Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Lý do nhiều người lớn tử vong do sốt xuất huyết

Số ca tử vong do sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay thực sự đáng báo động. Đặc biệt, trong số 15 ca tử vong có đến 13 trường hợp là người lớn. Có những trường hợp nhập viện trong tình trạng đã ngưng tim sau nhiều ngày tự điều trị tại nhà.

Do chủ quan nên nhiều người lớn nhập viện điều trị trong tình trạng sốc sốt xuất huyết
Do chủ quan nên nhiều người lớn nhập viện điều trị trong tình trạng sốc sốt xuất huyết

Nhiều người chủ quan khiến bệnh nặng

Sau 5, 6 ngày bị sốt cao ở phòng trọ, không đi khám bệnh ở bất cứ cơ sở y tế nào, đến khi kiệt sức, chị Thạch Thị Hiếu, 18 tuổi mới gọi điện cho cha mẹ ở cách đó hơn 20 km đến chở về nhà và nhập viện cấp cứu.

Bà Nguyễn Thị Lương Sơn, ngụ xã Trị An, H.Vĩnh Cửu, mẹ chị Hiếu cho biết, vợ chồng bà có điện hỏi thăm con nhưng con luôn nói không có sao, không có gì. Đến hôm qua, do kiệt sức con gái mới kêu cha mẹ đến phòng trọ ở xã Bắc Sơn, H.Trảng Bom về nhà.

“Tôi hỏi con bị gì, nó bảo bị sốt. Sau đó tôi mới đi kiếm thuốc men cho nó uống, thấy bớt nóng bảo sáng có gì thì sẽ chở đi nhà thương. Đến sáng ngày ra tôi thấy nó xỉu, nó ngã ngang bảo mẹ ơi con mệt quá. Vợ chồng tôi phải tức tốc chở con đến Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất để cấp cứu” - bà Sơn cho hay.

Vừa được các bác sĩ cấp cứu qua cơn sốc SXH, chị Vũ Ngọc Uyên, 35 tuổi, ngụ xã Đồi 61, H.Trảng Bom vẫn còn mệt nhiều. Chị Uyên cho biết, sau khi bị sốt 2 ngày, chị tự mua thuốc hạ sốt để uống. Đến ngày thứ 4, thấy mệt quá, chị Uyên mới đến Trung tâm y tế H.Trảng Bom khám thì được chẩn đoán đã bước vào tình trạng sốc SXH, ói nhiều, mệt lả và được chuyển lên tuyến trên.

Chị Uyên nói lý do không đi khám bệnh sớm vì nghe nói phải sốt từ 2 ngày trở lên đi xét nghiệm mới có kết quả chính xác. Do vậy, những ngày đầu chị tự uống thuốc tại nhà, không đúng phác đồ nên bệnh tình diễn tiến ngày càng nặng.

Vừa được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai từ Bệnh viện Đa khoa khu vực Định Quán, bà Lê Thị Mười, 54 tuổi, ngụ TT.Tân Phú, H.Tân Phú nhớ lại: “Lúc đầu lạnh quá trời lạnh luôn, tưởng sốt bình thường nên tôi tự mua thuốc uống. 3 ngày sau thấy bụng bự lên, sưng lên, mệt, đi siêu âm người ta kêu đi nhập viện chứ bệnh này không uống thuốc được, thế là lên bệnh viện nhập viện rồi chuyển lên đây luôn.
 
Bà Mười cũng như nhiều người khác có tâm lý chủ quan vì trước đến nay cứ sốt đi mua thuốc uống là hết mà không nghỉ rằng mình bị sốt xuất huyết.

Nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết nặng khó bắt được mạch, huyết áp
Nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết nặng khó bắt được mạch, huyết áp

Tình trạng bệnh nặng rất nhiều

Theo ghi nhận tại 2 bệnh viện tuyến tỉnh, mỗi ngày có khoảng 30-60 bệnh nhân SXH nhập viện là người lớn, trong đó nhiều ca bệnh rất nặng. Tình trạng SXH năm nay nặng hơn rất nhiều so với đỉnh dịch những năm trước. Nhiều bệnh nhân là người lớn chủ quan, khi bị sốt thì tự mua thuốc uống hoặc khám ở các phòng khám tư, xử lý đơn thuần rồi về, đến khi nặng mới vào bệnh viện.
 
BS CKI.Đồng Minh Hùng, Trưởng Khoa Nhiễm Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho rằng: “Ở người lớn có một số bệnh cảnh khác, đa số có bệnh nền, nếu SXH thì nặng nề hơn trẻ em rất nhiều. Trẻ em sốt 2-3 ngày là người lớn đưa vào bệnh viện. Số lượng người lớn nhập viện điều trị SXH thường ít hơn trẻ em nhưng số ca bệnh nặng nhiều, tới muộn nên bệnh cảnh tử vong ở người lớn nhiều”.

Trong khi đó, BS Lê Thế Dương, Phó trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cho hay: “Tình trạng SXH nặng nề rất nhiều, có suy gan, sốc, tụt huyết áp, gần như ngày nào cũng có 1-2 ca, hồi xưa 4-5 ngày mới có 1 ca. Tình trạng bệnh nặng nhiều có thể do dịch nhiều quá, điều trị ở nhà chưa tốt, vào bệnh viện đã trễ. Thứ 2 nữa là diễn tiến bệnh nặng hơn, có những trường hợp điều trị đáp ứng, có những trường hợp không đáp ứng phải chuyển lên tuyến trên/nhưng sau đó tử vong”.
 
Để ngăn ngừa tử vong do SXH ở người lớn nói riêng và bệnh nhân SXH nói chung, các bác sĩ khuyến cáo người dân nếu bị sốt cao cần đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.

BS Đồng Minh Hùng, Trưởng Khoa Nhiễm - Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cảnh báo, khi điều trị tại nhà, nếu bệnh nhân có những biểu hiện như: vật vã, lơ mơ, li bì, chảy máu răng, chảy máu mũi, ói ra máu, đi cầu phân đen, đau bụng nhiều, ôm bụng lăn lộn, tiểu ít. Khi người dân điều trị tại nhà thấy có một trong những biểu hiện trên thì phải nhập viện bất cứ lúc nào không kể tới ngày mới đi khám.
 
SXH là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây truyền bởi muỗi vằn. Bệnh chưa có vaccine và thuốc đặc trị. Do đó, người dân cần chủ động phòng bệnh bằng cách diệt muỗi, diệt lăng quăng, ngủ mùng, mặc quần áo dài tay, thoa kem chống muỗi để chống muỗi đốt.
Việt Anh

Atlas tỉnh Đồng Nai

Cổng TTĐT Chính phủ

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang