Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Bác sĩ của bệnh nhân tâm thần

Chăm sóc, điều trị người bệnh tâm thần là công việc vừa khó khăn, vừa vất vả lại không kém phần nguy hiểm, nhưng lòng yêu nghề của chị Lê Thị Lan (bác sĩ Khoa Bán cấp tính nam - điều trị bệnh nhân tâm thần nam), Bệnh viện tâm thần Trung ương 2 vẫn gắn bó, trở thành điểm tựa của bệnh nhân tâm thần.

Chị Lê Thị Lan là một trong 12 cá nhân được Tỉnh đoàn trao giải thưởng Gương mặt trẻ tiêu biểu tỉnh Đồng Nai năm 2022
Chị Lê Thị Lan là một trong 12 cá nhân được Tỉnh đoàn trao giải thưởng Gương mặt trẻ tiêu biểu tỉnh Đồng Nai năm 2022

Gắn bó vì người bệnh

Năm 2017, chị Lan tốt nghiệp chuyên ngành bác sĩ tâm thần tại Hà Nội và quyết định vào Nam tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp và được nhận vào làm tại Bệnh viện Tâm thần trung ương 2. Chị Lan chia sẻ, bệnh nhân tâm thần mỗi người một kiểu. Có người trầm tính, ít nói; có người lại lẩm bẩm, la hét, lúc khóc, lúc cười… Hoàn cảnh mắc bệnh cũng khác nhau, có người do di truyền, có người vì gặp phải cú sốc tinh thần nào đó, cũng có người vì làm việc quá căng thẳng hoặc do áp lực từ cuộc sống mà phát bệnh.

Đặc biệt, phần lớn bệnh nhân tâm thần có hoàn cảnh khó khăn, một số bệnh nhân không có người thân thăm nom, chăm sóc… Với những bệnh nhân không có người thân lui tới, họ coi bác sĩ, điều dưỡng ở đây như người thân của họ. Đó cũng là lý do từ khi dấn thân vào nghề mặc dù gặp nhiều khó khăn, vất vả nhưng chị vẫn luôn nỗ lực vượt khó để gắn bó.

Theo lời kể của chị Lan, cách đây 2 năm, chị làm việc tại Khoa Điều trị tập trung có 1 bệnh nhân lớn tuổi, vào bệnh viện từ khi chị chưa sinh ra. Thấy chị là bác sĩ trẻ mới vào nghề, lại nhiệt tình nên trong một lần trò chuyện, bệnh nhân này nói với chị tâm nguyện được trở về gia đình sống cùng người thân trong những năm tháng cuối đời. Bản thân chị khi ấy đã cố gắng liên hệ với địa phương nơi người này sinh sống để tìm người nhà. Sau khi chị nhắn gửi tâm tư của người bệnh đến người nhà, gia đình dường như muốn chối bỏ trách nhiệm, không đón bệnh nhân về.

Không thể đáp ứng được tâm tư nguyện vọng của bệnh nhân, chị lại không muốn bệnh nhân biết sự thật rồi suy sụp nên chị không nói ra sự thật. Thay vào đó chị động viên, an ủi để họ nguôi ngoai. Thế nhưng dường như bệnh nhân cũng hiểu được phần nào câu chuyện nên trong ánh mắt của họ khi ấy hiện lên nỗi buồn, sự thất vọng. Cho đến giờ đã 2 năm trôi qua nhưng chị vẫn không thể nào quên ánh mắt ấy mà có lẽ ánh mắt ấy sẽ theo chị suốt trong quá trình làm nghề. Đó cũng là động lực để chị luôn cố gắng trong công việc, dành thời gian lắng nghe, chia sẻ, trở thành điểm tựa tinh thần cho những bệnh nhân tâm thần.

Xông pha vào tâm dịch

Theo chia sẻ của chị Lan, trong đợt dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 bùng phát mạnh tại các tỉnh phía Nam, trong đó Đồng Nai là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo Sở Y tế, chị Lan đã để lại gia đình, con nhỏ, viết đơn tình nguyện tham gia khám, điều trị, chăm sóc bệnh nhân bị nhiễm Covid-19 tại Bệnh viện Dã chiến số 10 - khu ký túc xá Trường Chính trị tỉnh Đồng Nai (P.Bình Đa, TP.Biên Hòa) từ ngày 4-8 đến ngày 6-9-2021.

Được biết, đây là giai đoạn cao điểm của dịch bệnh, chị Lan cùng đồng nghiệp mỗi ngày tiếp nhận, theo dõi và điều trị hàng ngàn bệnh nhân, trong đó có nhiều người bị nặng. Với tinh thần trách nhiệm của người thầy thuốc, cá nhân chị đã cùng với đồng nghiệp theo dõi sát diễn biến của bệnh nhân, kịp thời chuyển tầng đối với các ca bệnh nặng theo đúng quy định, góp phần giảm thiểu tình trạng chuyển nặng cũng như tử vong do Covid-19.
 
Trong khi đang làm nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến số 10 thì cuối tháng 8-2021, tại Bệnh viện Tâm thần trung ương 2 phát hiện những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên và bắt đầu lan rộng ra các khoa trong bệnh viện. Ban Giám đốc bệnh viện tâm thần Trung ương 2 kêu gọi nhân viên y tế tình nguyện tham gia chống dịch tại các bệnh viện dã chiến trở về thực hiện công tác thu dung, điều trị cho bệnh nhân tâm thần bị nhiễm Covid-19. Một lần nữa, chị Lan lại xung phong vào tâm dịch.

Chị Lan cho biết, điều trị cho bệnh nhân tâm thần đã khó, việc điều trị cho bệnh nhân bệnh nhân tâm thần mắc Covid-19 càng khó khăn, vất vả hơn. Bởi, họ là những người có hành vi không ổn định, thường có hành vi kích động, xé đồ bảo hộ của y bác sĩ; không tuân thủ được thực hiện 5K… nên đa phần một bệnh nhân mắc bệnh thì cả khoa, phòng đó sẽ nhiễm bệnh…; nhiều người còn có bệnh nền mãn tính nên nguy cơ trở nặng là rất cao.

Với vai trò phụ trách khu thu dung điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 (khu C2), chị đã cùng với đồng nghiệp đưa ra phác đồ điều trị dành riêng cho bệnh nhân tâm thần. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền cho bệnh nhân về mức độ nguy hiểm của dịch, sự cần thiết phải thực hiện 5K; thư giãn tinh thần kết hợp với tập thông khí phổi; hướng dẫn bệnh nhân tập thể dục. Trong đó, chú trọng các bài tập thở, giãn cơ cho bệnh nhân Covid-19… giúp giảm thiếu tối đa bệnh nhân trở nặng, giúp nhiều bệnh nhân tâm thần bị nhiễm Covid-19 khỏi bệnh.
Khánh Ngân

Atlas tỉnh Đồng Nai

Cổng TTĐT Chính phủ

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang