Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Về Đồng Nai khám phá những dòng thác đẹp

​Với không gian xanh, có phần hoang sơ và thấm đẫm huyền thoại, những “thiên đường” giải nhiệt ngày hè như: thác Giang Điền, thác Mai, đảo Xà Cừ, thác Bến Cự, thác Trị An, Đảo Ó - Đồng Trường…là những điểm đến hấp dẫn ở vùng đất Đồng Nai trong con mắt của nhiều du khách.
24.11-H1 Bài 7.jpg
Du khách đi thuyền, khám phá các đảo trên Hồ Trị An 
1. Từ TP.Biên Hòa, chạy xe máy dọc Quốc lộ 1A, mất chừng hơn 30 phút di chuyển, bắt gặp một tấm biển nhỏ chỉ hướng rẽ phải vào Khu du lịch thác Giang Điền thuộc H.Trảng Bom. Thác Giang Điền nằm trên diện tích rộng khoảng 67 ha gồm vườn hoa, bãi cỏ, nơi đi bộ…được quy hoạch lại thành khu du lịch sinh thái. Nơi đây tập hợp gồm ba dòng thác: thác Chàng, thác Nàng và thác chính Giang Điền.
Nhiều người giải thích, tên gọi Giang Điền là nơi vừa có ruộng, vừa có sông. Vùng đất này này ngày xưa là nơi người Mạ sinh sống. Theo già làng trong vùng kể lại rằng, ngày ấy có đôi trai gái yêu nhau nhưng không lấy được nhau nên đã tuẫn tiết ở dòng suối này mới sinh ra hai dòng thác Chàng và Nàng nên còn gọi là thác Đôi chảy bên nhau rồi nhập vào suối Giang Điền, rồi đổ xuống thành thác. Cũng bởi cảnh quan thiên nhiên, vẻ đẹp của thác, những món ăn dân dã do người địa phương phục vụ nên nơi đây thu hút khá đông khách du lịch tham quan vào những dịp cuối tuần.
Từ thác Giang Điền đi theo hướng về Đà Lạt, ngay từ khi bước chân vào cửa ngõ H.Định Quán, rẽ trái khoảng 2 km du khách sẽ bắt gặp đảo Xà Cừ, nằm liền kề với lòng hồ Trị An. Vào mùa nước lớn nơi đây như một “eo biển” ngút ngàn tầm mắt, với bãi cát mịn, sóng vỗ nhè nhẹ. Đặc biệt khi hoàng hôn buông xuống, khung cảnh lãng mạn, trữ tình của đảo được đánh thức bởi những sắc màu, giúp du khách như hoà mình vào không gian tĩnh lặng để chiêm nghiệm cuộc đời.
So với thác Giang Điền, thác Mai ở Định Quán còn rất hoang sơ. Từ làng bè La Ngà đi thêm 10 Km nữa gặp ngã ba Thanh Tùng, rẽ tay phải đi thêm 20 km là đến địa phận của thác Mai. Nằm trong diện tích rừng tự nhiên trên 24 nghìn ha, được bao quanh bởi dòng sông La Ngà, Thác Mai được tạo bởi nhiều đoạn có phong cảnh từ yên ả đến hùng vĩ. Du khách đến thác bắt gặp những loại cây huyền thoại đã đi vào thơ ca như cây Kơnia, cây bằng lăng tím, cây mai vàng và một số cây gỗ quý khác. Những tảng đá nhô cao khỏi mặt nước, bằng phẳng bởi sự bào mòn của nước và của thời gian, tạo nên một thác đá trải dài, nước chảy ầm ầm suốt năm tháng.
24.11-H2 Bài 7.jpg
Du khách tham quan, vui chơi tại thác Giang Điền, H.Trảng Bom
2. H.Tân Phú là địa phương xa nhất của Đồng Nai về phía Bắc, nơi đây được thiên nhiên ban tặng dòng thác Hòa Bình với độ cao của đỉnh thác lên đến khoảng 300m. Thác nằm trên địa phận xã Phú Sơn, theo đường đi lên phía bên trái của chùa Linh Phú. Truyền thuyết kể lại rằng, đây là nơi gặp gỡ, hẹn hò của một đôi trai gái, nhưng do sự phân biệt, mâu thuẫn của hai bộ tộc, họ không đến được với nhau.  Mỗi lần gặp gỡ tại đây, họ đã khóc rất nhiều, nước mắt của họ chảy thành dòng thác. Tiếng thác chảy như tiếng khóc than ai oán. Vì thế, người dân địa phương đã đặt tên thác là Hòa Bình với mong muốn không còn tình trạng chiến tranh, các bộ tộc ở đây sống trong thuận hòa.
Thác Hòa Bình chảy từ ngọn núi phía sau chùa Linh Phú. Từ phía dưới chân núi nhìn lên, thác Hòa Bình có một vẻ đẹp lung linh và huyền ảo, với làn sương che phủ ở đỉnh thác. Dòng nước ào ạt tuôn đổ đêm ngày tựa như một dải lụa trắng xóa. Đứng trên đầu ngọn thác, mở rộng tầm mắt là du khách thoải mái ngắm nhìn phong cảnh trữ tình, hoang sơ của thiên nhiên cùng với không khí trong lành mát mẻ, thanh bình và yên tĩnh. Vào những ngày lễ, Tết du khách ghé chùa Linh Phú tham quan vừa trải nghiệm thác Hòa Bình đông đúc, họ tự do vui đùa và thưởng thức đặc sản tự nhiên của vùng đất Tân Phú.
Cũng nằm trên địa bàn H.Tân Phú, thác Bến Cự ẩn mình trong Vườn Quốc gia Cát Tiên. Thác nằm cách trung tâm vườn khoảng 5 km và mất khoảng 60 phút để đi tản bộ đến đây. Thác Bến Cự không rộng, mùa khô, nước cạn để lộ những phiến đá lớn và bằng phẳng. Vào mùa mưa, nước cuộn chảy dồn dập đập vào các bãi đá để lại tan ra những mảng bọt trắng xóa. Che phủ bên trên là những tán cây rừng rậm rạp làm cho bầu không khí luôn luôn mát mẻ và dễ chịu.
Du khách đến Bến Cự hôm nay sẽ được nghe câu chuyện tình hết sức cảm động và lãng mạn của chàng trai người Mạ ở trần gian và cô gái ở chốn thần tiên. Họ đến với nhau, kết nghĩa vợ chồng và có những ngày tháng sống với nhau hạnh phúc nhưng không trọn vẹn. Vì phạm vào luật trời nên nàng tiên bị bắt về trời. Người chồng nhớ vợ khi chết đã hóa thành gốc cây rừng. Nàng tiên nhớ chồng xin chết và hóa thành hoa lan, gắn kết với gốc cây rừng. Để tiếp tục ngăn cách tình yêu của họ, nhà trời đã lập ra hòn cù lao giữa sông. Thế nhưng, trong những trận chiến giữa người người Mạ và người Chăm, hòn cù lao này bị phá đi.
Ngày nay, thác Bến Cự vẫn còn, cảnh quan trong chuyện kể với thác hiện tại có một số điểm khác biệt nhưng người Mạ vẫn tin rằng, đó là nơi chốn linh thiêng. Nhiều du khách đến Vườn Quốc gia Cát Tiên, tham quan thác Bến Cự đều cho rằng, đây là điểm đến thú vị. Không chỉ thu hút du khách quốc tế, thác Bến Cự còn là điểm dừng chân của của nhiều học sinh, sinh viên Đồng Nai đến tìm hiểu, khám phá tự nhiên, lịch sử, văn hóa. Phong cảnh còn nét nguyên sơ, du khách yêu thích chụp ảnh sẽ thích thú lưu lại những bức ảnh cực đẹp, giữ làm kỷ niệm cho chuyến đi xa…
3. Sông Đồng Nai tính từ thượng nguồn có nhiều bậc với độ cao khác nhau làm nên những con thác, trong đó thác Trị An là thác cuối cùng. Ngay từ đầu thế kỷ 20, thác Trị An đã nổi tiếng, được nhiều người biết đến bởi vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ và đa dạng. Thác rộng khoảng 300m, 2 bên là vách đá xám cao phủ bì thực vật cao từ 30-50m. Bên bờ thác có một hòn đá được gọi tên là hòn Vọng Phu.
Thác Trị An gắn liền với nhiều chuyện tích dân gian thú vị, như chuyện về tình yêu giữa cô gái ở thượng nguồn với chàng trai miệt hạ đầy trắc trở bởi sự ràng buộc của những luật tục; hay chuyện chàng dũng sĩ diệt thú dữ cứu công chúa và dân làng thoát chết. Công chúa xin cưới chàng làm chồng. Nhưng vì sự nghi ngờ của vua cha, chàng bị bắt giữ và xử tội chết. Công chúa ngày đêm khóc than chồng cũng bị bức tử theo. Nàng chết đi biến thành tượng đá đứng bên bờ thác.
Du khách đến thác Trị An hôm nay vào mùa hồ tích nước chỉ nhìn thấy những phiến đá trơ trọi và một đoạn lòng sông cạn. Hồ nước rộng với nhiều mỏm đá lớn nhỏ ngày xưa chưa bị ngập hết, nay được gọi là đảo. Những hòn đảo nằm tách biệt hẳn với nhịp sống đô thị, ở đó chủ yếu sử dụng điện năng lượng mặt trời. Với không gian sống đậm chất “quê” với hệ sinh thủy phong phú, phong cảnh “sơn thủy hữu tình”, đảo ở Trị An, đặc biệt là Đảo Ó - Đồng Trường thu hút du khách đến khám phá và thưởng ngoạn. Trên đảo, nhiều mái lều gỗ được dựng lên đều tăm tắp, mặt hướng ra hồ, cảnh sắc hoang sơ hòa quyện với cây xanh dưới thảm nắng vàng. Ở không gian này, thậm chí có thể nghe được tiếng cá nhảy, chim hót hay tiếng sóng gợn lăn tăn trên mặt hồ.
Thanh Thanh

 

Atlas tỉnh Đồng Nai

Cổng TTĐT Chính phủ

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang