Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Cần bảo đảm công bằng khi phân tuyến thẻ bảo hiểm y tế

(CTT-ĐN) Phân tuyến thẻ BHYT không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh, mà còn để cơ sở y tế khai thác hết tiềm năng, phục vụ tốt nhất cho người bệnh. Tuy nhiên, dù được chọn đăng ký nơi khám chữa bệnh (KCB) ban đầu, nhưng nhiều người cho rằng, phân tuyến thẻ BHYT gây thiệt thòi về quyền lợi BHYT giữa các đối tượng, trong khi mua cùng một mệnh giá như nhau.

Được khám chữa bệnh tại bệnh viện tuyến tỉnh là mong muốn của nhiều bệnh nhân (Ảnh: Người bệnh nhận thuốc BHYT tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai)
Được khám chữa bệnh tại bệnh viện tuyến tỉnh là mong muốn của nhiều bệnh nhân (Ảnh: Người bệnh nhận thuốc BHYT tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai)

* Đã thực sự thuận lợi cho người bệnh?

Thông tư số 40/2015/TT-BYT ngày 16-11-2015 của Bộ Y tế quy định khi tham gia BHYT, người dân sẽ được lựa chọn đăng ký BHYT vào những cơ sở y tế hoạt động tại địa bàn sinh sống và làm việc.

Tuy nhiên, người tham gia BHYT chỉ được lựa chọn bệnh viện trong danh sách được phân tuyến, chứ không phải muốn vào bệnh viện tuyến tỉnh mà được. Chỉ có một số đối tượng được đăng ký nơi KCB BHYT ban đầu vào các bệnh viện tuyến tỉnh như: người thuộc diện được quản lý, bảo vệ sức khỏe cán bộ của tỉnh; người có công với cách mạng; người từ đủ 80 tuổi trở lên; trẻ em dưới 6 tuổi; người công tác trong quân đội khi nghỉ hưu và những đối tượng bị các bệnh mãn tính (tim mạch, ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn và hen suyễn, bệnh tiểu đường).

Những nhóm đối tượng còn lại, khi tham gia BHYT, thẻ sẽ được phân tuyến về các cơ sở y tế tuyến dưới là: trung tâm y tế tuyến huyện, thành phố và bệnh viện tuyến tương đương, trạm y tế xã, phường và các phòng khám đa khoa tư nhân.

Dù nhà ở rất gần Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất (chỉ cách khoảng 300m) nhưng tháng nào ông Trần Văn Vĩnh (77 tuổi, ngụ P.Tân Hòa, TP.Biên Hòa) cũng phải đi gần 9km để đến một bệnh viện tuyến huyện để khám chữa bệnh.

Ông Vĩnh cho biết, lớn tuổi và bệnh tật nên ông mong muốn được phân thẻ BHYT về Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cho gần nhà để đi lại thuận tiện và cũng yên tâm về chất lượng KCB ở một bệnh viện hạng I, nhưng không được chấp thuận với lý do không thuộc các đối tượng được đăng ký KCB ban đầu tại bệnh viện tuyến tỉnh.

“Thẻ BHYT của tôi được phân về một phòng khám tư nhân gần nhà. Tuy nhiên, do không yên tâm với chất lượng KCB của phòng khám này nên tôi thường phải đi khám tại một bệnh viện tư nhân xa nhà. Đi xa và khám ở bệnh viện tư nhân, tôi trả thêm chi phí dịch vụ nên rất tốn kém” - ông Vĩnh cho hay.

Không chỉ riêng ông Vĩnh mà có không ít người bệnh khác ở rất gần 2 bệnh viện tuyến tỉnh là Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, có nhu cầu mua BHYT với nơi đăng ký KCB ban đầu vào những bệnh viện này nhưng không được chấp thuận vì không đúng đối tượng được đăng ký BHYT vào đây.

Bị bệnh xương khớp nhiều năm nay, đi đứng khó khăn nhưng hàng tháng bà Trần Thị Mai, (78 tuổi, ngụ P.Tam Hòa, TP.Biên Hòa) vẫn phải đi khám bệnh, lấy thuốc tại một bệnh viện tư nhân, dù nhà bà rất gần với Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Bà Mai cho biết, nhiều năm trước đây thẻ BHYT của bà được đăng ký KCB tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, nhưng từ năm 2021, thẻ BHYT của bà lại chuyển về một phòng khám đa khoa, nhưng nơi đây chỉ điều trị những bệnh thông thường, mỗi lần xin chuyển viện rất mất công nên bà phải đến một bệnh viện tư nhân để điều trị. Tuy nhiên, giá chênh lệch dịch vụ KCB tại bệnh viện này khá cao và việc điều trị các bệnh xương khớp cũng không phải là thế mạnh của bệnh viện này nên có lúc bà Mơ phải “cất” thẻ BHYT, bỏ tiền túi vào bệnh viện tuyến tỉnh khám dịch vụ.

Không ít ý kiến cho rằng, hiện tiềm năng KCB BHYT của 2 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh còn chưa khai thác hết khi đội ngũ bác sĩ đông, tay nghề chuyên môn tốt, trang thiết bị hiện đại và cơ sở vật chất khang trang… nhưng ngoài những đối tượng theo quy định, những người bệnh khác không được đăng ký KCB tại 2 bệnh viện này. Do đó, nhiều ý kiến đề xuất nên mở rộng đối tượng được đăng ký KCB BHYT ở 2 cơ sở này để tránh lãng phí và bảo đảm quyền lợi cho người bệnh tham gia BHYT.

* Để hài hòa lợi ích các bên

Mục đích của việc phân thẻ BHYT của người bệnh về các cơ sở y tế tại và gần nơi sinh sống, làm việc nhằm tạo điều kiện cho người dân thuận lợi trong đi lại; hạn chế tình trạng KCB vượt tuyến gây quá tải cho bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến trung ương, giảm thiểu tốn kém, vất vả cho người bệnh khi điều trị những bệnh mà tuyến dưới hoàn toàn có thể chữa được. Nhất là từ khi thực hiện chính sách thông tuyến huyện và thông tuyến tỉnh nội trú, người bệnh đã có nhiều lựa chọn hơn khi khám và điều trị bệnh.

Tuy nhiên, việc phân nhóm đối tượng đăng ký KCB BHYT vào các cơ sở y tế tuyến trên hay tuyến dưới vẫn còn có những bất cập. Không ít ý kiến cho rằng, họ chấp nhận KCB BHYT ở tuyến dưới, nhưng cần nâng cao chất lượng KCB các cơ sở y tế tuyến này, nhất là ở các trạm y tế và phòng khám đa khoa tư nhân; bổ sung đầy đủ các loại thuốc và chất lượng thuốc như ở những cơ sở y tế tuyến trên… Nếu được như thế, người dân không chỉ yên tâm KCB ở tuyến dưới mà quyền lợi của người tham gia BHYT được bảo đảm, công bằng.

Về vấn đề này, Giám đốc BHXH tỉnh Phạm Minh Thành cho rằng, thường thì nhu cầu người dân muốn được KCB tại bệnh viện lớn của tỉnh. Tuy nhiên, nếu nhiều người cùng đăng ký tại 2 bệnh viện tuyến tỉnh trên sẽ dẫn đến quá tải bệnh viện và công khám, tiền giường đều đắt hơn các bệnh viện tuyến dưới. Trong khi đó, BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH tỉnh thực hiện đúng việc phân loại các đối tượng đăng ký KCB BHYT ban đầu tại các bệnh viện tuyến tỉnh, không khuyến khích đăng ký ở bệnh viện tuyến tỉnh vì sẽ thu hẹp số thẻ BHYT đăng ký ban đầu tại các cơ sở tuyến huyện, xã, ảnh hưởng ít nhiều đến hoạt động KCB của các cơ sở tuyến dưới. Hiện nay, việc phân bổ thẻ đều căn cứ vào các thông tư, văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam cũng như nhu cầu của người dân và được thực hiện một cách công khai, minh bạch.

Còn theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Lê Quang Trung, hiện nay nhiều cơ sở y tế có đủ nguồn nhân lực, có cơ sở vật chất khang trang và trang thiết bị đầy đủ nhưng lại được phân bổ số lượng thẻ BHYT chưa tương xứng, dẫn đến lãng phí tài nguyên đơn vị, còn người bệnh lại thiệt thòi vì không được hưởng thụ KCB chất lượng cao. Vì thế việc phân bổ số lượng thẻ BHYT phù hợp với năng lực của đơn vị sẽ bảo đảm việc phục vụ tốt nhất, không lãng phí nguồn lực cũng như tạo điều kiện cho bệnh nhân được KCB BHYT ở nơi chuyên môn cao, khắc phục được tình trạng bệnh nhân ở một nơi nhưng thẻ BHYT lại được đăng ký một nẻo.
Mới đây vào ngày 9-5, trong một cuộc họp về vấn đề phân bổ thẻ BHYT giữa ngành Y tế và BHXH, đã có tín hiệu vui khi BHXH tỉnh và Sở Y tế cùng nhau xem xét, vận dụng những điểm mở để tăng số lượng thẻ BHYT cho 2 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, đồng thời tìm cơ sở để bổ sung thêm đối tượng được đăng ký KCB BHYT ban đầu ở bệnh viện tuyến tỉnh… Như vậy, nếu nội dung này được hai bên thống nhất, sẽ có thêm nhiều người bệnh được đăng ký KCB ban đầu BHYT vào các bệnh viện tuyến tỉnh.
Hạ Di

Atlas tỉnh Đồng Nai

Cổng TTĐT Chính phủ

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang