(CTT-Đồng Nai) - Ngày 24-4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (gọi tắt là Ủy ban) đã chủ trì phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban với trọng tâm thảo luận về kinh tế số.
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức chủ trì phiên họp tại điểm cầu Đồng Nai.
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức chủ trì phiên họp tại điểm cầu Đồng Nai.
Tham dự phiên họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; các bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành, thành viên Ủy ban; lãnh đạo các địa phương, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn về công nghệ thông tin. Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức tham dự và chủ trì tại điểm cầu Đồng Nai.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông - cơ quan thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, tính đến nay, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư về dân cư đã kết nối, chia sẻ, xác thực, làm sạch dữ liệu với 18 bộ, ngành, 63 địa phương, 4 doanh nghiệp nhà nước; cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp được đẩy mạnh. Về kinh tế số, tỷ trọng kinh tế số/GDP năm 2023 ước đạt 16,5% với tốc độ tăng trưởng khoảng 20%.
Tại Đồng Nai, theo Sở Thông tin và Truyền thông, tỉnh đã triển khai, từng bước hình thành các cơ sở dữ liệu ngành quan trọng như: dữ liệu ngành giáo dục, công thương, xây dựng, nội vụ, y tế … trong đó đặc biệt đã vận hành, khai thác, sử dụng có hiệu quả dữ liệu đất đai tại địa phương, đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống” - việc có ý nghĩa rất lớn đối với công tác quản lý nhà nước và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, các bộ trưởng, trưởng ngành, bí thư, chủ tịch UBND các cấp phải quyết tâm cao hơn, chỉ đạo quyết liệt trong triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia, chú trọng "3 tăng cường" và "5 đẩy mạnh".
Trong đó, "3 tăng cường" gồm: thứ nhất, tăng cường nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số tới từng người dân, doanh nghiệp và nhất là người đứng đầu. Thứ hai, tăng cường tiềm lực cho chuyển đổi số, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên bố trí nguồn lực. Thứ ba, tăng cường hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt và huy động mọi nguồn lực xã hội.
"5 đẩy mạnh" gồm: thứ nhất, đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý đầy đủ thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số. Thứ hai, đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, nền tảng số tạo tiền đề quan trọng cho phát triển kinh tế số. Thứ ba, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, lập nghiệp trong chuyển đổi số. Thứ tư, đẩy mạnh phát triển nhân lực số, kỹ năng số đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Thứ năm, đẩy mạnh an ninh mạng, an toàn thông tin để quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp, bảo vệ chủ quyền không gian mạng quốc gia từ sớm, từ xa.