Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Văn hóa Đồng Nai 50 năm sau ngày đất nước thống nhất

(CTT-Đồng Nai) - Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/4/1975), Đồng Nai đã thiết lập các cơ quan quản lý văn hóa và thể thao ban đầu là Ty Văn hóa, Thông tin và Ty Thể dục Thể thao. Sau nhiều thay đổi về cơ cấu tổ chức, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) chính thức được thành lập vào năm 2008. Mục tiêu xuyên suốt của tỉnh từ đó đến nay là gìn giữ và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, song hành cùng sự phát triển kinh tế - xã hội, nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho cộng đồng.

Các em học sinh trải nghiệm, tìm hiểu lịch sử tại di tích Văn miếu Trấn Biên
Các em học sinh trải nghiệm, tìm hiểu lịch sử tại di tích Văn miếu Trấn Biên

Chuyển mình mạnh mẽ

Giám đốc Sở VHTTDL Lê Thị Ngọc Loan cho rằng, Nghị quyết Trung ương V (khóa VIII) đã tạo động lực mạnh mẽ cho ngành văn hóa phát triển. Nhờ chủ trương coi văn hóa là mục tiêu, động lực tinh thần và xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, ngành đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Bà Loan đặc biệt đề cập đến phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" ngày càng hiệu quả và sự phát triển của các lĩnh vực thư viện, điện ảnh, thông tin lưu động, bảo tàng, di tích...

Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết 12-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Đồng Nai trở thành nguồn lực, động lực quan trọng cho phát triển toàn diện và bền vững, nhiều chương trình lớn được triển khai nhằm nâng cao nhận thức về vai trò văn hóa đối với cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Các cấp ủy, chính quyền, địa phương đã đưa việc phát huy giá trị văn hóa, con người thành nhiệm vụ chính trị trọng tâm, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục trong toàn xã hội.

Nổi bật là công tác bảo tồn, trùng tu các di sản văn hóa được thực hiện mạnh mẽ. Những di tích gắn với lịch sử hào hùng như Thành cổ Biên Hòa, Văn miếu Trấn Biên, Căn cứ Khu ủy miền Đông Nam bộ… thường xuyên được trùng tu, tôn tạo. Các lễ hội truyền thống như: Lễ hội Sayangva của người Chơro, lễ giỗ Đức ông Nguyễn Hữu Cảnh, Giỗ tổ Hùng Vương không chỉ được duy trì mà còn phát huy giá trị trong đời sống cộng đồng, thổi bùng ngọn lửa tự hào dân tộc trong lòng thế hệ hôm nay.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa Nguyễn Xuân Thanh cho hay, từ sau ngày đất nước thống nhất đến nay, thành phố đạt nhiều kết quả đáng phấn khởi trên lĩnh vực văn hóa. Nổi bật là công tác chỉnh trang đô thị, đường sá, giao thông được quan tâm, đầu tư đồng bộ; hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cơ sở được cải tạo, nâng cấp và tổ chức đa dạng các hoạt động… tạo điều kiện thuận lợi để người dân thụ hưởng các giá trị văn hóa tinh thần.

“Song hành cùng bảo tồn là giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Các trường học tích cực lồng ghép chương trình giáo dục địa phương, tổ chức tham quan di tích lịch sử, hoạt động trải nghiệm văn hóa… Nhờ vậy, tinh thần “uống nước nhớ nguồn” được lan tỏa bền vững trong từng mái nhà, từng thế hệ người Biên Hòa - Đồng Nai” - ông Thanh chia sẻ.

Người lao động trên địa bàn tỉnh biểu diễn văn nghệ, nâng cao đời sống tinh thần
Người lao động trên địa bàn tỉnh biểu diễn văn nghệ, nâng cao đời sống tinh thần

Hội nhập và phát triển

Bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đồng Nai xác định phát triển công nghiệp văn hóa là hướng đi tất yếu để văn hóa không chỉ dừng lại ở giá trị tinh thần mà còn đóng vai trò động lực phát triển kinh tế. Trong đó, nhiều sự kiện văn hóa lớn đã được tổ chức như: Lễ hội Khinh khí cầu và Festival gốm truyền thống Biên Hòa -Đồng Nai, các chương trình quảng bá sản phẩm OCOP, các lễ hội văn hóa, chương trình nghệ thuật được tổ chức quy mô, góp phần thương hiệu “văn hóa Đồng Nai” vươn xa.

Không chỉ vậy, ngành văn hóa đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào bảo tồn, phát huy và quảng bá di sản văn hóa, tạo nhiều dấu ấn mới như: xây dựng tour tham quan thực tế ảo 360 di tích Văn miếu Trấn Biên, Mộ cự thạch Hàng Gòn, Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh; xây dựng bản đồ GIS các di chỉ khảo cổ học, số hóa tài liệu quý hiếm… đang mở rộng khả năng tiếp cận di sản, đặc biệt với thế hệ trẻ yêu thích công nghệ.

50 năm sau Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước không phải một chặng đường quá dài trong lịch sử, nhưng đối với Đồng Nai, đó là hành trình chuyển mình mạnh mẽ, khẳng định bản lĩnh và trí tuệ con người phương Nam trong thời đại mới. Từ việc gìn giữ những giá trị cốt lõi, Đồng Nai hôm nay đang chủ động hội nhập, chọn lọc và tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, làm giàu thêm bản sắc địa phương.

Cũng theo Giám đốc Sở VHTTDL Lê Thị Ngọc Loan, mặc dù còn không ít thách thức phía trước nhưng với nền tảng đã được xây dựng, trong thời gian tới, ngành tiếp tục triển khai, thực hiện hiệu quả các Nghị quyết, Kế hoạch về phát triển văn hóa. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa con người Đồng Nai, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững.
Hòa Bình

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang