Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Cần tỉnh táo trước những chiêu lừa đánh vào tâm lý nạn nhân

Tình trạng các đối tượng tội phạm lợi dụng các nền tảng công nghệ để lừa đảo diễn biến ngày càng phức tạp. Điều đáng nói, thủ đoạn của các đối tượng ngày một tinh vi, biến tướng dưới nhiều chiêu thức bất ngờ khiến cho nạn nhân không kịp trở tay và dễ dàng “sập bẫy”.

3-4 Ảnh Tin nhắn giả mạo để lừa đảo của các đối tượng.jpg
Tin nhắn giả mạo để lừa đảo của đối tượng và chứng từ chuyển tiền của nạn nhân​
Tin nhắn giả mạo để lừa đảo của đối tượng và chứng từ chuyển tiền của nạn nhân

Thời gian qua, tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Đồng Nai xảy ra không ít vụ lợi dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây bức xúc, lo lắng cho nhiều người dân.

Tạo màn kịch bất ngờ, gây hoang mang cho nạn nhân

Không chỉ dừng lại ở những chiêu lừa “truyền thống” như: gọi điện giả danh người có chức vụ, cơ quan chức năng để hù dọa yêu cầu chuyển tiền; tạo tình huống làm quen tặng quà, trúng thưởng..., các đối tượng tạo ra những tình huống bất ngờ; đánh vào tâm lý khiến nạn nhân lo lắng, hoang mang, nhanh chóng chuyển tiền cho đối tượng lừa đảo mà không cần suy nghĩ.

Thời gian gần đây, tại một số tỉnh, thành xảy ra tình trạng các đối tượng gọi điện cho người dân, phần lớn là những người có con em đang theo học tại các trường phổ thông, trường quốc tế để thông báo con, em của họ vừa gặp nạn, cần gửi gấp tiền vào tài khoản để lo chi phí phẫu thuật.

Cụ thể ngày 13-3, anh L.X.H. (ngụ Q.Tây Hồ, TP.Hà Nội) nhận được một cuộc điện thoại tự xưng là cô giáo của con gái thông báo con của anh vừa bị tai nạn đang đưa vào bệnh viện cấp cứu; đồng thời yêu cầu anh H. vào bệnh viện gấp.

Quá hốt hoảng, anh H. tức tốc tìm đến bệnh viện theo địa chỉ mà “cô giáo” thông báo. Tuy nhiên, cũng thời điểm này, anh H. liên tục nhận được điện thoại của “bác sĩ”, “cô giáo chủ nhiệm” yêu cầu anh phải chuyển gấp số tiền 40 triệu đồng thì phía bệnh viện mới làm phẫu thuật sớm cho con của anh, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, sau khi chuyển số tiền trên, anh H. mới biết mình bị lừa đảo.

Trước đó, ngày 6-3, chị N.T.P. (ngụ Q.4, TP.HCM) cũng nhận được điện thoại của đối tượng lạ thông báo con chị vừa bị ngã dẫn đến chấn thương sọ não phải cấp cứu và yêu cầu chị này chuyển 20 triệu đồng để lo thủ tục. Sau khi chuyển tiền, chị P. liên hệ bệnh viện mới biết mình bị lừa.

Một cán bộ điều tra Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh cho biết, tại địa bàn Đồng Nai, tuy chưa xảy ra vụ việc như trên nhưng với thủ đoạn này, tội phạm có thể gây án với bất kỳ ai và tại bất kỳ địa phương nào. Do đó, trong tháng 3-2023, Công an tỉnh đã đưa ra thông báo một số phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm để nâng cao cảnh giác của người dân về các cuộc gọi yêu cầu chuyển tiền vì con bị tai nạn cấp cứu tại bệnh viện.

Theo Công an tỉnh, để thực hiện thủ đoạn này, các đối tượng thường giả mạo giáo viên, nhân viên trường học, bác sĩ, nhân viên y tế bệnh viện, cán bộ cơ quan chức năng… gọi điện cho phụ huynh có con, em đang theo học tại các trường thông báo con em họ bị tai nạn đang cấp cứu, nguy hiểm đến tính mạng cần chuyển tiền ngay để mổ, làm thủ tục nhập viện. Các đối tượng đã đánh vào tâm lý hoang mang, hoảng loạn khi nghe tin con, em mình gặp nạn để lừa đảo.

Cơ quan công an cũng khuyến cáo, nếu người dân nhận được các cuộc gọi thông báo từ bệnh viện, nhà trường về việc người thân, học sinh bị tai nạn đang cấp cứu tại bệnh viện thì tuyệt đối không chuyển tiền cho đối tượng, phải bình tĩnh để xác minh thông tin. Nếu không thể xác minh qua điện thoại, người dân cần liên hệ ngay với cơ quan công an nơi gần nhất để thông báo và nhờ trợ giúp xác minh thông tin.

Cảnh giác với kịch bản làm ăn hoàn hảo

Một hình thức lừa đảo mới đánh vào tâm lý của nạn nhân bằng một kịch bản làm ăn hoàn hảo cũng vừa xảy ra trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, ngày 7-3, tài khoản Zalo của chị P.T. là quản lý nhà hàng Song Trang Rose Garden (đóng tại xã Long Đức, H.Long Thành) nhận được tin nhắn từ tài khoản Zalo có tên Văn Hiệp.

Qua tin nhắn, đối tượng Văn Hiệp giới thiệu là nhân viên của một công ty Hàn Quốc và là khách hàng quen của nhà hàng. Sau đó, đối tượng này thông báo với chị T. muốn đặt tiệc cho khoảng 30 khách hàng vào tối cùng ngày. Đối tượng còn yêu cầu phía nhà hàng phải sử dụng một loại rượu vang đắt tiền; đồng thời chuẩn bị quà cho các thực khách là loại nước uống Hồng Sâm của Hàn Quốc.

Khi phía nhà hàng đang tìm nguồn cung cấp rượu và quà cho khách thì đối tượng này đã nhắn cho chị T. số điện thoại “đại lý” có thể cung cấp số hàng trên. Liên hệ với “đại lý” này, chị T. được yêu cầu phải chuyển tiền trước mới cho nhân viên giao hàng. Sau khi nhận báo giá toàn bộ số rượu vang và nước sâm là 350 triệu đồng, chị T. đã báo lại để đối tượng chuyển khoản cho mình để mua hàng. Sau đó ít phút, chị T. có nhận được hình ảnh thể hiện đối tượng tên Văn Hiệp đã chuyển cho chị số tiền trên.

Đang lúc chờ tiền đến tài khoản, chị T. liên tục nhận được cuộc gọi từ vị khách đặt tiệc hối đoàn khách sắp đến nên chị đã vội chuyển tiền từ tài khoản của mình để mua rượu và nước uống cho kịp bữa tiệc. Sau khi chuyển toàn bộ số tiền trên, đoàn khách đặt tiệc không thấy đến và vị khách đặt tiệc cũng “biến mất” nên chị T. mới biết mình bị lừa.

Tương tự ngày 5-3, chị N.T.N., quản lý nhà hàng ẩm thực P.N. (đóng tại khu Cầu Xéo, TT.Long Thành, H.Long Thành) cũng nhận được yêu cầu đặt tiệc từ đối tượng lạ. Cũng với chiêu thức nhờ đặt rượu, chị này đã chuyển 20 triệu đồng tiền mua rượu vào tài khoản cho đối tượng lạ. Sau khi chuyển số tiền trên, chị N. mới biết mình bị lừa.

Đại úy Nguyễn Sỹ Trường Anh, cán bộ Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh cho biết, theo thông tin từ các bị hại, đối tượng lừa đảo diễn trò theo kịch bản rất tinh vi, các thông tin đưa ra rất logic và thuyết phục. Chúng sử dụng nhiều số điện thoại, Zalo liên tục gọi điện, nhắn tin thúc giục làm cho bị hại rơi vào trạng thái tâm lý bị dồn ép và làm theo kịch bản của chúng.

Cũng theo đại úy Nguyễn Sỹ Trường Anh, các đối tượng đã sử dụng sim “rác”, tài khoản Zalo ảo với ảnh đại diện và tên tài khoản phù hợp nên rất khó phát hiện. Các đối tượng hoạt động có tổ chức, sắm nhiều vai khác nhau để đặt tiệc, đặt cọc, nhân viên bán hàng… nhằm mục đích câu nhử “con mồi” vào bẫy; thậm chí đối tượng còn sử dụng công nghệ để “thiết kế” hình ảnh thông tin đã giao dịch chuyển tiền thành công.

Thượng tá Nguyễn Đình Khuyên, Trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh khuyến cáo người dân tuyệt đối không chuyển tiền vào các tài khoản từ bất kỳ yêu cầu của người lạ nào qua các kênh thông tin mà chưa gặp trực tiếp. Để tránh các vụ lừa đảo, người dân không nên giao dịch, vay mượn tiền thông qua các app, trên các trạng mạng xã hội; không nên tham gia đầu tư tài chính thông qua các kênh không chính thống…

“Để không bị mất tiền oan, người dân khi đăng ký các dịch vụ SIM, tài khoản phải xác minh trực tiếp đơn vị cung cấp, không cung cấp mã OTP cho bất kỳ ai. Khi nhận được những khoản tiền “chuyển nhầm” thì phải liên hệ với phía ngân hàng hoặc cơ quan chức năng để làm việc mà không nên tự tiện chuyển lại cho người lạ khi chưa có bên thứ 3” - Thượng tá Nguyễn Đình Khuyên khuyến cáo.
Hà Giang

Atlas tỉnh Đồng Nai

Cổng TTĐT Chính phủ

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang