Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Cẩn trọng khi ăn hải sản đông lạnh

(CTT-Đồng Nai) Mới đây, 17 người đã bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn hải sản tại một quán ăn ở Biên Hòa, ngành chức năng đã cảnh báo về tình trạng ngộ độc khi ăn hải sản, đặc biệt là ăn hải sản đông lạnh.

Mực là hải sản thường được ướp nhiều nhất nên khi bảo quan, rã đông, chế biến không đúng sẽ rất dễ dẫn đến ngộ độc
Mực là hải sản thường được ướp nhiều nhất nên khi bảo quan, rã đông, chế biến không đúng sẽ rất dễ dẫn đến ngộ độc

* Nguy cơ ngộ độc cao

Từ vụ ngộ độc thực phẩm do ăn hải sản ở quán trên, cơ quan chức năng cảnh báo một trong những nguyên nhân dẫn đến ngộ độc là do hải sản nhiễm khuẩn, rã đông không đủ thời gian dẫn đến bên trong hải sản chưa đủ chín. Đây không phải là vụ ngộ độc hải sản hiếm gặp.

Vào dịp nghỉ Tết dương lịch, gia đình ông Nguyễn Minh Trí (ngụ P. Quyết Thắng, TP. Biên Hòa) đi Vũng Tàu tắm biển và vào một nhà hàng hải sản ăn trưa. Dù đã chọn toàn hải sản tươi sống, giá đắt nhưng trong món ăn phục vụ đưa lên, khi ăn gia đình ông Trí cũng nhận ra được độ không tươi sống của hải sản lẫn trong những món ăn. Đến chiều tối về đến nhà thì một vài người trong gia đình bị đau bụng, tiêu chảy. Rất may là chỉ qua một đêm các triệu chứng cũng dừng lại nên không phải đi bệnh viện.

Hải sản là loại thực phẩm tươi sống được nhiều người ưa thích, chế biến được nhiều món ăn ngon. Tuy nhiên, nếu mua phải các loại hải sản chết, ngộp hoặc loại đã được cấp đông, rồi rã đông qua lại nhiều lần, nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất cao.

Là chủ một tiệm bán hải sản ở Biên Hòa, bà Nguyễn Thị Phan (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) cho biết, nhiều người được quảng cáo là hải sản biển sống và bán với giá rất đắt. Tuy không phải không có, nhưng nó rất hiếm, phần lớn hải sản sống đang bán tại nhiều nhà hàng là hàng nuôi. Chứ hàng đánh bắt từ biển đều phải được cấp đông hết.
Một thực tế hiện nay, hải sản đánh bắt từ biển phải được cấp đông ngay hoặc phải hấp hay phơi. Nhiều chuyến đánh bắt khơi xa bờ khi cập bến cũng qua nhiều ngày, rồi qua nhiều khâu, di chuyển nhiều nơi mới đến tay người ăn, việc hải sản cứ rã đông rồi lại cấp đông nhiều lần sẽ dẫn đến nhiễm độc và gây ra ngộ độc.

* Phòng tránh ngộ độc khi ăn hải sản cấp đông

Hải sản là thực phẩm sử dụng thường ngày ở nhiều gia đình và cũng là món ăn được nhiều quán ăn chế biến thành những món ăn ngon. Tuy nhiên, nếu người nấu thiếu kiến thức về việc bảo quản, chế biến hải sản, sẽ dễ dẫn đến ngộ độc thực phẩm.

Thông tin từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khi hải sản chết, trong điều kiện bảo quản không đủ lạnh ngay từ đầu, các vi khuẩn có trên hải sản chuyển hóa thịt hải sản thành histamine. Nếu hải sản tươi sống, hàm lượng histamine chỉ dưới 1mg/100g thịt thì khi chết trong vòng 3 giờ sẽ là 50mg/100g thịt hải sản; hải sản chết càng lâu thì lượng độc tố histamine tích lũy ngày càng tăng và nguy cơ ngộ độc và tử vong do ngộ độc càng lớn.

Hiện nay nhiều người kinh doanh, chế biến hải sản cũng như ăn hải sản vẫn chưa lường hết được những nguy cơ ngộ độc từ các loại hải sản. Đặc biệt, thời gian này là cận tết Nguyên đán, nhu cầu mua trữ và sử dụng hải sản là rất lớn.

Do đó, để phòng tránh ngộ độc thực phẩm, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế) Nguyễn Đình Minh khuyến cáo, người dân cần nâng cao hiểu biết, ý thức về mua bán, bảo quản, chế biến và sử dụng một số loại hải sản, chỉ nên ăn các loại còn tươi hoặc được cấp đông ở nhiệt độ quy định ngay sau khi đánh bắt. Cũng không nên mạo hiểm ăn một số loại hải sản sắc màu bắt mắt, nhất là các loại: so biển, cá nóc hay một số loại hải sản độc lạ. Sau khi ăn, nếu xuất hiện các triệu chứng: nôn mửa, tê môi, miệng, chân tay, lơ mơ, choáng váng, mệt mỏi toàn thân… thì cần nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để sơ cứu, cấp cứu kịp thời.
Box: Theo khuyến cáo của ông Nguyễn Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế), khi mua hải sản, người dân nên chọn loại tươi sống. Nếu mua hải sản muốn cấp đông để dùng nhiều ngày cần phải xử lý sạch hoặc hấp chín, chia phần đủ dùng và bảo quản ở nhiệt độ -400C. Khi muốn ăn, lấy thực phẩm ra rã đông bằng việc để lên ngăn mát qua một đêm. Tuyệt đối không nên rã đông rồi lại cấp đông thực phẩm nhiều lần.
Hạ Di

Atlas tỉnh Đồng Nai

Cổng TTĐT Chính phủ

Số lượt truy cập

Cannot complete this action. Please try again.Trong ngày:
Tất cả:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang