(CTT-Đồng Nai)- Trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), qua đó xây dựng trường, lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị, các công trình phụ trợ bảo đảm kiên cố, đồng bộ, hiện đại đáp ứng nhu cầu dạy và học trên địa bàn tỉnh.

Công tác kiểm tra đánh giá và công nhận Trường Tiểu học Tín Nghĩa (xã Xuân Thiện, huyện Cẩm Mỹ) đạt chuẩn quốc gia, năm 2024
Công tác kiểm tra đánh giá và công nhận Trường Tiểu học Tín Nghĩa (xã Xuân Thiện, huyện Cẩm Mỹ) đạt chuẩn quốc gia, năm 2024
Các doanh nghiệp đã tham gia xây dựng nhiều trường mầm non
Với quan điểm “Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, phải được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục nhằm tăng thêm nguồn lực để đầu tư phát triển sự nghiệp GD&ĐT trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, hàng năm tỉnh đều bố trí từ nguồn kinh phí sự nghiệp để trả lương cho cán bộ, giáo viên; đầu tư cho các đơn vị xây dựng cơ sở vật chất trường lớp. Bên cạnh nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước, tỉnh đã tích cực huy động kinh phí để tăng cường cơ sở vật chất trường học. Hiện nay, tỉnh thực hiện quản lý tài chính giáo dục theo hình thức giao về đầu mối thống nhất, phân bổ ngân sách giáo dục phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương, đảm bảo cơ chế tự chủ của cơ sở giáo dục và đào tạo.
Ngoài ra, công tác xã hội hóa giáo dục, nhất là giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học cũng được tỉnh quan tâm đẩy mạnh, nhất là ở cấp giáo dục mầm non. Các nhà đầu tư đã thành lập nhiều trường mầm non có quy mô lớn, cơ sở vật chất, thiết bị dạy hiện đại, tập trung ở các khu đông dân cư, khu vực nhiều công nhân. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều trường được doanh nghiệp đầu tư rất quy mô và đang hoạt động hiệu quả, như Trường mầm non Phước Thái (huyện Long Thành) do công ty Sonadezi đầu tư; Trường mầm non Thành Nghĩa (huyện Long Thành) và Trường mầm non Nhơn Nghĩa (huyện Nhơn Trạch) do công ty TNHH MTV Tín Nghĩa đầu tư; Trường mầm non An Bình (thành phố Biên Hòa) do công ty Tae-Kwang Vina đầu tư; Trường mầm non Phước Hiệp (huyện Nhơn Trạch) do công ty TNHH dệt may ECLAT Việt Nam đầu tư; Trường mẫu giáo Dona standard xây dựng tại khu công nghiệp Xuân Lộc, huyện Xuân Lộc thuộc tập đoàn Phong Thái (quy mô 900 trẻ); Trường mầm non Những Bông hoa nhỏ của Công ty TNHH Pouchen Việt Nam; Trường mầm non Thái Quang của Công ty Cổ phần Tae-Kwang Vina Industrial đầu tư 40 tỷ, xây dựng tại khu công nghiệp Agtex- thành phố Biên Hòa (quy mô 500 trẻ)...
Các trường mầm non do các doanh nghiệp đầu tư được thiết kế phù hợp với yêu cầu sử dụng, đáp ứng việc chăm sóc, giáo dục trẻ, góp phần tích cực giảm áp lực cho các trường mầm non công lập.
Thu hút nguồn lực từ nước ngoài
Đối với các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập cũng được tỉnh khuyến khích đầu tư và đạt được kết quả khá tốt. Trong 10 năm qua, có 30 chương trình, dự án phát triển giáo dục do các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tài trợ với kinh phí viện trợ khoảng 22,6 tỷ đồng. Các nguồn tài trợ tập trung xây dựng phòng học, góp phần cải thiện điều kiện cơ sở vật chất trường học, huy động học sinh ra lớp. Từ nguồn vốn ODA, trên địa bàn tỉnh điển hình có Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề hiện đại; đủ tiêu chuẩn đào tạo các nghề trình độ cao đẳng theo chuẩn quốc tế, đào tạo giáo viên.
Ngay từ năm 2015, Trường Đại học Lạc Hồng và Tập đoàn pháp nhân Mabuchi International Scholarship Foundation (viết tắt là MISF) đã ký bản Hợp đồng quản lý hoạt động nghiệp vụ Quỹ học bổng Mabuchi, nhằm thực hiện tình hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản, cũng như để tạo cơ hội bình đẳng trong giáo dục thông qua việc cấp một khoản vay không lãi suất (còn gọi là “Học bổng tín dụng”).
Trường Đại học Đồng Nai có nguồn vốn của tổ chức NIPPON FOUNDATION - Nhật Bản cho Dự án Giáo dục Trung học - Đại học cho người Điếc Việt Nam (thực hiện từ năm 2009). Số vốn khoảng 40.000 USD/năm. Đây là một Dự án quan trọng góp phần tạo điều kiện phát triển Trung tâm Nghiên cứu và thúc đẩy Văn hóa Điếc - Trường đại học Đồng Nai nói riêng và phát triển giáo dục cho người khiếm thính khu vực phía Nam nói chung.
Bên cạnh đó, việc thực hiện chương trình kiên cố hóa trường lớp cũng luôn là chủ trương được các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học theo hướng đạt chuẩn, kiên cố hóa, hiện đại đáp ứng yêu cầu đổi mới hình thức, phương dạy học và các hoạt động giáo dục. Từ năm 2014 đến nay, tỉnh đã xây dựng mới 214 trường học đạt chuẩn về cơ sở vật chất, đầy đủ các phòng chức năng, phòng học theo quy cách quy định; bàn ghế học sinh được trang bị theo thiết kế mới đáp ứng yêu cầu đổi mới hình thức, phương pháp dạy học trên lớp; tỷ lệ phòng học được xây dựng kiên cố tăng nhanh, cấp học mầm non là 88,8%, tiểu học là 98,7%, THCS là 97,2% và THPT là 98,8%.
Có thể khẳng định, với việc đổi mới chính sách, cơ chế tài chính, huy động sự tham gia đóng góp của xã hội nên công tác GD&ĐT trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đã xây dựng, phát triển được các cơ sở giáo dục công lập đáp ứng được nhu cầu phát triển giáo dục của các địa phương tại các huyện, thành phố; đồng thời phát triển được các loại hình trường ngoài công lập, đáp ứng nhu cầu dạy và học xã hội.