Cuối năm
2020 vừa qua, Bộ trưởng Công an đã ký ban hành một số thông tư liên quan đến
công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ. Đây là các thông tư
hướng tới chuẩn hóa điều kiện phòng cháy của cơ sở, địa phương, phù hợp với Nghị
định 136/2020/NĐ-CP ngày 24-11-2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều
và biện pháp thi hành Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
PCCC vừa ban hành, có hiệu lực vào ngày 10-1.

Công an TP.Biên Hòa kiểm tra bình chữa cháy xách tay tại một cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường. Ảnh: Trúc Viên.
Cụ thể hơn
các quy định về PCCC cơ sở
Trong các thông tư liên quan đến
lĩnh vực PCCC, đáng chú ý là Thông tư 147/2020/TT-BCA quy định biện pháp bảo
đảm an toàn PCCC và cứu nạn, cứu hộ đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke,
dịch vụ vũ trường và Thông tư 149/2020/TT-BCA quy định chi tiết thi hành một số
điều và biện pháp thi hành Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Phòng PCCC và Nghị định 136/2020/NĐ-CP. Cả 2 thông tư nêu trên đều được ký
ngày 31-12-2020, có hiệu lực thi hành vào ngày 20-2 sắp tới và có nhiều điểm
mới đáng chú ý.
Cùng được Bộ trưởng Công an ký
ban hành ngày 31-12-2020 và có hiệu lực thi hành từ ngày 20-2 sắp tới còn có 2
thông tư khác liên quan đến lĩnh vực PCCC là Thông tư 148/2020/TT-BCA sửa đổi,
bổ sung một số điều của Thông tư 57/2015/TT-BCA ngày 26-10-2015 của Bộ trưởng
Công an hướng dẫn về trang bị phương tiện PCCC đối với phương tiện giao thông
cơ giới đường bộ và Thông tư 150/2020/TT-BCA quy định về trang bị phương tiện
PCCC và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở, lực
lượng PCCC chuyên ngành.
Thông tư 147/2020/TT-BCA tập
trung nâng cao khả năng PCCC bước đầu tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke,
dịch vụ vũ trường. Cụ thể như các cơ sở phải đảm bảo tối thiểu 1 bình chữa cháy/50m2,
khối lượng chất chữa cháy tối thiểu 6kg (quy định hiện hành là 4kg chất chữa cháy
với bình bột ABC và 5kg với bình khí CO2). Hay cơ sở kinh doanh dịch vụ
karaoke, dịch vụ vũ trường độc lập cao dưới 3 tầng hoặc có tổng khối tích dưới
1,5 ngàn m3 phải có ít nhất 2 lối thoát nạn; các phòng lớn hơn 50m2 phải có ít
nhất 2 lối thoát nạn.
Còn tại Thông tư 149/2020/TT-BCA
có một số điểm mới như: quy định nội dung cơ bản phải thể hiện trong các kết quả
kiểm tra PCCC (Khoản 2, Điều 8); quy định rõ chủ tịch UBND cấp xã phê duyệt
phương án chữa cháy của khu dân cư thuộc phạm vi quản lý (Điểm g, Khoản 1, Điều
9). Ngoài ra, thông tư này còn quy định hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về PCCC
và truyền tin báo sự cố cùng với việc đầu tư, quản lý, khai thác hệ thống này.
Đặc biệt, tại Điều 6, Thông tư
149/2020/TT-BCA đã định nghĩa lại khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao (không kể
đô thị hay nông thôn) chỉ cần có làng nghề sản xuất, kinh doanh hàng hóa dễ
cháy, nổ; có tối thiểu 20% hộ gia đình vừa ở vừa sản xuất, kinh doanh hàng hóa,
hóa chất dễ cháy, nổ trên tổng số nhà ở; có kho hoặc cơ sở chế biến, sản xuất,
bảo quản dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, hóa chất nguy hiểm về cháy, nổ,
cửa hàng kinh doanh xăng dầu. Đây là điểm mới trong quản lý PCCC các khu dân cư
khi đánh đồng các điều kiện PCCC ở đô thị và nông thôn; ngược với quy định cũ
khi phân ra khu vực đô thị và nông thôn với các điều kiện PCCC khác nhau.
Sẵn sàng
triển khai công tác PCCC theo quy định mới
Theo Cục Cảnh sát PCCC và cứu
nạn, cứu hộ (Bộ Công an), các thông tư nói trên được nhanh chóng ban hành nhằm
tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, cơ sở, doanh nghiệp và người dân trong
việc thi hành Nghị định 136/2020/NĐ-CP vừa có hiệu lực vào ngày 10-1 mới đây.
Tại Đồng Nai, hiện Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh) và công
an các địa phương đang ráo riết điều tra cơ bản, nắm lại các cơ sở PCCC trên
địa bàn. Từ đó tiến hành phân công lại cơ sở PCCC theo quy mô cho các cấp, đơn
vị phụ trách (công an các địa phương, UBND cấp xã...).
Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC
và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh), thời gian tới, các cơ quan, đơn vị phụ trách
cơ sở sẽ tập trung tuyên truyền đến người dân, người đứng đầu các cơ sở về thay
đổi điều kiện phòng cháy theo các quy định mới. Nhất là với những cơ sở vừa
được bổ sung vào danh mục các cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ (Phụ lục I) theo
Nghị định 136/2020/NĐ-CP.
Tuy nhiên, theo một số chủ dịch
vụ kinh doanh karaoke, do nhiều thay đổi trong quy định về PCCC, cơ quan chức
năng nên có lộ trình để các cơ sở thực hiện. Vì nhiều quy định mới buộc chủ cơ
sở phải sửa đổi kết cấu, mua sắm thêm trang thiết bị, phương tiện PCCC sẽ khá tốn
thời gian và kinh phí, không thể thực hiện ngay.
Trúc
Viên