Sau nhiều lần lỡ hẹn,
dự án thành phần 1A, đoạn Tân Vạn- Nhơn Trạch thuộc dự án đường Vành đai
3-TP.HCM đã được các cơ quan chức năng “chốt” thời điểm khởi công xây dựng.

Đoạn Bình Chuẩn- Tân Vạn, thuộc dự án đường
Vành đai 3-TP.HCM dài 16,7 km đã được tỉnh Bình Dương đầu tư, đưa vào khai
thác.
Khởi công dự án trong
quý I-2022
Dự án thành phần 1A, đoạn Tân Vạn- Nhơn Trạch
(giai đoạn 1) có chiều dài 8,75 km, kéo dài từ tỉnh lộ 25B đến cao tốc TP.HCM-
Long Thành- Dầu Giây. Điểm đầu giao với đường tỉnh 25B thuộc địa phận H.Nhơn Trạch
và điểm cuối giao với đường cao tốc TP.HCM- Long Thành- Dầu Giây thuộc TP.Thủ Đức
(TP.HCM). Trong đó, đoạn đi qua địa bàn tỉnh có chiều dài 6,3km.
Dự án được xây dựng với quy mô đường cấp III đồng
bằng, tốc độ thiết kế 80km/h. Tổng mức đầu tư hơn 5,3 ngàn tỷ đồng đồng, gồm
nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc thông qua Quỹ hợp tác phát triển kinh
tế Hàn Quốc (EDCF) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Ông Diệp Bảo Tuấn, Phó giám đốc Ban quản lý dự
án Mỹ Thuận (Bộ GT-VT) cho biết, vào tháng 2-2021, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận
(Bộ GT-VT) đã ký kết hợp đồng tư vấn thiết kế kỹ thuật và hỗ trợ đấu thầu với
Công ty Pyunghwa Engineering Consultant Ltd (Hàn Quốc). Sau đó, Ban quản lý dự
án Mỹ Thuận cũng đã có văn bản gửi Bộ GT-VT về việc có ý kiến với nhà tài trợ để
đẩy nhanh tiến độ xử lý các công việc đấu thầu dự án thành phần 1A nhằm đẩy
nhanh thủ tục, sớm khởi công dự án này vào cuối năm 2021.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng khách quan của tình
hình dịch bệnh Covid-19 nên việc trình duyệt hồ sơ kéo dài. Cùng với đó, do dự
án 1A là dự án ODA sử dụng vốn vay Chính phủ Hàn Quốc (thông qua EDCF) nên cần
sự phối hợp đồng bộ cả từ phía Bộ GT-VT và nhà tài trợ EDCF mới đáp ứng được tiến
độ như dự kiến. Trong đó, quá trình đấu thầu có nhiều bước phải có ý kiến chấp
thuận của nhà tài trợ EDCF trước khi Bộ GT-VT phê duyệt như hồ sơ mời thầu xây
lắp, tư vấn giám sát; danh sách ngắn tư vấn giám sát; kết quả đánh giá đề xuất
kỹ thuật xây lắp, tư vấn giám sát; dự thảo hợp đồng xây lắp, tư vấn giám
sát,... Chính vì vậy, thời điểm khởi công dự án vào cuối năm 2021 đã không thể
thực hiện.
Cũng theo ông Diệp Bảo Tuấn, các hồ sơ thủ tục
của dự án hiện này đã bước vào giai đoạn hoàn thiện. Cụ thể, hiện nay Ban Quản
lý dự án Mỹ Thuận đang thực hiện đánh giá hồ sơ đấu thầu, lựa chọn đơn vị tư vấn
giám sát. Đối với việc đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công xây lắp thì trong
tháng 12-2021 sẽ thực hiện phát hành hồ sơ mời thầu. “Theo quy định, đối với đấu
thầu quốc tế thì thời gian hoàn thành mất khoảng 2 tháng. Như vậy khoảng cuối
tháng 2, đầu tháng 3 sẽ hoàn thành. Vì vậy, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận dự kiến
sẽ khởi công dự án trong tháng 3-2022”- ông Diệp Bảo Tuấn cho biết.
Sớm hoàn thành giải phóng mặt bằng
Theo kế hoạch thực hiện dự án thành phần 1A,
công tác giải phóng mặt bằng sẽ được các địa phương thực hiện đối với đoạn tuyến
đi qua địa bàn. Để xây dựng 6,3km thuộc dự án 1A đi qua địa bàn tỉnh, Đồng Nai
sẽ phải thực hiện thu hồi diện tích đất hơn 49ha với 457 hộ dân nằm trong vùng ảnh
hưởng (378 hộ dân có đất bị thu hồi và 79 hộ có tài sản trên đất). Tất cả diện
tích đất này thuộc địa bàn 2 xã Long Tân và Phú Thạnh, H.Nhơn Trạch. Tổng nguồn
vốn cần có để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng là hơn 650 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hữu Thành, Phó chủ tịch UBND H.Nhơn
Trạch cho biết, đến nay, UBND H.Nhơn Trạch đã thực hiện công khai phương án bồi
thường, hỗ trợ đối với tất cả các hộ dân trong vùng dự án.
Theo kế hoạch, nguồn kinh phí để thực hiện công
tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án 1A sẽ được lấy từ nguồn tiền thu sử dụng
đất hơn 634 tỷ đồng của dự án khu dân cư do Công ty CP Freeland làm chủ đầu tư
(rộng 125 ha). Như vậy, kinh phí bồi thường, hỗ trợ của dự án hiện còn thiếu
khoảng 16 tỷ đồng. Đến nay, Công ty CP Freeland đã nộp số tiền sử dụng đất là gần
185 tỷ đồng.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác giải
phóng mặt bằng, UBND H.Nhơn Trạch cũng kiến nghị UBND tỉnh, Sở Tài chính xem
xét cho địa phương được tạm ứng số tiền 563 tỷ đồng để chi trả cho các hộ dân.
Phó giám đốc Sở KH-ĐT Võ Hoàng Phương cho biết,
trước đây, Đồng Nai dự kiến đưa tiểu dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng dự
án 1A vào danh mục dự án đầu tư công sử dụng nguồn vốn đầu tư công trung hạn
giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, với tiến độ hiện nay, việc triển khai theo hướng
đầu tư công sẽ mất rất nhiều thời gian. Do đó, Sở KH-ĐT đã đề xuất thực hiện
theo hướng UBND tỉnh tạm ứng vốn để H.Nhơn Trạch chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ,
giải phóng mặt bằng theo Nghị quyết của HĐND tỉnh (Nghị quyết số 24 được HĐND tỉnh
Khóa IX, Kỳ họp thứ 18 thông qua ngày 4-12-2020 thông qua danh mục các dự án
thu hồi đất, các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất đối với đất trồng lúa,
đất rừng phòng hộ và các dự án điều chỉnh quy mô, địa điểm thực hiện năm 2021
trên địa bàn tỉnh Đồng Nai). “Nếu triển khai thực hiện theo Nghị quyết của HĐND
tỉnh sẽ giúp giảm áp lực về thời gian đối với công tác giải phóng mặt bằng của
dự án”- ông Võ Hoàng Phương cho biết.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, Đồng
Nai rất mong muốn dự án đường Vành đai 3-TP.HCM được triển khai nhanh. Bởi đây
là dự án không chỉ giúp pháp triển toàn vùng Đông Nai bộ nói chung mà còn giúp
H.Nhơn Trạch phát triển nhanh hơn. Để đẩy nhanh tiến độ dự án, Phó chủ tịch
UBDN tỉnh Võ Tấn Đức nhất trí với phương án sẽ thực hiện tiểu dự án bồi thường,
giải phóng mặt bằng dự án 1A theo hình thức thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh.
Về nguồn vốn sẽ tạm ứng cho UBND H.Nhơn Trạch từ nguồn vốn của quỹ phát triển đất
tỉnh. Sở KH-ĐT phối hợp với Sở Tài chính tham mưu Ban cán sự Đảng UBND tỉnh báo
cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện các thủ tục theo đúng quy định. UBND H.Nhơn
Trạch sớm có tờ trình về việc ứng vốn để UBND tỉnh xử lý, ứng vốn nhanh nhất
cho địa phương thực hiện.
Phan Anh