(CTT-Đồng Nai) - Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc hội cho ý kiến và thông qua vào Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Hội nghị góp ý dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) do Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức vào cuối tháng 4-2023.
Hội nghị góp ý dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) do Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức vào cuối tháng 4-2023.
Về cấu trúc, dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) tương đương so với Luật Giao dịch điện tử năm 2005. Về phạm vi điều chỉnh, dự thảo luật mới quy định việc thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử.
Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh cũng đã tổ chức hội nghị góp ý dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Các ý kiến đều nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) nhằm khắc phục hạn chế, bất cập của luật hiện hành, qua đó phát triển giao dịch điện tử, tạo tiền đề quan trọng thúc đẩy quá trình chuyển đổi số…
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đồng Nai Châu Minh Nguyện chia sẻ, dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) có nhiều nội dung thay đổi để phù hợp với xu thế phát triển hiện nay với rất nhiều giao dịch được thực hiện trên môi trường mạng, nền tảng số, nhất là lĩnh vực ngân hàng; cũng như các dịch vụ công cũng đang thực hiện thủ tục hành chính theo cấp độ 3, cấp độ 4…
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến được các sở, ngành, hiệp hội/hội… trong tỉnh góp ý cho dự thảo luật này liên quan đến các vấn đề như: chữ ký số, chữ ký điện tử; giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu; quy định về điều kiện kinh doanh với dịch vụ tin cậy; việc đảm bảo tính bảo mật, an toàn cho dữ liệu, thông tin cá nhân; các vấn đề về nguồn dữ liệu mở; xử lý vi phạm trong các giao dịch điện tử…
Đơn cử, về nguyên tắc chung tiến hành giao dịch điện tử (tại điều 4 của dự thảo luật), dự thảo luật quy định nêu rõ 4 nguyên tắc chung khi tiến hành giao dịch điện tử, kiến nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm một khoản đó là bảo vệ quyền lợi và lợi ích của các bên khi tiến hành giao dịch điện tử.
Về các hành vi bị nghiêm cấm trong giao dịch điện tử (tại điều 8 của dự thảo luật), nhiều ý kiến kiến nghị ban soạn thảo xem xét bổ sung thêm trường hợp “các trường hợp khác” vì hiện nay với sự phát triển của công nghệ, chưa lường trước được các hành vi phát sinh trong giao dịch điện tử nếu chỉ liệt kê 7 hành vi thì khi luật triển khai sẽ khó khả thi khi phát sinh một số hành vi chưa đúng, do đó cần bổ sung thêm một khoản cho phù hợp.
Tại điều 33, về dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu, nhiều ý kiến đề nghị làm rõ quy định này vì thông điệp dữ liệu có thể có nhiều nội dung khác nhau như là hợp đồng điện tử trong hoạt động thương mại hoặc giao dịch khác thì việc chứng thực hợp đồng điện tử trong hoạt động thương mại này sẽ thực hiện theo quy định pháp luật nào?
Ông Châu Minh Nguyện góp ý, điểm mới trong dự thảo luật này là quy định chuyển đổi hình thức giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu. Việc chuyển đổi từ văn bản giấy sang văn bản điện tử và ngược lại, phương thức chuyển đổi, điều kiện đáp ứng của tài liệu điện tử sau khi chuyển đổi, cũng như giá trị của tài liệu điện tử sau khi chuyển đổi từ tài liệu giấy là một nhu cầu rất lớn trong xã hội nên cần có quy định trong luật…
Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng các nội dung liên quan đến an toàn thông tin cá nhân trong dự thảo luật mới cần phù hợp, tránh chồng chéo với các luật, dự thảo luật khác như Luật An toàn thông tin mạng…
Phó Giám đốc Sở TT-TT Võ Hoàng Khai chia sẻ, an toàn thông tin cá nhân là một vấn đề cần lưu ý, được nhiều người dân quan tâm trong các giao dịch điện tử hiện nay. Hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử cần bảo đảm an toàn theo quy định của pháp luật liên quan đến an toàn thông tin, an ninh mạng, cũng như chú trọng tính bảo mật, an toàn đối với thông tin cá nhân của người dân.