Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Phục hồi chức năng vận động sau tai biến, tai nạn

(CTT-Đồng Nai) - Sau khi bị tai nạn giao thông hoặc tai biến mạch máu não (đột quỵ), nhiều người bị mất khả năng vận động tay, chân, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống, phải phụ thuộc vào sự giúp đỡ của người khác. Để giúp bệnh nhân có thể vận động tay, chân trở lại, các bác sĩ, kỹ thuật viên sẽ cho bệnh nhân tập các bài tập từ đơn giản đến phức tạp.
Bệnh nhân lớn tuổi sau tai biến bị liệt nửa người bên trái cần tập phục hồi chức năng
Bệnh nhân lớn tuổi sau tai biến bị liệt nửa người bên trái cần tập phục hồi chức năng

Thời gian tập luyện lâu dài

Ông N.V.H., 66 tuổi, ngụ phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa cho biết, ông bị xuất huyết não năm 2016, nhập viện trong tình trạng nói ngọng, chân tay bên trái yếu dần. Sau khi được điều trị, bệnh nhân tiếp tục bị yếu nửa người bên trái nên được đưa đến nhập viện tại khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất.

Từ đó đến nay, ngày nào ông H., cũng được tập vật lý trị liệu, tập vận động tay chân, tập giữ thăng bằng. Mục tiêu cuối cùng là để di chuyển, đi lại được trên chính đôi chân của mình, sớm thích nghi với cuộc sống hàng ngày như trước khi bị xuất huyết não.
Qua hời gian tập luyện, chức năng vận động của ông H. tôi cải thiện rõ rệt.

Một trường hợp khác là bà P.T.P., 68 tuổi, ngụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, do bị huyết áp cao đã lâu nhưng uống thuốc không đều nên bị tai biến, yếu liệt nửa người bên trái. Sau khi điều trị tại Bệnh viện 115 Thành phố Hồ Chí Minh, bà P., được chuyển về điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất. Chị Nguyễn Thị Luyến, kỹ thuật viên y, khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất chia sẻ, với trường hợp của bà P., kỹ thuật viên sẽ tập cho bệnh nhân đứng, tập trung tập mạnh chân bên trái, tay trái, tập thăng bằng, tập trụ để bệnh nhân có thể đi được.

Không bị tai biến mạch máu não như 2 bệnh nhân trên, anh N.V.D., 17 tuổi, ngụ tỉnh Bình Thuận mất chức năng vận động sau khi bị tai nạn giao thông cách đây 8 tháng. Anh D., bị chấn thương sọ não nặng, yếu liệt nửa người bên phải, bị rút cơ tay trái, điều trị ở Bệnh viện 175 Thành phố Hồ Chí Minh, sau đó chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất. Tại khoa Phục hồi chức năng, bệnh nhân được tập kéo dãn cơ, tập vận động chân, cầm nắm đồ vật, vươn, với, thả đồ trong tay…

Đến nay, sau 8 tháng chăm chỉ tập luyện, anh D., đã có thể cầm nắm được đồ vật. Anh mong muốn 2 bàn tay có thể hoạt động được để sớm trở về công việc đời thường, đi làm kiếm thêm thu nhập phụ giúp cha mẹ.
Nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất hướng dẫn bệnh nhân cách cầm, nắm, vận động tay sau tai nạn giao thông
Nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất hướng dẫn bệnh nhân cách cầm, nắm, vận động tay sau tai nạn giao thông

Tầm quan trọng của phục hồi chức năng

Bác sĩ chuyên khoa I Trần Kim Long, Trưởng khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cho hay, khoa hiện có tổng số 35 cán bộ, nhân viên, kỹ thuật viên. Trong đó có 7 bác sĩ, 4 điều dưỡng. Từ khi khoa được chuyển lên cơ sở mới ở khu nhà 10 tầng của bệnh viện, mọi hoạt động thuận lợi hơn với cơ sở vật chất khang trang, sạch sẽ. Nhiều bệnh nhân khi đến điều trị tại khoa cũng rất hài lòng và an tâm.

Nhiệm vụ chính của khoa là tham gia hoạt động phục hồi và cải thiện các chức năng bị khiếm khuyết của bệnh nhân sau đột quỵ, chấn thương (gãy xương, chấn thương sọ não, chấn thương cột sống, chấn thương thần kinh), thoái hóa khớp, thoái hóa cột sống…Đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân sau điều trị nội khoa, ngoại khoa về với cộng đồng. Liên kết với các khoa khác để sớm can thiệp phục hồi chức năng cho bệnh nhân giai đoạn cấp, góp phần phòng ngừa các biến chứng thứ phát cho bệnh nhân sau giai đoạn điều trị tại bệnh viện. Mục tiêu cuối cùng là hướng dẫn bệnh nhân tái hòa nhập cộng đồng.

Theo bác sĩ Long, các kỹ thuật chuyên môn chính của khoa bao gồm: hoạt động trị liệu; laser nội tĩnh mạch; điện trị liệu; vật lý trị liệu; ngữ âm trị liệu. Tùy thuộc vào từng vùng tổn thương và sức đề kháng của mỗi bệnh nhân mà các bác sĩ sẽ có những chỉ định điều trị khác nhau.
“Khoa điều trị chủ yếu cho bệnh nhân lớn tuổi. Tuy nhiên gần đây có nhiều trường hợp tuổi đời còn rất trẻ cũng bị tai biến mạch máu não, tai nạn giao thông, liệt dây thần kinh số 7… phải nhập viện điều trị tại khoa. Với những bệnh nhân lớn tuổi, nếu mất đi chức năng vận động sẽ phải phụ thuộc hầu như toàn bộ vào con cháu, người thân. Trong khi đó, tương lai của những bệnh nhân trẻ tuổi còn rất dài, nếu không tập phục hồi chức năng để có thể đi lại, vận động như trước thì chất lượng cuộc sống của họ không đảm bảo và kéo theo nhiều vấn đề khác” - Bác sĩ Long nhấn mạnh.

Các chuyên gia về phục hồi chức năng cho biết, trước đây ở Việt Nam, khoa Phục hồi chức năng thường được ghép vào khoa Y học cổ truyền. Nhiều người chưa hiểu hết được tầm quan trọng của tập phục hồi chức năng nên sau khi phẫu thuật, điều trị nội, ngoại khoa đã bỏ qua giai đoạn tập phục hồi chức năng. Điều này dẫn đến bệnh nhân có thể bị liệt hoàn toàn cả người hoặc nửa người.

Mặc dù phục hồi chức năng có tầm quan trọng như vậy nhưng thực tế hiện nay, số lượng bác sĩ được đào tạo về chuyên ngành phục hồi chức năng chưa nhiều. Do vậy, trong thời gian tới, công tác đào tạo, thu hút bác sĩ phục hồi chức năng cần được quan tâm hơn nhằm phát huy hiệu quả của lĩnh vực này trong suốt quá trình điều trị cho bệnh nhân.
Việt Anh

Atlas tỉnh Đồng Nai

Cổng TTĐT Chính phủ

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang