Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Bài toán nguồn nhân lực cao cho vùng Đông Nam bộ

(CTT-Đồng Nai) - Là vùng kinh tế trọng điểm lớn nhất nước với nhiều ngành nghề sản xuất, dịch vụ hiện đại, đóng góp quan trọng vào hội nhập quốc tế, vùng Đông Nam bộ đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ yêu cầu phát triển. Tuy nhiên thực tế hiện nay, giáo dục nói chung của vùng và giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao đang gặp không ít khó khăn, cần được quan tâm đầu tư nhiều hơn.
Với nhiều ngành công nghiệp công nghệ cao, vùng Đông nam bộ đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển
Với nhiều ngành công nghiệp công nghệ cao, vùng Đông nam bộ đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển

Nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu
Đơn cử như đối với ngành logistics, theo ông Nguyễn Thanh Tuấn - Trưởng bộ phận nghiên cứu, Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam, một điểm yếu của vùng Đông Nam bộ chính là nguồn nhân lực. Vùng này chiếm hơn 46% tổng nguồn nhân lực làm dịch vụ logistics của cả nước. Trong đó, phần lớn nguồn nhân lực tập trung tại TP.HCM, chiếm 78% khu vực Đông Nam bộ. Tuy nhiên, con số này không nói lên được chất lượng nguồn nhân lực lĩnh vực logistics. Theo khảo sát, hầu hết nguồn nhân lực đang làm việc trong lĩnh vực logistics chưa được đào tạo một cách chính quy, hầu hết là thông qua kinh nghiệm.

Theo ông Tuấn đề xuất về mặt cơ chế, cần có sự phối hợp giữa các hiệp hội ngành logistics để có sự kết nối với các doanh nghiệp, tư vấn, tổ chức đào tạo nhân sự cho vùng Đông Nam Bộ. Còn với từng doanh nghiệp thì phải có những chính sách cụ thể hơn. Chú trọng nâng cao công tác đào tạo, tuyển dụng nguồn nhân lực logistics. Trong đó đầu tư vào việc tự đào tạo, hoặc kết nối với hiệp hội logistics để gửi đi đào tạo là yêu cầu cấp thiết.

Tương tự, đối với ngành sản xuất gỗ, nhân lực chất lượng cao cho ngành đang cực kỳ khan hiếm ở thời điểm hiện tại và trong tương lai. Theo PGS-TS Vũ Mạnh Tường, Trưởng Khoa Công nghiệp và kiến trúc (FIA), Phân hiệu Trường Đại học Lâm nghiệp tại Đồng Nai thì đơn vị thường xuyên nhận được thông báo tuyển dụng từ các công ty ở Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM cho cả 2 ngành Công nghệ chế biến lâm sản và Thiết kế nội thất. Trong khi đó, đa phần hiện nay, nhân lực cho ngành gỗ chủ yếu là lao động thủ công, để phát triển bền vững thì cần có đội ngũ lao động chất lượng, am hiểu kiến thức, vận hành được hệ thống máy và thiết bị hiện đại theo tiêu chuẩn của thế giới.

Cần chính sách phù hợp để tận dụng lợi thế phát triển
TS Nguyễn Tấn Bình, giảng viên cao cấp Đại học Andrews Hoa Kỳ tại Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM nhận định Đông Nam bộ có điều kiện và lợi thế để phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn như: lắp ráp các sản phẩm điện, điện tử; công nghiệp chế biến chế tạo; kinh tế số; tài chính ngân hàng; bất động sản… và đang dẫn đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của cả nước.

Tuy nhiên, phát triển kinh tế ở vùng miền Đông Nam bộ trong những năm qua có dấu hiệu chững lại, tính cạnh tranh giảm so với các vùng khác trong cả nước. Trong khi các vùng đồng bằng sông Hồng, trung du và miền núi phía Bắc, vùng Bắc bộ và duyên hải miền Trung có tốc độ phát triển cao hơn, ngày càng rút ngắn về giá trị tuyệt đối ở các chỉ tiêu năng suất lao động và GDP bình quân đầu người với vùng Đông Nam bộ. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp và các nhà quản lý vùng Đông Nam bộ nếu không sớm có chính sách phù hợp thì nguy cơ tụt hậu và mất động lực tăng trưởng vùng đã không còn là lời cảnh báo.
Bảo Nguyên

Atlas tỉnh Đồng Nai

Cổng TTĐT Chính phủ

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang