Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Lo ngại tình trạng ngộ độc thực phẩm mùa nắng nóng

(CTT-Đồng Nai) - Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai xảy ra 1 vụ ngộ độc thực phẩm làm 15 người phải nhập viện điều trị. Trong đó có 2 trường hợp bị nặng phải điều trị dài ngày tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.

Người dân lựa chọn thực phẩm tại một siêu thị trong tỉnh
Người dân lựa chọn thực phẩm tại một siêu thị trong tỉnh

Nhiều vụ ngộ độc nguy hiểm

Điểm chung của 15 người bị ngộ độc thực phẩm tại Đồng Nai là đã ăn một số món hải sản tại một quán ăn trên địa bàn thành phố Biên Hòa. Sau khi vào cuộc kiểm tra, đến nay cơ quan chức năng chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây ra vụ ngộ độc thực phẩm nói trên.

Còn tại tỉnh Khánh Hòa, mới đây đã xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm làm 1 học sinh tử vong và 37 học sinh khác phải nhập viện điều trị. Các em này đã ăn sáng nhiều món khác nhau của nhiều quán ăn khác nhau bên ngoài trường học.

Tại tỉnh Bình Dương, mới đây cũng đã xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm khiến 49 người phải nhập viện. Những người bị ngộ độc có điểm chung là ăn bánh mì, bánh bao được phát từ thiện tại một lễ hội tổ chức trên địa bàn thành phố Thuận An. Sau khi ăn xong, nhiều người có biểu hiện mệt mỏi, đau bụng, buồn nôn, chóng mặt, được đưa vào Trung tâm y tế thành phố Thuận An để điều trị.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Hương, ngụ xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu cho biết, qua nắm bắt thông tin trên báo đài về các vụ ngộ độc thực phẩm, chị rất lo lắng vì cả 2 con chị đều đang học bán trú tại các trường học.

“Hàng ngày, các con ăn trưa, ăn xế ở trường. Thi thoảng tôi cũng có cho tiền các con để mua thêm đồ ăn vặt trong căn tin nhà trường. Qua các vụ ngộ độc thực phẩm nói trên, tôi rất lo ngại đến vấn đề ATTP cho các con. Mong sao các trường chú ý hơn đến công tác kiểm soát thực phẩm đầu vào, quy trình chế biến và bảo quản thực phẩm để đảm bảo an toàn cho trẻ” - chị Hương nói.

Liên quan đến việc học sinh mua và sử dụng các loại thực phẩm ở bên ngoài trường học, theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đỗ Huy Khánh, đây là vấn đề rất khó quản lý vì những hàng quán, hàng rong bên ngoài nhà trường do địa phương quản lý, ngành giáo dục không quản lý được. “Khi nào lực lượng chức năng của xã, phường đến dẹp thì những người bán hàng rong bưng hàng, đẩy xe chạy đi, đến khi lực lượng chức năng đi về thì họ lại bày ra bán tiếp. Nếu người bán hàng không có tâm, vì lợi nhuận mà bán hàng trôi nổi, hết hạn sử dụng, có chứa những chất không cho phép sẽ ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của học sinh” - ông Đỗ Huy Khánh nhấn mạnh.

Đặt an toàn thực phẩm lên hàng đầu

Trường Tiểu học Phước Tân 2, thành phố Biên Hòa hiện có hơn 1,3 ngàn học sinh, là một trong số ít các trường tiểu học trên địa bàn thành phố tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Học sinh sau khi học buổi sáng sẽ ăn bữa trưa tại trường, ngủ nghỉ tại trường và tiếp tục học buổi chiều.

Cô Nguyễn Thị Sơn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phước Tân 2 chia sẻ, vấn đề an toàn thực phẩm được nhà trường đặc biệt quan tâm. Bởi nếu có sự cố xảy ra, không chỉ ảnh hưởng đến 1 học sinh mà ảnh hưởng đến rất nhiều em. Việc lựa chọn nhà cung cấp thực phẩm được trường lựa chọn kỹ lưỡng, đảm bảo thực phẩm đầu vào, khâu bảo quản, chế biến và phân chia các phần ăn cho các em trong bữa ăn.

Trước diễn biến phức tạp liên quan đến vấn đề ATTP, mới đây Bộ Y tế đã có công văn khẩn gửi các địa phương trong cả nước và chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến các vụ ngộ độc thực phẩm thời gian qua.

Đó là điều kiện thời tiết nắng nóng có lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, nhất là vi khuẩn gây bệnh đường ruột, động thực vật chứa độc tố tự nhiên (nấm độc, côn trùng, cây, quả rừng, thủy hải sản); ô nhiễm môi trường và thiếu nước sạch để chế biến, vệ sinh dụng cụ; quá trình chế biến, bảo quản nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm chưa đúng cách.

Nhu cầu sử dụng các thực phẩm tươi sống, thức ăn đường phố, nước giải khát, nước đá ở các gia đình, bếp ăn tập thể, bữa ăn đông người, ăn uống khi đi du lịch tăng trong khi ý thức chấp hành quy định của pháp luật về điều kiện bảo đảm ATTP của một số cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm chưa nghiêm cũng là nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm.

Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố khẩn trương xây dựng kế hoạch và triển khai các biện pháp bảo đảm ATTP, giám sát nguy cơ ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, nhất là từ tháng 4 đến tháng 8. Trong đó cần chú ý ngộ độc do nấm độc, ngộ độc do các loại động, thực vật có chứa độc tố tự nhiên; ngộ độc do các loại thủy, hải sản có chứa độc tố tự nhiên như cá nóc, so biển, ốc biển lạ.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát ATTP, tập trung vào các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, trường học và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, cơ sở sản xuất kinh doanh nước uống đóng chai, đóng bình.
Kiên quyết xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không bảo đảm điều kiện ATTP, cơ sở không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP. Công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo kịp thời người sản xuất, kinh doanh và cho cộng đồng.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh hồi đầu năm 2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng đề nghị lãnh đạo các sở, ngành liên quan, các địa phương trong tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm, huy động sự tham gia của doanh nghiệp, cộng đồng, các tổ chức, đoàn thể xã hội cùng chung tay, góp sức vì thực phẩm sạch, chất lượng, an toàn. Những nơi nào làm tốt thì biểu dương, nhân rộng, phê phán hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn, gây nguy hại đối với sức khỏe con người.

Ngành y tế cần tăng cường phối hợp với ngànhn nghiệp và phát triển nông thôn, ngành công thương giám sát, đảm bảo sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm nông sản, thịt động vật…; các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, chú trọng các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu nhỏ lẻ, các cơ sở nấu rượu thủ công.
Việt Anh

Atlas tỉnh Đồng Nai

Cổng TTĐT Chính phủ

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang