(CTT - Đồng Nai) - Để mối quan hệ giữa người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) thêm khăng khít, có trách nhiệm và công bằng, người lao động cần có kiến thức pháp luật lao động bên cạnh kỹ năng chuyên môn.
Rời Tiền Giang năm 2020, chị D. tìm đến Biên Hòa với hy vọng có công việc ổn định tại một công ty giày da. Thế nhưng, những tháng đầu lương ít ỏi, công việc nặng và sự gò bó về thời gian đã khiến chị liên tục "nhảy việc", kéo theo cuộc sống chật vật, thu nhập bấp bênh. Đến khi chán ngán cảnh làm công nhân, chị D. tìm đến những công việc thời vụ tạm bợ, rồi cuối cùng về Sông Trầu làm thuê trên đồng ruộng, chấp nhận một tương lai bấp bênh không các khoản bảo hiểm.
Trái ngược với tình cảnh của chị D., nhóm bạn của chị vẫn gắn bó với công ty giày da ban đầu ở Biên Hòa và được hưởng đầy đủ các quyền lợi, bao gồm tăng lương theo thâm niên, thưởng, cơ hội đào tạo nâng cao kỹ năng và thăng tiến trong công việc.
Luật sư Vũ Ngọc Hà Giám đốc Trung tâm Tư vấn Pháp luật Công đoàn (thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh) cho rằng, nếu NLĐ mong muốn gắn bó lâu dài với công việc, tìm được môi trường phù hợp và hưởng các chế độ đãi ngộ tốt, thì bản thân họ phải không ngừng nỗ lực và thích ứng. Họ cũng cần thay đổi tư duy, tác phong làm việc theo hướng hiện đại, học tập nâng cao kỹ năng, tuân thủ các quy định và có trách nhiệm trong việc xây dựng mối quan hệ lao động tích cực.

Nhiều lao động thích làm công việc trả công theo ngày để không bị gò bó về nội quy, thời giờ làm việc.
Nhiều lao động thích làm công việc trả công theo ngày để không bị gò bó về nội quy, thời giờ làm việc.
Luật sư Hà cũng lưu ý rằng, khi mới bắt đầu làm việc, không phải NLĐ nào cũng được trang bị đầy đủ kỹ năng nghề nghiệp, kiến thức pháp luật lao động và khả năng ứng phó hiệu quả với các tranh chấp quyền lợi với NSDLĐ. Thêm vào đó, không phải tất cả NLĐ, kể cả những người có tay nghề cao, đều có hiểu biết sâu sắc về việc xây dựng mối quan hệ lao động bình đẳng, trách nhiệm, hợp tác và thiện chí với NSDLĐ.
Theo các chuyên gia, dù có kỹ năng hay không, người lao động khi bước vào thị trường lao động, đặc biệt tại các vùng kinh tế trọng điểm như Đồng Nai, cần phải có ý thức và tác phong công nghiệp. Tư duy làm việc kiểu nông nghiệp, việc không chấp hành kỷ luật và nội quy sẽ tạo ra sự khác biệt lớn so với phong cách làm việc nhóm và dây chuyền hiện đại, khiến người lao động dễ dàng bị người sử dụng lao động loại bỏ theo dòng chảy của sự phát triển.
Để hạn chế tranh chấp lao động theo Điều 179 Bộ luật Lao động 2019, một giải pháp hiệu quả là nâng cao kiến thức pháp luật, ý thức chấp hành, tác phong và hiểu biết về môi trường làm việc cho người lao động (NLĐ), từ đó giảm thiểu xung đột và hài hòa lợi ích với người sử dụng lao động (NSDLĐ). Để đạt được điều này, ngoài sự tự giác của NLĐ trong việc cập nhật kiến thức pháp luật, sự đồng hành của NSDLĐ và các tổ chức bảo vệ NLĐ đóng vai trò rất quan trọng.