(CTT-Đồng Nai) – Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Đồng Nai vừa tiến hành giám sát gián tiếp đối với UBND huyện Thống Nhất về công tác phòng, chống xâm hại, đuối nước và tai nạn thương tích trẻ em.
Mục đích của hoạt động giám sát này là nhằm có được đánh giá khách quan về tình hình thực tế, từ đó đưa ra những kiến nghị giải pháp thiết thực, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống xâm hại, đuối nước và tai nạn thương tích, hướng tới mục tiêu chung là chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em một cách tốt nhất.
Luôn quan tâm đến công tác trẻ em
Theo báo cáo của UBND huyện Thống Nhất gửi Hội LHPN tỉnh về công tác phòng, chống xâm hại, đuối nước và tai nạn thương tích ở trẻ em, thời gian qua, UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống xâm hại, đuối nước và tai nạn thương tích trẻ em cũng như công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.
Đồng thời, đưa nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện; bố trí kinh phí cho công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Chỉ đạo các ngành, các cấp tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, quy định về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em… góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị, các tầng lớp Nhân dân trong việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

Đại diện Huyện đoàn Thống Nhất tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện
Đại diện Huyện đoàn Thống Nhất tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện
Bên cạnh đó, triển khai các mô hình Xây dựng Cộng đồng an toàn, Cổng trường an toàn, Ngôi nhà an toàn, Ấp/khu phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em…; tổ chức các hoạt động trang bị kỹ năng phòng, chống xâm hại, đuối nước và tai nạn thương tích cho trẻ em, tổ chức các lớp dạy bơi miễn phí cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt…
Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, các ngành, đoàn thể của huyện tích cực tham gia vào công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Trong đó, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội cũng ban hành nhiều văn bản về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại, đuối nước và tai nạn thương tích cho trẻ em, người chăm sóc trẻ, cán bộ làm công tác trẻ em…
Ngành y tế đã chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các dịch bệnh lây lan trong mùa hè, tăng cường công tác khám chữa bệnh cho trẻ em, đặc biệt là các trẻ em: suy dinh dưỡng, khuyết tật được xác định do nhiễm chất độc hóa học, nhiễm HIV, bị xâm hại tình dục, bị tai nạn thương tích…. Triển khai các hoạt động tập huấn về phòng, chống tai nạn thương tích, cấp cửu đuối nước, phòng tránh rủi ro cho trẻ em và cộng đồng…
Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện; Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan đổi mới, nâng cao chất lượng về nội dung và hình thức chương trình văn hóa - nghệ thuật, thể thao, bổ ích cho trẻ em, tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ em tại các thiết chế văn hóa, thể thao cơ cũng như các điểm dịch vụ trò chơi thiếu nhi trên địa bàn huyện
Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án 938 của Chính phủ về tuyên truyền giáo dục, vận động hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027 với chủ đề cho phụ nữ và trẻ em…
Tiếp tục quan tâm chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em
Mặc dù có sự quan tâm vào cuộc của các cấp, các ngành, song công tác phòng, chống xâm hại, đuối nước và tai nạn thương tích trẻ em trên địa bàn huyện vẫn xảy ra.
Từ thực trạng này, Hội LHPN tỉnh đã có thông báo kết luận gửi UBND huyện Thống Nhất. Trong đó, Hội LHPN tỉnh đã có một số đề xuất, kiến nghị UBND huyện quan tâm thực hiện góp phần bảo vệ trẻ em. Trong đó, Hội LHPN tỉnh đề xuất, huyện Thống Nhất cần tăng cường hơn nữa vai trò quản lý Nhà nước, tiếp tục huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền về quyền, bổn phận của trẻ em, kỹ năng phòng, chống xâm hại, đuối nước và tai nạn thương tích cho trẻ em, người chăm sóc trẻ và cán bộ phụ trách công tác trẻ em.
Tiếp tục thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em theo quy định. Đặc biệt là thực hiện trách nhiệm của UBND các cấp theo quy định tại Điều 90 Luật Trẻ em và tiếp tục quan tâm, bố trí ngân sách cho công tác bảo vệ trẻ em; thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em ở cơ sở.
Sau sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã cần tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng tham mưu thực hiện tốt công tác phòng, chống xâm hại, đuối nước và tai nạn thương tích trẻ em; nhất là các biện pháp phòng ngừa, trợ giúp trẻ bị xâm hại, đuối nước và tai nạn thương tích, xử lý nghiêm các hành vi gây tổn hại đến trẻ em. Duy trì hiệu quả các mô hình góp phần đảm bảo an toàn cho trẻ em, phát huy tiếng nói trẻ em. Tạo điều kiện thuận lợi để Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật liên quan đến trẻ em.