Tính đến cuối năm 2020, trên địa bàn tỉnh có hơn 40 ngàn doanh nghiệp (DN) trong nước được thành lập. Trong đó, có trên 10 ngàn DN hoạt động sản xuất trên các lĩnh vực công nghiệp, chế biến. Thời gian qua, tỉnh tổ chức nhiều đợt kết nối DN trong nước và DN FDI (vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) trên địa bàn tỉnh, tạo thành chuỗi cung ứng toàn cầu.
Sản xuất tại Công ty TNHH Máy tính Fujitsu Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2.
Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã có nhiều đợt xúc tiến thương mại tại chỗ, kết nối DN trong nước với DN FDI trong tỉnh và các địa bàn lân cận. Mục tiêu để các DN cung ứng sản phẩm đầu vào cho nhau, tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, tạo giá trị gia tăng cao và bớt lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.
*Kết nối với DN FDI
Đồng Nai là khu vực sản xuất công nghiệp lớn của cả nước, với hơn 50 mặt hàng chính khác nhau. Các DN FDI đầu tư vào tỉnh sản xuất hàng hóa để xuất khẩu và tiêu thụ ở thị trường nội địa. Tuy nhiên, tại Đồng Nai các DN FDI chủ yếu vẫn là sản xuất, xuất khẩu là chính, tiêu thụ nội địa chỉ 10-30%. Nguồn nguyên liệu các DN FDI sản xuất phải nhập khẩu khá nhiều. Những năm gần đây, Việt Nam ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do với các nước, mức độ giảm thuế cao từ 90-98% các dòng thuế. Thế nhưng, muốn hưởng ưu đãi về thuế quan, các DN phải đáp ứng được tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm. Vì thế, nhiều DN FDI muốn tìm nguồn nguyên liệu trong nước. Đại dịch Covid-19 xảy ra ngay năm 2020, nhiều DN FDI tại Đồng Nai cũng như Việt Nam khốn đốn vì thiếu nguyên liệu sản xuất cũng là yếu tố để DN quay về tìm nguyên liệu trong nước.
Ông Trần Bá Tuấn, Quản lý Công ty TNHH Daiwa Light Alloy Industry Việt Nam (100% vốn Nhật Bản) ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2 ( H.Nhơn Trạch) chia sẻ: “Công ty chuyên sản xuất các thiết bị máy móc để xuất khẩu tại chỗ cho các DN FDI và xuất ra nước ngoài. Trước đây, nguồn nguyên liệu hầu hết là nhập khẩu, nhưng gần đây để hưởng các ưu đãi về thuế quan khi xuất khẩu, nguyên liệu đầu vào được mua ở trong nước. Và công ty chỉ nhập khẩu những nguyên liệu Việt Nam không có”. Hiện nay, nguyên liệu nhập khẩu của công ty này 20-30%.
Nhiều DN FDI trên địa bàn Đồng Nai cho biết, họ rất muốn kết nối với DN trong nước để mua nguyên liệu đầu vào cho sản xuất. Vì thế, DN tại Đồng Nai có mặt hàng DN FDI đang cần đáp ứng được chất lượng, giá, thời gian là có thể hợp tác lâu dài.
Ông Lê Văn Lộc, Phó giám đốc Sở Công thương cho hay: “Khoảng 5 năm trở lại đây, xuất siêu của Đồng Nai liên tục tăng cao là do các DN FDI đã kết nối với DN Đồng Nai cung ứng sản phẩm đầu vào cho nhau. Nhiều DN đã tìm nguồn nguyên phụ liệu trong nước lên đến 60-70%”.
Sản xuất tại Công ty TNHH Máy tính Fujitsu Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2.
*Ứng dụng công nghệ hiện đại
DN FDI tại Đồng Nai rất chú trọng đến việc ứng dụng công nghệ vào trong sản xuất để tăng năng suất, chất lượng, giảm được lo lắng về thiếu lao động, đồng thời đáp ứng được những đơn hàng lớn hiện đại. Trên địa bàn tỉnh có nhiều DN FDI đã ứng dụng công nghệ 4.0 vào trong sản xuất kinh doanh như: Công ty TNHH Meggitt Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 sản xuất các linh kiện máy bay cho các hãng hàng không nổi tiếng thế giới; Công ty TNHH Schaffler Việt Nam Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) sản xuất các loại vòng bi lớn nhỏ cho các loại máy móc, robot; Công ty TNHH Máy tính Fujitsu Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 sản xuất linh kiện máy tính; Công ty TNHH Hyosung Đồng Nai ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 5, sản xuất các loại sợi cung ứng cho Hoa Kỳ, châu Âu...
Ông Lê Văn Danh, Phó trưởng ban phụ trách Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai nhận định: “Các dự án FDI đầu tư mới vào tỉnh đều có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Còn những dự án FDI đầu tư lâu, DN cũng rất quan tâm chuyển đổi công nghệ bằng cách lắp đặt các máy móc, thiết bị mới để hàng hóa làm ra ngày càng có chất tốt đáp ứng yêu cầu của khách hàng nước ngoài”.
Hơn 70% kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai thuộc DN FDI, hành hóa xuất qua hơn 170 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, khoảng 60% hàng hóa xuất vào các nước Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc là những nơi đòi hỏi khắt khe về chất lượng, mẫu mã nên buộc các DN FDI phải đầu tư nhiều vào công nghệ. Theo đó, các DN trong nước muốn tham gia vào chuỗi cung ứng cho DN FDI buộc phải ứng dụng công nghệ hiện đại, quản trị tốt về sản xuất, lao động và môi trường. Các DN FDI cũng có chính sách hỗ trợ các DN trong nước đào tạo lao động, chuyển đổi công nghệ cho phù hợp.
Trong giai đoạn 2021-2025, Đồng Nai sẽ tăng thu hút đầu tư FDI vào lĩnh vực công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật, du lịch, bất động sản, nông nghiệp công nghệ cao để khai thác hết các tiềm năng cho phát triển kinh tế. Vừa qua, nhiều tập đoàn FDI đã đến tỉnh tìm hiểu môi trường đầu tư với dự tính sẽ rót vốn hoặc hợp tác một số lĩnh vực như: xây dựng thành phố thông minh, hạ tầng khu công nghiệp, logistics, thương mại dịch vụ. Do đó, khả năng trong giai đoạn 5 năm tới, Đồng Nai sẽ là nơi đón nhận được nhiều dòng vốn FDI chất lượng cao vao lĩnh vực công nghiệp và một số lĩnh vực khác.
Phan Anh