Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Đẩy mạnh công tác hướng nghiệp cho học sinh

Các trường THCS, THPT cần phối hợp với các trường cao đẳng, đại học, doanh nghiệp… nhằm đa dạng hóa hình thức hướng nghiệp, giúp học sinh có nhiều cơ hội tìm hiểu ngành nghề, nhận diện và hiểu được năng lực và khả năng của bản thân. Từ đó, các em sẽ có thể lựa chọn ngành nghề phù hợp.

Học sinh Trường THCS Trần Hưng Đạo tham quan thực tế tại Trường cao đẳng Công nghệ và quản trị Sonadezi
Học sinh Trường THCS Trần Hưng Đạo tham quan thực tế tại Trường cao đẳng Công nghệ và quản trị Sonadezi

Đây là một trong những yếu tố rất quan trọng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giúp người học có việc làm phù hợp sau khi ra trường.

Học sinh mong đợi các chương trình trải nghiệm

Trong những năm qua, Trường THCS Trần Hưng Đạo (P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) đã tổ chức nhiều buổi tham quan thực tế tại các trường cao đẳng trên địa bàn TP.Biên Hòa cho học sinh lớp 9 tham gia. Cuối năm học 2021 - 2022, trường này đã phối hợp cùng Trường Cao đẳng Công nghệ và quản trị Sonadezi tổ chức Ngày hội Sonadezi tour cho hơn 750 học sinh khối 9 của trường.

Hoạt động này luôn thu hút và tạo được sự hứng thú cho học sinh. Trong thời gian tới, Trường THCS Trần Hưng Đạo sẽ tổ chức trải nghiệm nghề nghiệp cho học sinh khối 6, 7, 8 cùng tham gia.

“Trong chương trình GDPT mới thì hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp là nội dung bắt buộc ở bậc THCS, nghĩa là học sinh phải được hướng nghiệp từ lớp 6. Nếu có thể đưa học sinh ra ngoài để tìm hiểu thực tế thì sẽ thuận lợi hơn cho công tác hướng nghiệp” - cô Đỗ Thị Cao Sang, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Hưng Đạo cho hay.

Em Khổng Nguyễn Triều Tiên, học lớp 9/13, Trường THCS Trần Hưng Đạo chia sẻ: “Được trải nghiệm ở trường cao đẳng khiến em thấy rất vui, thú vị. Ngành học mà em thích nhất là ngoại ngữ, vì thông qua học ngoại ngữ, em sẽ học hỏi được nhiều điều thú vị từ nền văn hóa của các nước khác. Em mong rằng nhà trường sẽ tổ chức nhiều chương trình tương tự như vậy để em và các bạn được trải nghiệm”.

Anh Trịnh Văn Hưởng, Phó phòng tuyển sinh Trường Cao đẳng Công nghệ và quản trị Sonadezi cho biết: “Thông qua các gian hàng của các khoa, ngành đào tạo và tham quan thực tế xưởng thực hành, học sinh sẽ phần nào hiểu được đặc trưng của các ngành nghề, từ đó đối chiếu xem có phù hợp với bản thân mình hay không. Những trải nghiệm nghề nghiệp này sẽ có lợi cho việc định hướng, lựa chọn nghề nghiệp tương lai của các em học sinh”.

Hướng nghiệp đúng mục tiêu

Theo thầy Trần Quang Thạch, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Quyền (xã Sông Ray, H.Cẩm Mỹ), nếu có thể cho những học sinh có xu hướng học nghề sau THCS đi tham quan các trường nghề, doanh nghiệp thì sẽ rất tốt cho công tác phân luồng. Nếu những chuyến đi này có sự tham gia của phụ huynh thì sẽ càng tốt hơn. Thực tế, học sinh ở bậc THCS chưa thể tự định hướng tương lai được mà vẫn cần và phụ thuộc vào định hướng của phụ huynh. Do đó, nếu phụ huynh được đi, được thấy thì sẽ hiểu rõ hơn về ngành nghề, tính chất công việc… để cùng con lựa chọn hướng đi phù hợp cho tương lai.
 
Đưa học sinh đến trường cao đẳng, đại học để tham quan, trải nghiệm nhằm phục vụ công tác hướng nghiệp, tuyển sinh là hoạt động đã được thực hiện từ nhiều năm nay. Thay vì tổ chức đại trà cho mọi học sinh tham gia, các trường đã tổ chức những chương trình với quy mô nhỏ hơn nhưng nhắm đúng đối tượng hơn.

Anh Võ Thế Tân, bộ phận tuyển sinh Trường cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai (H.Long Thành) cho biết, trường đã làm việc với một số trường THCS trên địa bàn tỉnh để lên danh sách học sinh tham quan thực tế ở trường cao đẳng. Theo đó, học sinh tham gia là những em có xu hướng sẽ học nghề sau THCS. Để chọn đúng đối tượng thì cần phải có sự phối hợp của các trường THCS trên cơ sở khảo sát, đăng ký của học sinh.

Một trong các hoạt động hướng nghiệp đang được một số trường thực hiện là chương trình Ngày hội nữ sinh. Tham gia chương trình, các nữ sinh sẽ có dịp quan sát, hiểu rõ hơn về các ngành học thuộc khối kỹ thuật, từ đó thay đổi nhận thức về giới nữ học kỹ thuật để có thể mạnh dạn chọn khối ngành này nếu phù hợp với năng lực, sở thích của bản thân.

Không chỉ hướng nghiệp ở bậc THCS và THPT, thực tế nhiều sinh viên đã thay đổi ngành học sau 1 năm học tập ở trường cao đẳng, đại học. Thông qua những trải nghiệm, quan sát nghề nghiệp trong môi trường đại học, cao đẳng, sinh viên sẽ hiểu rõ hơn về các ngành nghề, hiểu về bản thân để thấy mình có thực sự phù hợp hay không, lựa chọn như vậy đã đúng chưa… Từ đó, sinh viên có thể chọn rẽ sang hướng khác phù hợp hơn. Việc hướng nghiệp sớm từ bậc THCS, THPT sẽ giúp học sinh đưa ra lựa chọn ngành nghề chính xác hơn, hạn chế tình trạng “rẽ hướng” nhằm tiết kiệm thời gian, công sức và tiền bạc.
Hoàng Giang

Atlas tỉnh Đồng Nai

Cổng TTĐT Chính phủ

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang