Dù Cơ sở điều trị nghiện
ma túy tỉnh được chuyển đến cơ sở mới ở xã Suối Cao (H.Xuân Lộc) hơn 6 tháng
nhưng những học viên nơi đây vẫn nhớ như in ngày mới được chuyển đến. Dù phải dọn
dẹp, trồng cây, cuốc cỏ… vất vả nhưng họ vẫn rất vui vì mọi thứ trong “ngôi nhà
mới” này đều rất tốt đẹp.
Cơ sở mới đi vào hoạt động
chính thức từ tháng 8-2020, quy mô tiếp nhận 1 ngàn học viên với diện tích xây
dựng gần 20ha trong khuôn viên hơn 45ha với mức đầu tư gần 3 ngàn tỷ đồng bao gồm
các hạng mục: khu hành chính, khu quản lý học viên, khu thăm gặp, nhà ăn, khu y
tế, dạy học….
Tình người nơi cai nghiện
Men theo cung đường nông
thôn mới trải nhựa thẳng tắp, cách xa khu dân cư ở xã Suối Cao là Cơ sở Điều trị
nghiện ma túy tỉnh. So với cơ sở cũ (ở xã Xuân Phú, H.Xuân Lộc) thì nơi đây
khang trang, rộng rãi và đẹp hơn rất nhiều.
Ông Hồ Trí Lịch, Giám đốc
Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh cho hay, sau nhiều năm chờ đợi, các học viên
nơi đây đã có “ngôi nhà mới” kiên cố, rộng rãi, khang trang hơn. “Nơi đây không
còn những mảng tường loang lổ với những vết hoen ố màu thời gian, không còn những
căn phòng chật chội học viên phải chen chúc nhau sinh hoạt và học hành nữa nên
các học viên, giáo viên ở đây rất phấn khởi” - ông Lịch chia sẻ.
Hằng ngày, khi nắng sớm
chếch lên trên ngọn cây, hàng trăm học viên tại cơ sở túa ra khu vườn tràm rộng
hàng chục ha phía sau cơ sở để cắt nhánh tràm hom. Họ chuyện trò rôm rả và
thoăn thoắt từng động tác nhuần nhuyễn như những người lao động bình thường
khác.
Vừa cầm bó nhánh tràm hom
cắt được trên tay, học viên L.Q.T. (40 tuổi) vui vẻ kể về câu chuyện cuộc đời mình. Ông T. cho biết,
vào năm 2018, trong một lần nhậu cùng bạn bè, ông dùng ma túy để thử cảm giác
“phê”. Tưởng rằng cứ thử 1 lần biết rồi thì thôi nhưng rồi ông cứ liên tiếp
dùng lần 2, lần 3 và nhiều lần sau đó đến khi bị phụ thuộc hoàn toàn vào ma túy
làm ảnh hưởng tiêu cực đến công việc, gia đình của ông. Đến đầu năm 2020, ông
được đưa vào Cơ sở Điều trị nghiện ma túy tỉnh ở xã Xuân Phú để cai nghiện ma
túy. “Ban đầu tôi sợ vào đây lắm vì lo sẽ mất tự do, bị đánh đập. Nhưng khi vào
đây tôi được mọi người quan tâm, yêu thương, giúp đỡ và nhất là điều trị giúp
tôi cai nghiện được ma túy” - ông T. cho biết.
Khi cơ sở mới được hoàn
thiện và đi vào sử dụng ở xã Suối Cao, ông T. cùng nhiều học viên khác đã tích
cực phụ chuyển đồ đạc từ cơ sở cũ về cơ sở mới. Thời gian đầu, theo ông T., việc
dọn dẹp và trồng trọt khá vất vả để đến nay có thành quả lao động rất đáng phấn
khởi. Họ đã trang hoàng cho “ngôi nhà” mới bằng những màu sắc xanh mát và rực rỡ
của cây xanh, hoa kiểng. Đặc biệt, các học viên còn có cả một khu vực sản xuất
để có thêm thu nhập.
Nói thêm về cơ sở mới, học
viên N.P.D. (26 tuổi) cho biết: “Từ ngày được qua ở cơ sở mới rộng rãi, sạch đẹp
thì ai nấy đều vui. Ban đầu nơi đây là đồi trọc, đất trống, nắng cháy da và nhất
là cỏ mọc cao hơn người. Thế nhưng cả thầy và trò đều rất háo hức chung tay dọn
dẹp, trồng cây và trang hoàng cho ngôi nhà của chính mình”.
“Nơi đây, tình thầy trò
cũng trở nên gần gũi và giữa các học viên cũng biết quan tâm, đùm bọc nhau nhiều
hơn”- anh D. tâm sự.
Tạo điều kiện làm việc tốt
hơn
Không chỉ những học viên
phấn khởi khi về “ngôi nhà” mới mà ngay cả những cán bộ quản lý nơi đây cũng được
làm việc trong một tâm thế hoàn toàn mới.
Anh Nguyễn Minh Phước,
Phó trưởng khu điều trị cai nghiện phục hồi sức khỏe (Cơ sở Điều trị nghiện ma
túy tỉnh) kể lại, khi mới đến làm việc tại cơ sở cũ ở xã Xuân Phú là lúc xảy ra
vụ trốn trại của các học viên nên anh đã rất sợ và lo lắng.
“Vụ trốn trại khiến tôi rất
lo lắng bởi cơ sở vật chất đã quá cũ và không đảm bảo an toàn. Còn bây giờ, tôi
như trút được mọi gánh nặng trong lòng khi có được môi trường làm việc, học tập,
điều trị khang trang, an toàn cho mình và cho học viên” - anh Phước chia sẻ. Những
học viên trong Khu điều trị cai nghiện phục hồi sức khỏe (thường gọi là Khu y tế)
nơi anh Phước quản lý đều là người nghiện mới được đưa vào điều trị, sức khỏe
còn yếu và nhất là họ thường quậy phá, la hét do ảo giác hoặc những cơn thèm ma
túy nên việc cắt cơn, quản lý diễn ra rất khó khăn và vất vả. Từ ngày có cơ sở
mới, việc tiếp nhận và điều trị cho người nghiện dễ dàng hơn. Theo đó, ngoài việc
đảm bảo các phòng điều trị rộng rãi, thoáng mát và kiên cố thì quy trình tiếp
nhận và xử lý hồ sơ từ khâu ban đầu đã được thực hiện khoa học và bài bản hơn.
Theo anh Phước, khi tiếp
nhận hồ sơ, những cán bộ y tế và quản lý đã làm tốt công tác tư tưởng, thăm
khám và hỏi han từng người nên việc quản lý học viên cũng trở nên nhẹ nhàng và
đơn giản hơn nhiều.
Rời Khu y tế đến khu 3
(nơi dành cho người được lao động), chúng tôi được anh Nguyễn Thế Vinh, Trưởng
khu 3 giới thiệu cho xem hình bản đồ Việt Nam được trồng tạo hình bằng hoa mười
giờ ngay khoảnh sân dưới cột cờ. Anh Vinh cho biết, tấm bản đồ bằng hoa mười giờ
được học viên trồng cứ nắng lên cao là hoa nở rộ rất đẹp.
“Việc trồng hoa thành bản
đồ vừa để đẹp khuôn viên, vừa để nhắc nhở niềm tự hào dân tộc và tình yêu
thương lẫn nhau. Việc khơi gợi về tình yêu nước cũng là một phần động lực giúp
các học viên nỗ lực, quyết tâm cai nghiện ma túy để về với gia đình, nhanh
chóng hòa nhập cộng đồng để trở thành những người có ích cho gia đình và xã hội”
- anh Vinh chia sẻ.
Khi đến “ngôi nhà” mới
này, chúng tôi cảm nhận được một không khí làm việc, học tập, sinh hoạt rất vui
vẻ từ những cán bộ quản lý và các học viên. Những người quản lý cơ sở tin rằng,
với cơ sở vật chất khang trang, sạch đẹp, họ sẽ có điều kiện tốt hơn để giúp học
viên sớm từ bỏ được ma túy, làm lại cuộc đời. Còn các học viên rất vui khi có
môi trường cai nghiện tốt hơn giúp họ yên tâm điều trị, học tập và lao động để
sớm được trở về tái hòa nhập cộng.
Nhật Minh