc phòng và an ninh quốc gia. Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng cần tăng cường phối hợp với Bộ Công an và Bộ Khoa học và Công nghệ để chủ động phát hiện, nhận diện, ngăn chặn và xử lý các trang web, địa chỉ IP, ứng dụng và phần mềm độc hại được các đối tượng sử dụng để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Để tăng cường quản lý và xử lý vấn nạn sim rác, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ rà soát và hoàn thiện khung pháp lý trong lĩnh vực viễn thông. Bộ cũng được giao nhiệm vụ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để đối chiếu thông tin giữa chủ tài khoản ngân hàng, người đại diện hợp pháp và chủ thuê bao di động. Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông nâng cao trách nhiệm trong việc xác thực, lưu giữ thông tin thuê bao và kiên quyết xử lý sim rác.
Trước tình hình tội phạm công nghệ cao diễn biến phức tạp, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành công văn yêu cầu các sở, ban, ngành tăng cường lãnh đạo và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tội phạm như viễn thông, internet, thương mại điện tử, tài chính, ngân hàng... Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh xây dựng kế hoạch mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp mạnh mẽ các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm lừa đảo trên không gian mạng, và phối hợp với các cơ quan liên quan để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đảm bảo an ninh trật tự trên môi trường mạng. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc để hạn chế tối đa các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng.
Nhằm đối phó với tình trạng lừa đảo trên không gian mạng, Ban Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai đã thể hiện sự quyết liệt trong công tác đấu tranh và phòng ngừa. Theo đó, trong các đợt ra quân tấn công trấn áp tội phạm, các đơn vị nghiệp vụ và công an các địa phương đã được chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp nghiệp vụ, tuân thủ nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Công an và lãnh đạo UBND tỉnh.
Để chủ động phòng ngừa tội phạm lừa đảo trên không gian mạng, Công an tỉnh Đồng Nai đã thành lập 8 nhóm Zalo cộng đồng về phòng, chống tội phạm công nghệ cao, thu hút sự tham gia tích cực của hàng ngàn người dân. Trong các nhóm này, cán bộ, chiến sĩ Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đóng vai trò chủ động trong việc cập nhật liên tục thông tin và phân tích các thủ đoạn lừa đảo trực tuyến, giúp người dân kịp thời nắm bắt và cảnh giác.