(CTT-Đồng Nai) Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong tuần gần nhất (từ ngày 26-5 đến 1-6), toàn tỉnh ghi nhận 162 ca mắc tay chân miệng, tăng 100% so với tuần trước đó. Số ca tăng ở hầu hết các huyện, thành phố, tăng nhiều nhất ở TP.Biên Hòa, H.Trảng Bom, H.Long Thành.

Bác sĩ Khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai khám bệnh cho trẻ mắc bệnh tay chân miệng.
Bác sĩ Khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai khám bệnh cho trẻ mắc bệnh tay chân miệng.
Bệnh nhân nhập viện điều trị tăng gấp 3 lần
Cộng dồn từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 900 ca mắc tay chân miệng. Đối tượng mắc tay chân miệng chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi.
Tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, những ngày gần đây, số bệnh nhi nhập viện để điều trị bệnh tay chân miệng cũng tăng gấp 3 lần so với tuần trước đó.
Riêng tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc, đã điều trị thành công cho một bệnh nhi 17 tháng tuổi mắc tay chân miệng mức độ rất nặng. Bệnh nhi phải thở máy và lọc máu, điều trị tích cực bằng thuốc đặc hiệu.
Virus tay chân miệng chủ yếu lây truyền qua tiếp xúc với dịch mũi hoặc họng của người bệnh, nước bọt, chất dịch từ mụn nước hoặc phân của người bệnh.
bệnh tay chân miệng giai đoạn khởi phát từ 1-2 ngày với các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày. Sau đó, cơ thể bắt đầu với các vết phồng rộp và phát ban trong miệng hoặc trên bàn tay, bàn chân.
Trên 90% bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng sẽ khỏi sau 7-10 ngày nhiễm bệnh. Tuy nhiên, vẫn còn 5% trẻ tay chân miệng bị biến chứng nặng, có thể tử vong nếu không điều trị kịp thời.

Một bệnh nhi bị bệnh tay chân miệng rất nặng phải điều trị tích cực tại bệnh viện
Một bệnh nhi bị bệnh tay chân miệng rất nặng phải điều trị tích cực tại bệnh viện
3 dấu hiệu nhận biết chính
Khi nhận thấy trẻ có những dấu hiệu dưới đây, phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín để được khám, điều trị kịp thời.
Giật mình chới với: Đây là dấu hiệu cho thấy trẻ đã bị nhiễm độc thần kinh, nếu không điều trị kịp thời có thể gây những biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm thân não, viêm màng não, viêm não tủy...
Phát hiện sớm dấu "giật mình chới với" rất quan trọng. Cha mẹ chú ý khi trẻ mắc tay chân miệng giật nảy mình và chới với khi đặt nằm xuống (khác tình trạng trẻ lăn qua lăn lại rồi khóc).
Cụ thể như: Bé vừa ngủ thì giật nảy người, nâng hai tay hai chân, mở mắt nhìn lên rồi nhắm mắt thiu thiu. Ở tình trạng nặng, trẻ sẽ bị giật mình liên tục hoặc giật mình ngay cả lúc ngủ sâu. Nhiều trường hợp trẻ vừa nằm ngửa đã bị giật mình.
Trẻ giật mình ngay cả khi trẻ đang chơi đùa. Phụ huynh nên để ý số lần trẻ giật mình có tăng theo thời gian hay không. Nếu trẻ giật mình 2 lần liên tiếp trong vòng 30 phút, cần đưa đến bệnh viện ngay.
Thở mệt: Ngoài gây biến chứng lên não, bệnh tay chân miệng có thể gây biến chứng lên tim mạch, hô hấp. Ban đầu trẻ có dấu hiệu khó thở, thở nhanh, khò khè, ngực rút lõm, hơi thở rít thanh quản. Nếu nặng hơn, trẻ có thể bị phù phổi cấp gây khó thở, da tím tái, phổi nhiều ran ẩm, nội khí quản có lẫn máu hay bọt hồng.
Trẻ khó thở rất có thể rơi vào suy tim, rối loạn huyết động. Khó thở có thể khiến trẻ tử vong nếu không được can thiệp y tế kịp thời, hỗ trợ thở máy hoặc đặt nội khí quản.