Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Ngăn chặn tai nạn thương tích và bạo hành đối với học sinh

(CTT-Đồng Nai) - Phần lớn nguyên nhân các vụ tai nạn thương tích liên quan đến trẻ em như: đuối nước, tai nạn giao thông (TNGT), bạo hành trẻ em… xảy ra trên địa bàn tỉnh trong thời gian gần đây xuất phát từ sự thiếu quan tâm của người lớn đối với trẻ.

Công an huyện Long Thành tặng mũ bảo hiểm cho học sinh Trường trung học cơ sở Nguyễn Đức Ứng (huyện Long Thành)
Công an huyện Long Thành tặng mũ bảo hiểm cho học sinh Trường trung học cơ sở Nguyễn Đức Ứng (huyện Long Thành)

* Liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn, bạo hành

Trong tháng 3-2024, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tích, bạo hành mà nạn nhân ở lứa tuổi học sinh. Đáng chú ý là vụ “Một bé gái ở thành phố Biên Hòa nghi bị cha dượng bạo hành” xảy ra ngày 20-3.

Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, vào lúc 23 giờ 30, ngày 20-3, bệnh viện tiếp nhận bé P.A. (13 tuổi, ngụ phường Bửu Hòa, thành phố Biên Hòa) được người thân đưa vào cấp cứu trong tình trạng chảy máu nhiều ở phần đầu, có vết thương ở vùng đầu, mặt nghi do cha dượng bạo hành.

Xem thông tin và hình ảnh khuôn mặt cháu bé với các vết thương bị khâu lại ở vùng đầu bên phải dài 7cm, vết thương trước tai bên phải dài 5cm, vết thương trên cung mày dài 2cm… được các cơ quan truyền thông trong và ngoài tỉnh đăng tải, nhiều người không khỏi xót xa.

Bà Trần Thị Thanh Nhàn (phường Tân Vạn, thành phố Biên Hòa) chia sẻ: “Tôi rất bất bình trước hành vi bạo hành trẻ em, vết thương trên cơ thể bé gái có thể chữa lành, nhưng nỗi đau tinh thần khi có một tuổi thơ thiếu tình thương, bị bạo hành sẽ là nỗi ám ảnh khó quên trong tâm trí trẻ. Tôi mong cơ quan chức năng sớm điều tra làm rõ và xử lý nghiêm người gây tổn thương cho bé P.A.”.

Vụ việc 2 anh em đều là học sinh Trường trung học cơ sở Phước Tân 1 (phường Phước Tân, thành phố Biên Hòa) chẳng may bị đuối nước khi tắm sông Buông (phường Phước Tân) ngày 18-3 đã để lại xót xa trong lòng nhiều người. Đau lòng hơn khi biết tai nạn xảy ra do 2 anh em bơi lại chỗ nước sâu để cứu em trai út khi 3 anh em đang tắm sông chung.

“Để không xảy ra những tai nạn thương tâm tương tự, nhất là khi mùa hè đang đến gần, các phụ huynh cần quan tâm nhắc nhở con em mình, không để trẻ tự ý tắm sông, hồ… khi không có sự giám sát của người lớn” - bà Đỗ Khánh Linh (phường Hóa An, thành phố Biên Hòa) bộc bạch.

Theo bà Linh, nhà trường, gia đình cần quan tâm, thường xuyên giáo dục con em về ý thức bảo vệ bản thân, nhận biết và đề phòng bất trắc trước những hiểm nguy xung quanh… Phụ huynh nên chủ động cho con mình sớm tham gia học bơi vì khi được trang bị tốt các kỹ năng về phòng, chống đuối nước trẻ sẽ an toàn hơn.

* Để tai nạn đừng tiếp diễn

Bên cạnh các vụ trẻ bị bạo hành, đuối nước thì việc trẻ bị TNGT là vấn đề rất đáng lo ngại. Theo Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh, trong năm 2023 và 3 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh xảy ra 91 vụ TNGT liên quan đến học sinh (từ 6-18 tuổi), chiếm hơn 80% số vụ TNGT toàn tỉnh, làm 54 người chết và bị thương 65 người.

Bác sĩ CKII Phạm Văn Khương, Phụ trách Khoa Chấn thương chỉnh hình - bỏng (Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai) cho biết, sau Tết Nguyên đán năm 2024, số vụ trẻ cấp cứu về tai nạn thương tích tại bệnh viện tăng. Đáng chú ý là số vụ TNGT chiếm phần nhiều. Thường các học sinh trung học cơ sở gặp tai nạn khi điều khiển xe máy điện, xe đạp điện còn các bé nhỏ hơn thì bị tai nạn khi tham gia giao thông cùng phụ huynh. Nhiều trường hợp do phụ huynh không để ý khi dừng xe, để trẻ đứng phía trước vô tình nắm tay lái rồ ga dẫn đến tai nạn. Không ít trường hợp để trẻ nhỏ đứng, ngồi đằng trước xe máy, ngồi trên xe ô tô không thắt dây an toàn, không đội mũ bảo hiểm…

“Khoa Chấn thương chỉnh hình - bỏng đang điều trị cho một học sinh 11 tuổi (ngụ xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom) bị TNGT khi điều khiển xe đạp điện. Em này đang trong tình trạng hôn mê do chấn thương sọ não và còn bị vỡ xương chậu” - bác sĩ Khương nói.

Theo bác sĩ Khương, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn thương tích ở trẻ nhỏ, nhưng sâu xa là do sự bất cẩn, thiếu sự giám sát người lớn. Với lứa tuổi thiếu niên, việc giáo dục ý thức, kỹ năng đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông, khi tiếp xúc với môi trường nước (sông, suối, ao hồ…) sẽ giúp trẻ biết cách xử lý tình huống, bảo vệ bản thân phòng tránh tai nạn thương tích.

Mới đây, tại hội nghị đánh giá tình hình và bàn giải pháp đảm bảo ATGT trong lứa tuổi học sinh, các cơ quan chức năng cho rằng, tình trạng học sinh vi phạm trật tự ATGT đến từ các lý do: học sinh chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân khi tham gia giao thông; phụ huynh, nhà trường chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm đối với công tác đảm bảo trật tự ATGT cho học sinh…

Giải pháp được các cơ quan chức năng đề ra là cần chú trọng trao đổi thông tin về vi phạm trật tự ATGT của học sinh giữa lực lượng chức năng tới nhà trường và từ nhà trường tới gia đình. Có như vậy thì các bên liên quan mới cùng quản lý và giáo dục nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông cho trẻ em.
Nhật Huy

Atlas tỉnh Đồng Nai

Cổng TTĐT Chính phủ

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang