Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Nhiều bệnh nhi bị bệnh tay chân miệng nặng

(CTT-Đồng Nai) - Do thiếu hiểu biết và chủ quan, nhiều phụ huynh đã không kịp thời đưa con đến cơ sở y tế có uy tín để được thăm khám và phát hiện, điều trị bệnh sớm. Từ đó dẫn đến tình trạng bệnh của trẻ nặng hơn, công tác điều trị khó khăn và tốn kém nhiều chi phí.
Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhi tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai
Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhi tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai


Bé trai bị sốc, suy hô hấp vì tay chân miệng

Các y, bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đang nỗ lực điều trị cho bệnh nhi 19 tháng tuổi, ngụ xã Phú Bình, H.Tân Phú, bị bệnh tay chân miệng độ 4 (mức nặng nhất).

Chị H.T.N.L., mẹ bé trai cho biết, con chị có dấu hiệu sốt cao, chị cho uống thuốc hạ sốt nhưng không hạ. 3 ngày sau đó, chị L. có đưa con đi khám bác sĩ ở một phòng khám tư nhân gần nhà. Bác sĩ kê thuốc, xét nghiệm máu, chích thuốc nhưng bé trai không có dấu hiệu thuyên giảm. Mức độ bệnh ngày càng nặng khi xuất hiện các triệu chứng như tiêu chảy, liên tục nôn ói, không ăn uống được, chảy máu chân răng, giật mình nhiều lần.
Chị L. cho hay, ban đầu chị nghĩ con bị sốt xuất huyết nhưng xét nghiệm máu cho kết quả không phải sốt xuất huyết. Chị cũng nghe các phụ huynh khác nếu bị tay chân miệng sẽ nổi bóng nước nhưng con chị không thấy nổi bóng nước nên có phần chủ quan.
Đến ngày thứ 4, chị L. mới đưa con đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Định Quán để cấp cứu trong tình trạng em bé có nhiều nốt nổi trên da, trong lưỡi, người bắt đầu tím tái, mệt mỏi, khóc không nổi.

Tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Định Quán, bệnh nhi được cấp cứu, truyền dịch chống sốc rồi chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai trong tình trạng sốc, suy hô hấp, người tím tái. Bệnh nhi được đặt nội khí quản, qua siêu âm thấy có sốc tim. Các bác sĩ xác định bệnh nhi đã chuyển tay chân miệng độ 4, tức là độ nặng nhất.
Nhiều phụ huynh phải nghỉ làm để chăm sóc con bị bệnh
Nhiều phụ huynh phải nghỉ làm để chăm sóc con bị bệnh


Lọc máu, thở máy

ThS-BS.Phạm Thị Kiều Trang, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho hay, ngoài trường hợp bệnh nhi kể trên, trong khoa đang điều trị cho 4 trường hợp bị bệnh tay chân miệng độ 3 (độ nặng) và một số trường hợp khác.
Đối với bệnh nhi 19 tháng tuổi, các bác sĩ đã điều trị chống sốc, sốc tim, dùng thuốc gamma globulin, thuốc hỗ trợ tim mạch, lọc máu 2 chu kỳ và cho em bé thở máy.

Đến ngày 19-9, bé đã ngưng lọc máu, chức năng các cơ quan trở về bình thường, chức năng co bóp cơ tim tốt hơn nhưng chưa cai được máy thở. Dự báo, em bé sẽ bình phục nhưng có thể có di chứng nhẹ về não do giai đoạn em bé bị sốc, thiếu oxy não.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 6 ngàn ca bệnh tay chân miệng. Bệnh tay chân miệng xuất hiện rải rác quanh năm nhưng tập trung vào thời điểm học sinh tựu trường, từ tháng 9 đến tháng 11 hằng năm.

ThS-BS Phạm Thị Kiều Trang lưu ý, phụ huynh, giáo viên khi thấy trẻ bị sốt cao uống thuốc không hạ, có những dấu hiệu bất thường như li bì, ăn không được, ói nhiều, tiêu chảy nhiều, giật mình nhiều, đi lại loạng choạng, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế có uy tín để được thăm khám và điều trị.

Bệnh tay chân miệng hiện chưa có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu. Do vậy, phụ huynh, giáo viên cần quan tâm đến vấn đề vệ sinh của trẻ, hướng dẫn và nhắc trẻ thường xuyên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn, rửa sạch và phơi khô đồ chơi, đồ dùng cá nhân của trẻ. Những trẻ bị tay chân miệng cần nghỉ học để được theo dõi, điều trị, tránh đến lớp để không lây bệnh cho những trẻ khác.
Việt Anh

Atlas tỉnh Đồng Nai

Cổng TTĐT Chính phủ

Số lượt truy cập

Save Conflict. Your changes conflict with those made concurrently by another user. If you want your changes to be applied, click Back in your Web browser, refresh the page, and resubmit your changes.Trong ngày:
Tất cả:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang