Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Bộ Y tế đề nghị các địa phương khẩn trương phòng bệnh bạch hầu

(CTT-Đồng Nai) - Dịch bệnh bạch hầu đang có diễn biến phức tạp tại một số tỉnh phía Bắc. Hiện, đã có 3 ca tử vong vì bệnh bạch hầu.
Biểu hiện của bệnh bạch hầu
Biểu hiện của bệnh bạch hầu

Phát hiện sớm ca bệnh

Trước tình hình trên, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) vừa có công văn khẩn gửi các Sở Y tế, các bệnh viện trong cả nước đề nghị tăng cường chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu.

Cục Quản lý khám, chữa bệnh yêu cầu các đơn vị khẩn trương tập huấn nhắc lại hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu cho toàn bộ nhân viên y tế tham gia công tác khám, chữa bệnh. Qua đó, phát hiện sớm ca bệnh nghi ngờ để cách ly, điều trị sớm.

Đồng thời, rà soát quy trình, trang thiết bị, thuốc, vật tư theo hướng dẫn để tổ chức thực hiện việc khám sàng lọc, cách ly, thu dung, điều trị người bệnh bạch hầu theo quy định, hạn chế tới mức thấp nhất tỷ lệ tử vong và bảo đảm công tác phòng lây nhiễm trong cơ sở khám, chữa bệnh.

Ngành Y tế các địa phương cần theo dõi sát sao, phát hiện sớm các biến chứng của bệnh để kịp thời xử trí, chuyển tuyến khi cần thiết. Thực hiện hội chẩn chuyên môn xin ý kiến tuyến trên đối với các ca bệnh khó, ca nặng, hội chẩn trước khi chuyển tuyến. Triển khai cho người tiếp xúc với ca bệnh uống thuốc kháng sinh dự phòng theo hướng dẫn. Tăng cường truyền thông trong bệnh viện để người bệnh, người nhà bệnh nhân biết được các dấu hiệu của bệnh để đi khám sớm và thực hiện các biện pháp phòng bệnh.
Tiêm vaccine để phòng bệnh bạch hầu tại VNVC Đồng Nai
Tiêm vaccine để phòng bệnh bạch hầu tại VNVC Đồng Nai

Những điều cần biết về bệnh bạch hầu

Thông tin từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 15 tuổi và có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch phòng bệnh.

Mặc dù tỷ lệ mắc bệnh bạch hầu đã giảm rõ rệt nhờ triển khai vaccine phòng bệnh cho trẻ em dưới 1 tuổi và tiêm nhắc vào lúc 18 đến 24 tháng tuổi trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, nhưng bệnh bạch hầu vẫn còn lưu hành trong cộng đồng.

Vi khuẩn bạch hầu lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của người bệnh hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh kém và có khả năng gây thành dịch.

Nếu không được tiêm chủng đầy đủ, trẻ vẫn có nguy cơ mắc bạch hầu. Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, thường là viêm họng, sốt sau 2 đến 3 ngày có giả mạc màu trắng ở hầu họng, thanh quản, trường hợp nặng có thể gây biến chứng tắc nghẽn đường thở, viêm cơ tim và tử vong.

Bệnh bạch hầu có thể được ngăn ngừa bằng tiêm vaccine. Những năm qua, do tỷ lệ tiêm vaccine đạt cao nên bệnh bạch hầu rất hiếm xảy ra. Khả năng dịch bệnh bùng phát ở các tỉnh phía Bắc có liên quan đến kết quả tiêm chủng trong thời gian gần đây, nhất là giai đoạn vaccine trong chương trình Tiêm chủng mở rộng khan hiếm, không đủ cung cấp để tiêm chủng cho trẻ em trong độ tuổi.

Tuy đã có thuốc điều trị nhưng trong giai đoạn tiến triển, bệnh có thể gây hại cho tim, thận và hệ thần kinh của người bệnh. Ngay cả khi điều trị, bệnh bạch hầu có thể gây tử vong với tỷ lệ 3%.

Để chủ động phòng bệnh bạch hầu, trẻ em dưới 1 tuổi cần được tiêm chủng đầy đủ vaccine 5 trong 1 có thành phần bạch hầu, cụ thể như sau:
Mũi thứ 1: Khi trẻ 2 tháng tuổi.
Mũi thứ 2: Khi trẻ 3 tháng tuổi.
Mũi thứ 3: Khi trẻ 4 tháng tuổi.
Trẻ lớn cần được tiêm nhắc:
Mũi thứ 4: Tiêm vaccine bạch hầu-ho gà- uốn ván (DPT) khi trẻ 18 -24 tháng tuổi.
Mũi thứ 5: Tiêm vaccine uốn ván-bạch hầu giảm liều (Td) khi trẻ 7 tuổi.
Ngoài ra, cần thường xuyên giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi. Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Vệ sinh nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải thông báo cho cán bộ y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Bảo Ngọc

Các tin khác

Atlas tỉnh Đồng Nai

Cổng TTĐT Chính phủ

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang