Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Biên Hòa sẽ phát triển thành “đô thị dịch vụ và công nghiệp”

(CTT-Đồng Nai) - Theo đồ án Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, tới đây Biên Hòa sẽ phát triển đô thị từ “đô thị công nghiệp” sang mô hình “đô thị dịch vụ và công nghiệp”.

TP.Biên Hòa sẽ phát triển thành “đô thị dịch vụ và công nghiệp”
TP.Biên Hòa sẽ phát triển thành “đô thị dịch vụ và công nghiệp”

Trưởng Phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa Trương Vĩnh Hiệp thông tin về những điểm mới trong quy hoạch hứa hẹn sẽ làm thay đổi lớn diện mạo của đô thị Biên Hòa trong thời gian tới.

Đồ án Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP.Biên Hòa đến năm 2045

Để cụ thể hóa định hướng quy hoạch chung, UBND TP.Biên Hòa đã triển khai 21 đồ án quy hoạch phân khu đô thị, cũng như nhiều đồ án quy hoạch chi tiết khu đô thị mới, khu chức năng… Một số dự án hạ tầng trọng điểm đang được đầu tư thực hiện như: Đường Bắc Sơn - Long Thành, Đường ven sông Cái, Đường ven sông Đồng Nai, Đường trục trung tâm TP.Biên Hòa, Đường nối hương lộ 2 với quốc lộ 51, Đường nối từ cầu Bửu Hòa đến quốc lộ 1K…

Tuy nhiên, thực tế quá trình phát triển đô thị theo quy hoạch cũng dẫn đến xuất hiện một số bất cập, mâu thuẫn, đặc biệt là sau khi thành phố được công nhận đô thị loại I, đặt ra yêu cầu cần điều chỉnh nhằm phù hợp với xu hướng phát triển mới. Ngoài ra, còn một số nội dung dự báo và định hướng theo đồ án quy hoạch chung năm 2014 đến nay không còn phù hợp với tình hình phát triển.
 
Cụ thể, về bối cảnh phát triển vùng, theo quy hoạch vùng TP.HCM đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2017 xác định TP.Biên Hòa là đầu mối giao thông quan trọng và trung tâm kho vận, tiếp vận, vận chuyển hàng hóa phía Đông của vùng TP.HCM; trung tâm cấp vùng về dịch vụ đa lĩnh vực chất lượng cao, cung cấp các dịch vụ đô thị và các dịch vụ công; trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, thương mại - tài chính, du lịch, thể dục - thể thao về phía Đông của vùng TP.HCM...

Xét về các mặt như: quy mô và chức năng đô thị; ranh giới hành chính; về triển khai thực hiện quy hoạch chung năm 2014 cho thấy, cần thiết phải điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP.Biên Hòa nhằm đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế, trên cơ sở đảm bảo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, tạo động lực thúc đẩy phát triển của một đô thị loại I.

Triển khai lấy ý kiến người dân về đồ án, người dân cần tập trung góp ý vào những nội dung nào?

Người dân cần quan tâm, tập trung góp ý đối với các giải pháp quy hoạch chỉnh trang đô thị (chỉnh trang khu dân cư, chỉnh trang nâng cấp bổ sung hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội…) cho khu vực mình đang sinh sống.

Góp ý cho các đề xuất quy hoạch mới (quy hoạch mới các khu chức năng trong đô thị như: khu ở mới, khu thương mại dịch vụ, khu hành chính các cấp, khu công nghiệp, công viên cây xanh, khu du lịch….; quy hoạch mới hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt đô thị, metro, đường sắt quốc gia đi qua thành phố, giao thông thủy, giao thông đường hàng không…).
 
Các góp ý của cá nhân, tập thể cần xem xét nhiều mặt, nhiều góc độ của phương án quy hoạch đưa ra, trên tinh thần vì lợi ích địa phương, lợi ích cộng đồng.
 
Những điểm mới đáng chú ý làm thay đổi diện mạo của TP.Biên Hòa cũng như sẽ khắc phục những tồn tại hiện nay

Nhằm khắc phục những tồn tại hiện nay và làm thay đổi lớn diện mạo của TP.Biên Hòa, đồ án quy hoạch đã đề ra các yêu cầu trọng tâm đối với đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP.Biên Hòa. Đồng thời, có những điểm mới nổi bật làm thay đổi diện mạo thành phố. Cụ thể: Điều chỉnh mô hình và hướng phát triển đô thị từ “đô thị công nghiệp” sang mô hình “đô thị dịch vụ và công nghiệp”. Bản quy hoạch đang hướng đến mô hình phát triển đô thị thông minh, bền vững. Phương án quy hoạch đã tạo sự kết nối giữa khu đô thị hiện hữu phía Bắc với khu đô thị phía Nam; giữa khu ở với các khu chức năng khác của đô thị, nối kết sân bay lưỡng dụng Biên Hòa và nối kết với cảng hàng không Quốc tế Long Thành; khai thác các quỹ đất theo các chức năng phù hợp, hạn chế phát triển dàn trải.
 
Tổ chức bố trí lại khu trung tâm hành chính tỉnh Đồng Nai tại P.An Bình (chuyển đổi công năng từ Khu công nghiệp Biên Hòa 1). Kết nối với Trung tâm hành chính TP.Biên Hòa (tại P.Thống Nhất) thông qua khu đô thị Hiệp Hòa tạo thành trục Trung tâm hành chính - chính trị - văn hóa - thương mại và khu đô thị sầm uất quan trọng của TP.Biên Hòa trong tương lai.

Quy hoạch sử dụng đất và không gian đô thị tại các khu vực phía Tây sân bay Biên Hòa (P.Bửu Long) để tạo lập không gian phù hợp với định hướng khai thác, sử dụng sân bay lưỡng dụng Biên Hòa. Khơi thông các cửa ngõ ra vào sân bay, nối kết giao thông với H.Vĩnh Cửu, các tỉnh Bình Dương, Bình Phước và nối kết sân bay Biên Hòa với khu vực trung tâm thành phố.
 
Phương án quy hoạch định hướng hệ thống cây xanh và không gian mở đô thị gắn với cảnh quan sông Đồng Nai, sông Cái, cù lao Hiệp Hòa… tạo lập hình ảnh đô thị dọc sông Đồng Nai. Chuyển đổi quỹ đất rừng trồng tại các phường: Trảng Dài, Phước Tân, Tam Phước để đề xuất giải pháp khai thác phù hợp. Đề xuất định hướng đối với các khu công nghiệp, mỏ đá trong đô thị (tại các phường: Tân Hạnh, Hóa An, Phước Tân, Tam Phước) đã có lộ trình ngừng khai thác và khu vực an ninh, quốc phòng đã bàn giao cho địa phương quản lý; đề xuất giải pháp bố cục chức năng sử dụng đất và không gian đô thị hình thành mới.

Đối với các phường trung tâm thuộc khu đô thị Biên Hòa truyền thống, phương án quy hoạch đã rà soát, bổ sung hệ thống công viên, cây xanh và đảm bảo điều kiện hạ tầng đô thị. Đối với các khu vực phát triển đô thị mới ở phía Nam thành phố (các phường: An Hòa, Phước Tân, Tam Phước và xã Long Hưng), Đồ án đề xuất phát triển các khu ở mới thu hút dân cư (áp dụng mô hình đô thị TOD, mô hình tiên tiến đã được quy hoạch một số nơi trên thế giới) và bổ sung hệ thống giao thông kết nối giữa phía Nam và phía Bắc thành phố (do có khu công nghiệp và khu quân sự án ngữ chia cắt 2 vùng đô thị) tạo liên kết và hài hòa trong tổng thể chung của thành phố.

Cụ thể, quy hoạch các tuyến đường sắt đô thị như sau:

Tuyến đường sắt đô thị số 1: đấu nối từ Suối Tiên, dọc theo quốc lộ 1 đến trục trung tâm của Khu Trung tâm Hành chính tỉnh (Khu công nghiệp Biên Hòa 1), từ đây, đi ngầm dọc theo đường trục trung tâm của thành phố qua cù lao Hiệp Hòa, qua khu Trung tâm hành chính của thành phố tại P.Thống Nhất, đấu nối ra đường Nguyễn Ái Quốc chạy về hướng đường Nguyễn Du và tiếp cận sân bay Biên Hòa tại P.Bửu Long.
 
Tuyến đường sắt đô thị số 2 (Biên Hòa - Nhơn Trạch - Long Thành): Bắt đầu từ tuyến số 1 chạy cặp ranh khu quân sự, sau đó dọc theo đường tỉnh 771 (phía Tây quốc lộ 51) đi qua các phường: An Hòa, Phước Tân, Tam Phước, tiếp tục chạy dọc theo đường tỉnh 771 thuộc H.Long Thành kết nối vào sân bay Long Thành.
 
Tuyến đường sắt đô thị số 3 (Biên Hòa - Trảng Bom - Long Khánh): Bắt đầu từ nút giao của tuyến số 1 và số 2 đi dọc theo quốc lộ 1, đến nút giao với đường sắt Bắc - Nam. Tại đây đi theo tuyến đường sắt Bắc - Nam đến H.Trảng Bom và TP.Long Khánh.

Nhật Huy

Atlas tỉnh Đồng Nai

Cổng TTĐT Chính phủ

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang