Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Kiến nghị tăng chỉ tiêu đất phát triển khu công nghiệp

Hàng loạt dự án hạ tầng lớn đã và đang được triển khai thực hiện sẽ làm gia tăng cơ hội thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, việc bị giới hạn bởi chỉ tiêu đất phát triển KCN khiến cho Đồng Nai đứng trước nguy cơ “lỡ hẹn” với cơ hội này.

Đồng Nai kiến nghị được tăng chỉ tiêu đất phát triển KCN để đón đầu sóng đầu tư (Ảnh KCN Nhơn Trạch II ).
Đồng Nai kiến nghị được tăng chỉ tiêu đất phát triển KCN để đón đầu sóng đầu tư (Ảnh KCN Nhơn Trạch II ).

Đón sóng đầu tư từ hệ thống hạ tầng

Dự án Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành hiện đang được triển khai xây dựng giai đoạn 1 trên địa bàn tỉnh. Dự kiến, năm 2025, giai đoạn 1 của dự án sẽ hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác. Theo đánh giá, với vị thế là sân bay lớn nhất cả nước trong tương lai, sân bay Long Thành sẽ tạo ra sức hút đầu tư và động lực phát triển rất lớn cho Đồng Nai nói riêng và cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung, trong đó có lĩnh vực phát triển công nghiệp. Ngoài sân bay Long Thành giai đoạn 1, từ nay đến năm 2025, hàng loạt dự án hạ tầng giao thông lớn khác trên địa bàn cũng sẽ hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác.

Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, tuyến giao thông đóng vai trò kết nối nội Vùng Đông Nam bộ cũng như liên vùng giữa Vùng Đông Nam bộ và Nam Trung bộ theo dự kiến sẽ hoàn thành xây dựng vào cuối năm 2022. Trong khi đó, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành sau nhiều khó khăn về nguồn vốn hiện nay cũng đã được “tái” khởi động thực hiện và dự kiến hoàn thành xây dựng trong năm 2025. Bên cạnh các dự án đã được triển khai xây dựng, năm 2023, 2 dự án hạ tầng giao thông lớn là đường Vành đai 3 - TP.HCM và đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dự kiến cũng sẽ được khởi công xây dựng. Đối với 2 dự án này, mục tiêu đề ra là cơ bản hoàn thành xây dựng vào năm 2025 và khai thác đồng bộ trong năm 2026.

Đồng thời với các dự án hạ tầng giao thông lớn do Trung ương triển khai, Đồng Nai cũng đã lên kế hoạch triển khai nhiều dự án giao thông của tỉnh nhằm kết nối các địa phương vùng sâu, vùng xa của tỉnh với sân bay Long Thành. Mục tiêu mà tỉnh đề ra là hoàn thành các dự án này trong năm 2025 để có thể đồng bộ khai thác với dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, ngoài các dự án hạ tầng giao thông nói trên, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Cảng Phước An cũng đang được đầu tư xây dựng. Chính vì vậy, tiềm năng thu hút các nhà đầu tư đến với tỉnh trong thời gian tới là rất lớn. Bởi, trong một khu vực đang phát triển rất sôi động, Đồng Nai với lợi thế có sân bay và cảng biển là điều kiện rất tốt để phát triển. Đặc biệt, các tuyến đường cao tốc cũng như các tuyến đường giao thông do tỉnh đầu tư khi hoàn thành sẽ kết nối rất tốt cho các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh để phát triển công nghiệp.
 
Tháo “điểm nghẽn” chỉ tiêu đất phát triển KCN

Hiện nay, số khu KCN đã được phê duyệt quy hoạch trên địa bàn tỉnh là 40 khu với tổng diện tích gần 18,9 ngàn ha. Trong đó, KCN Biên Hòa 1 diện tích 335ha đã được đưa ra khỏi quy hoạch. Khi Đề án chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 thành khu đô thị - thương mại - dịch vụ được phê duyệt thì Đồng Nai còn 39 KCN, tổng diện tích hơn 18,5 ngàn ha. Trong số này, Đồng Nai đã được Chính phủ phê duyệt bổ sung khoảng 6,5 ngàn ha đất dành cho phát triển KCN đến năm 2030. Phần diện tích đất bổ sung này hiện cũng đã được tỉnh bố trí xong cho 3 KCN sẽ được đầu tư xây dựng trong thời gian tới.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, với những điều kiện thuận lợi hiện có, việc phân bổ chỉ tiêu đất phát triển KCN đối với tỉnh như hiện nay là bất hợp lý. “Thời gian tới, hàng loạt địa phương trên địa bàn tỉnh sẽ có đường cao tốc cũng như các tuyến đường mở mới mà tỉnh đầu tư đi qua. Tuy nhiên, tỉnh lại không còn chỉ tiêu đất phát triển KCN để đáp ứng nhu cầu”- Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng chia sẻ.
 
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW (ngày 29-8-2005) và Kết luận số 27-KL/TW (ngày 2-8-2012) của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, anh ninh Vùng Đông Nam bộ và Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010, định hưởng đến năm 2020 vào giữa tháng 7 vừa qua, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng, Đồng Nai trước đây và hiện nay là tỉnh công nghiệp. Thời gian tới, Đồng Nai vẫn cơ bản là tỉnh công nghiệp. Tuy nhiên, quy hoạch cũng như quỹ đất phát triển KCN hiện nay không đáp ứng hết nhu cầu phát triển công nghiệp của tỉnh. “Đây cũng là một thách thức cho tỉnh Đồng Nai”- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
 
Chính vì vậy, cũng tại hội nghị này, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đã kiến nghị Bộ KH-ĐT cơ chế cho phép UBND tỉnh được quyền báo cáo với HĐND tỉnh lập quy hoạch sử dụng đất mà không bị phụ thuộc vào các chỉ tiêu của Trung ương giao nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn của địa phương.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, nhiều nước như Nhật Bản, Thái Lan, có những tỉnh chỉ làm công nghiệp vì có ưu thế, lợi thế. Đồng Nai nếu phát triển thương mại, dịch vụ cũng chỉ giới hạn. Với những lợi thế trong phát triển công nghiệp mà chỉ tiêu đất phát triển KCN không còn thì rất khó khăn.
Phan Anh

Atlas tỉnh Đồng Nai

Cổng TTĐT Chính phủ

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang