(CTT-Đồng Nai) Tại Đồng Nai, sân khấu lưu động và chuyên nghiệp đều hoạt động sôi nổi. Nhiều tác phẩm, chương trình sân khấu liên tục được thực hiện và giới thiệu đến công chúng.
Trong số này, số lượng chương trình sân khấu được khán giả đón nhận, đạt các giải cao trong những liên hoan, hội diễn, cuộc thi chiếm số lượng lớn.

Nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai trình bày tiết mục ca múa nhạc trong chương trình biểu diễn nghệ thuật kỷ niệm Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ XIV năm 2023
Nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai trình bày tiết mục ca múa nhạc trong chương trình biểu diễn nghệ thuật kỷ niệm Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ XIV năm 2023
Thích ứng với nhu cầu của khán giả
Cụ thể, trong hoạt động sân khấu chuyên nghiệp, việc tìm kiếm những kịch bản mới, làm mới tác phẩm cũ nhằm chạm đến hơi thở, hiện thực cuộc sống luôn được thực hiện. Đồng thời, việc phát hiện, bồi dưỡng, tạo điều kiện để các tài năng sân khấu thể hiện là điều luôn được quan tâm.
Theo NSND Giang Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai, những người gắn bó với nghệ thuật sân khấu luôn tìm tòi, sáng tạo, dàn dựng nên những vở diễn, chương trình biểu diễn nghệ thuật hấp dẫn về nội dung, chỉn chu về mặt hình ảnh, chủ đề tư tưởng chạm được vào cảm xúc và phản ánh vấn đề thời sự của đời sống xã hội, hướng đến chân - thiện - mỹ. Song song đó, bên cạnh những cá nhân nổi bật là sự gắn kết, đồng tâm của tập thể để cống hiến cho người xem những tiết mục, chương trình sân khấu chất lượng.
Qua đó, mỗi năm hàng loạt vở diễn cải lương, chương trình nghệ thuật sân khấu đã được giới thiệu đến công chúng. Như vở cải lương Sáng mãi ánh hoa đăng, giữ vai trò đạo diễn là NSND Giang Mạnh Hà, do tập thể Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai biểu diễn. Thông qua vở cải lương cổ trang, tác phẩm thể hiện vấn đề xã hội quan tâm đối với nạn tham nhũng. Hay vở cải lương tâm lý xã hội Vực sâu cạm bẫy do NSƯT Quế Anh giữ vai trò đạo diễn, nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai biểu diễn đem đến cho người xem câu chuyện về phòng, chống tội phạm công nghệ cao, chuyện về gia đình, tình yêu…
Song song đó, Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai xây dựng và giới thiệu đến công chúng những trích đoạn ngắn. Điểm chung của các trích đoạn này có thời lượng khoảng 15-30 phút, nội dung truyền tải được tóm tắt, chắt lọc phần “đắt” nhất của cả vở diễn. Ngoài ra, chủ đề của các trích đoạn này cũng rất đa dạng, từ lịch sử đến vấn đề xã hội đang được công chúng quan tâm.
Cùng với đó, việc tìm người xem cho những tác phẩm này cũng được chú trọng thực hiện. Theo Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai Đồng Thị Quế Anh, các chương trình ca múa nhạc, vở diễn được nhà hát đưa đến công chúng bằng nhiều hình thức. Trong đó, đơn vị duy trì biểu diễn các trích đoạn cải lương trong các trường THPT. Tổ chức live stream trên trang Facebook của nhà hát để phục vụ khán giả qua mạng xã hội song song với biểu diễn sân khấu lưu động ở các địa phương.

Chương trình nghệ thuật sân khấu do nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai biểu diễn phục vụ tại một hội nghị
Chương trình nghệ thuật sân khấu do nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai biểu diễn phục vụ tại một hội nghị
Đảm bảo chất lượng của sân khấu lưu động
Còn trong hoạt động sân khấu lưu động, để xây dựng phong trào sân khấu ở cơ sở, các nghệ sĩ sân khấu tại Đồng Nai còn trực tiếp cầm tay chỉ việc cho người yêu văn nghệ trong các hội, chi hội, CLB văn nghệ thông qua hình thức tập huấn do Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao các huyện, thành phố tổ chức hoặc do các đơn vị mời riêng. Sau đó, trong từng buổi diễn lưu động, các CLB, đội nhóm văn nghệ địa phương này được mời cùng biểu diễn trên khấu sân. Điều này góp phần tạo nên không khí sôi nổi cho hoạt động sân khấu cơ sở.
Bên cạnh đó, tuy khán giả của những chương trình này khá khiêm tốn song không vì vậy mà chương trình dàn dựng cho có, mà ngược lại được đầu tư công phu. Đội trưởng Đội Tuyên tuyền lưu động (Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh) Cao Thép cho hay, ngoài “phần cứng” là các tiết mục tuyên truyền chính trị, để thu hút thêm người xem, đơn vị thực hiện lồng ghép vào các tiết mục sân khấu sôi động, đưa vào những bài nhạc trẻ đang thịnh hành, tiết mục xiếc, ảo thuật thú vị. Đồng thời, mời những gương mặt nghệ sĩ có khả năng sân khấu tốt tham gia vào chương trình.
Điểm đáng chú ý là các chương trình sân khấu trước khi biểu diễn phục vụ công chúng đều trải qua quá trình thẩm định của hội đồng nghệ thuật hoặc từng đoạt giải ở các liên hoan, hội diễn. Như sau khi chương trình nghệ thuật chủ đề Âm vang dòng chảy Đồng Nai đoạt huy chương vàng tại hội diễn Đàn, hát dân ca ba miền do Bộ VH-TTDL tổ chức vào tháng 8, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh đưa đi lưu diễn phục vụ bà con.
Từ đầu năm đến nay, nhiều tiết mục, chương trình sân khấu được xây dựng, giới thiệu đến công chúng. Trong đó, về văn hóa quần chúng, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh đã dàn dựng 7 chương trình văn nghệ gắn với các chủ đề thời sự để biểu diễn phục vụ nhân dân các huyện, thành phố, khu vực nhà trọ tập trung đông công nhân. Riêng trung tâm văn hóa - thông tin và thể thao các huyện, thành phố cũng chủ động dàn dựng chương trình biểu diễn nghệ thuật lưu động tại các xã, phường.