Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Cục Thống kê Đồng Nai vừa ra Thông cáo báo chí Tình hình kinh tế xã hội tỉnh Đồng Nai 6 tháng đầu năm 2023

Ngày 29/6/2023, Cục Thống kê Đồng Nai ra Thông cáo báo chí Tình hình kinh tế xã hội tỉnh Đồng Nai  6 tháng đầu năm 2023.​

Thông cáo báo chí của Cục Thống kê Đồng Nai thể hiện nội dung sau: 

"Bước vào đầu năm 2023, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo, các cấp, các ngành thực hiện quyết liệt các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về thực hiện các giải pháp phục hồi phát triển kinh tế xã hội. Đặc biệtNghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023. Các cấp, các ngành, doanh nghiệp đã tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân và bảo đảm an sinh xã hội. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và người lao động thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm, đẩy mạnh sản xuất, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ kế hoạch năm 2023 đã đề ra. Tuy nhiên 6 tháng đầu năm 2023, tình hình sản xuất kinh doanh của cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nói riêng đang gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng kinh tế thế giới, lạm phát tăng cao, các nước thắt chặt chi tiêu, doanh nghiệp thiếu đơn hàng sản xuất, thị trường xuất khẩu sụt giảm mạnh, tiêu thụ sản phẩm khó khăn, công nhân thiếu việc làm, thu nhập giảm vì vậy ảnh hưởng lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh v.v... Dự ước tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2023 như sau:

I. Tình hình kinh tế

1. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP)

Tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2023 (theo giá so sánh 2010) ước đạt 115.948,53 tỷ đồng, tăng 4,01% so với cùng kỳ (1), mức tăng trưởng thấp hơn nhiều so với mục tiêu cả năm (Mục tiêu cả năm 2023 từ 7,5-8,5%). Trong đó: Khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,62%; Công nghiệp - xây dựng tăng 3,14% (trong đó công nghiệp tăng 2,28%); Dịch vụ tăng 6,9% và Thuế sản phẩm tăng 2,13%, trong đó quý I tăng 3,15%; quý 2 tăng 4,79%. Mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2023 tăng thấp hơn rất nhiều so với mức tăng 6 tháng đầu năm 2022 (6T/2022 tăng 5,66%). Các khu vực kinh tế đều có mức tăng trưởng tuy nhiên mức tăng trưởng của khu vực công nghiệp, xây dựng rất thấp, tăng 3,14% (ngành công nghiệp chỉ tăng 2,28%; xây dựng tăng 15,27%), trong khi khu vực này chiếm cơ cấu xấp xỉ 60% GRDP nên ảnh hưởng mức tăng trưởng chung; điểm sáng trong 6 tháng đầu năm nay là khu vực dịch vụ đạt mức tăng trưởng khá (6,9%) đã góp phần quan trọng vào mức tăng trưởng chung 4,01%. Tuy nhiên trong điều kiện hết sức khó khăn trong 6 tháng đầu năm đạt được mức tăng trưởng như trên là kết quả tích cực. Nguyên nhân đạt kết quả như trên: Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quyết liệt tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện kế hoạch hành động để thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục khó khăn, duy trì sản xuất kinh doanh; Thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính Phủ về nhiệm vụ giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 68/2022/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023. Cùng với đó, sự ủng hộ của nhân dân và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp khắc phục khó khăn trong giai đoạn chịu ảnh hưởng xấu của kinh tế thế giới, khai thác tối đa thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước để tiêu thụ sản phẩm, mặt khác các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh đã phát huy tác dụng, hiệu quả, tạo động lực khôi phục phát triển kinh tế.

2. Sản xuất công nghiệp

Sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 còn gặp nhiều khó khăn do: Ảnh hưởng xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraina kéo dài, tình hình lạm phát, giá cả vật tư hàng hóa, nhiên liệu, vật liệu vẫn ở mức cao… từ đó đã tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.Đơn hàng sản xuất của các doanh nghiệp bị sụt giảm mạnh, tình trạng thiếu việc làm diễn ra ở các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc các ngành giày da, may mặc, dệt, sản xuất sản phẩm gỗ, điện tử,… bên cạnh đó, giá điện tăng tạo thêm áp lực về chi phí sản xuất cho các doanh nghiệp.Do vậy, dự ước chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 có mức tăng rất thấp so với cùng kỳ.

- Dự ước chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng năm 2023 tăng 3,01% so cùng kỳ đây là mức tăng thấp nhất so với 6 tháng của nhiều năm qua, trong đó ngành khai khoáng tăng 4,02%; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,3%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước giảm 2,6%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước tăng 3%.Các ngành sản xuất công nghiệp hầu hết tăng thấp so cùng kỳ: Chế biến thực phẩm, đồ uống, Dệt; Sản xuất trang phục; Sản xuất da và các sản phẩm liên quan; Sản phẩm kim loại, sản xuất máy móc thiết bị.v.v. đây là những ngành công nghiệp chủ lực gặp khó khăn nên ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả hoạt động chung của toàn ngành. Dự báo tình hình sản xuất công nghiệp những tháng cuối năm 2023 còn tiếp tục gặp khó khăn lớn, chưa có dấu hiệu khả quan hơn.

Một số ngành công nghiệp chủ lực có chỉ số sản xuất 6 tháng đầu năm đạt mức tăng so cùng kỳ như: Sản xuất đồ uống tăng 4,17%, Sản xuất chế biến thực phẩm 5,39%; May mặc tăng 4,5%; sản xuất hóa chất tăng 3,39%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 6,22%.v.v…một số ngành sản xuất khác như: sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 5,26%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 2,7%; sản xuất kim loại đúc sẵn tăng 2,76%; sản xuất thiết bị điện tăng 3%, sản xuất máy móc thiết bị chưa phân vào đâu tăng 4,58%.v.v… Tuy nhiên mức tăng trưởng của các ngành 6 tháng thấp hơn rất nhiều so với các năm trước. Dự 6 tháng có 23/27 ngành sản xuất chỉ số tăng tuy nhiên mức tăng thấp. Một số ngành tăng trưởng thấp hoặc giảm so cùng kỳ như: Sản xuất điện tử, máy tính (-3,27%); Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế (-5,66%); Sản xuất Giày da (+1,46%); Sản xuất dệt (+ 2,98%)…

3. Hoạt động xây dựng

Dự ướcgiá trị sản xuất xây dựng trên địa bàn6 tháng đầu năm 2023 (theo giá hiện hành) đạt 31.670,6 tỷ đồng, tăng 17,81% so cùng kỳ. Trong đó: Doanh nghiệp nhà nước đạt 93,06 tỷ đồng, giảm 32.72%; doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt 21.805,89 tỷ đồng, tăng 18,46%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 2.137,4 tỷ đồng, tăng 1,93%; Loại hình khác đạt 7.634,3 tỷ đồng, tăng 22,33%.Nguyên nhân tăng khá là hiện nay việc đầu tư các công trình trọng điểm như dự án Sân bay Long Thành, các tuyến đường cao tốc, cầu, cải tạo, sửa chữa nâng cấp và xây mới nhà xưởng sản xuất, nhà để kinh doanh, bệnh viện, trạm y tế, trường học, công trình nhà đa năng, trung tâm hội nghị, trụ sở làm việc, nhà ở dân cư v.v…

4. Sản xuất Nông - Lâm nghiệp và thủy sản

Sáu tháng đầu năm 2023, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tương đối ổn định, thuận lợi về thời tiết, tiến độ gieo trồng vụ Hè Thu đạt khá, sản lượng thu hoạch và năng suất cây trồng vụ Đông Xuân tăng so cùng kỳ; Công tác tái đàn đối với con heo ở nhiều hộ và trang trại chăn nuôi lớn đang có chuyển biến tích cực do giá heo hơi liên tục tăng, dịch bệnh và kiểm dịch được kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên do giá xăng dầu, giá vật tư nông nghiệp, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… tăng cao, đặc biệt là thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm tăng cao, làm cho giá thành sản phẩm hàng hóa nông sản tăng nên người sản xuất nông nghiệp chưa có lãi nhiều. Hoạt động lâm nghiệp và thủy sản phát triển ổn định, sản lượng đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ.

Dự ước giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản (giá so sánh 2010) 6 tháng đầu năm 2023ước đạt 23.849,6 tỷ đồng, tăng 3,65% so cùng kỳ. Trong đó: Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 21.794,4 tỷ đồng, tăng 3,67% (trồng trọt tăng 1,59%; chăn nuôi tăng 4,75%; dịch vụ tăng 1,87%); Giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 804,5 tỷ đồng, tăng 1,7%; Giá trị sản xuất thủy sản đạt 1.250,8 tỷ đồng, tăng 4,47%.

a. Lĩnh vực trồng trọt

Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm tính đến ngày 15/6/2023 đạt 88.411,24 ha, giảm 308,97 ha (-0,35%) so cùng kỳ, nguyên nhân diện tích gieo trồng giảm do một số diện tích thu hoạch vụ Mùa chậm nên người dân chưa chuẩn bị các khâu làm đất để xuống giống, một số chân ruộng lúa cao không đủ nước để gieo trồng, hơn nữa hiện nay hầu hết diện tích gieo trồng có xu hướng giảm dần do công tác quy hoạch, xây dựng, cho thuê v.v…

Dự ước năng suất lúa đạt 66,45 tạ/ha, tăng 0,87%; bắp đạt89 tạ/ha, giảm 1,22%; khoai lang đạt 112,46 tạ/ha, tăng 0,02%; rau các loại đạt 168,71 tạ/ha, tăng 5,22%; đậu các loại đạt 14,3 tạ/ha, tăng 3,41%. Năng suất cây trồng tăng là do người dân xuống giống đúng vụ, chủ động nguồn nước tưới, thực hiện tốt khâu chăm bón, phòng chống dịch bệnh nên ít bị thiệt hại.

Dự ước sản lượng thu hoạch 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ như sau: Lúa đạt 101.489 tấn, tăng 0,93%; Bắp đạt 84.079 tấn, giảm 1,3%; Khoai lang đạt 708,5 tấn, giảm 8,41%; Đậu tương đạt 251,73 tấn, tăng 6,56%; Đậu phộng là 794,96 tấn, giảm 15,88%; Rau các loại đạt 96.461 tấn, tăng 2,62%; Đậu các loại đạt 1.656,75 tấn, tăng 9,1% so cùng kỳ

Tổng diện tích cây lâu năm hiện có là 169.907 ha, tăng 0,09% so cùng kỳ, trong đó:Diện tích cây công nghiệp lâu năm là 93.166 ha, chiếm 54,83% so với tổng diện tích, giảm 0,29%; Diện tích cây ăn quả là 76.741 ha, chiếm 45,17% tổng điện tích, tăng 0,57% so với cùng kỳ.Nguyên nhân diện tích cây ăn quả tăng là do giá bán khá ổn định như xoài, chuối, bưởi, quýt, sầu riêng và có thuận lợi là phù hợp với thổ nhưỡng đất nên người dân chuyển đổi sang trồng cây ăn quả do đạt hiệu quả kinh tế cao.

Dự ước sản lượng thu hoạch một số loại cây trồng chính trong 6 tháng đầu năm 2023 như sau: Xoài đạt 59.713 tấn, tăng 0,8%; Chuối đạt 90.442 tấn, tăng 16,64%; Thanh long đạt 4.425 tấn, tăng 2,31%; Cam đạt 4.145 tấn, giảm 10,2%; Bưởi 29.279 tấn, tăng 17,47%; Chôm chôm 104.039 tấn, giảm 0,31%; Điều đạt 39.481 tấn, giảm3,88%; Hồ tiêu đạt 27.833 tấn, giảm 1,38%; Cao su đạt 14.097 tấn, tăng 6,18% so cùng kỳ.

b. Hoạt động chăn nuôi

Hoạt động chăn nuôi 6 tháng đầu năm phát triển ổn định, dịch bệnh trên đối tượng vật nuôi được kiểm soát tốt. Ngành chăn nuôi triển khai các giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học, phòng chống dịch bệnh góp phần tái đàn có hiệu quả. Công tác kiểm dịch và kiểm soát giết mổ, phúc kiểm động vật được kiểm tra chặt chẽ tại các chốt, các cơ sở giết mổ.

Tổng đàn gia súc có đến thời điểm tháng 6/2023 là 2.791.883 con, tăng 0,32% so cùng kỳ Trong đó: Đàn trâu đạt 3.988 con, tăng 2,39%; Bò đạt 93.827 con, tăng 4,36%; Đàn heo đạt 2.694.068con (không tính heo con chưa tách mẹ), tăng 0,19% so cùng kỳ. Nguyên nhân đàn heo tăng do các đơn vị chăn nuôi có quy mô vừa và lớn có đủ điều kiện an toàn đảm bảo công tác tái đàn, đặc biệt các doanh nghiệp Nhà nước, đầu tư nước ngoài có quy trình đầu tư khép kín do chủ động được các khâu như con giống, thức ăn, chuồng trại, công tác phòng chống dịch và bảo đảm được đầu ra sản phẩm nên số heo ở các đơn vị này tăng.

Tổng đàn gia cầm hiệncó là 27.761,53 nghìn con, tăng 1,32% so cùng kỳ, trong đó gà đạt 25.506,7 nghìn con, tăng 1,61%. Nguyên nhân đàn gà tăng do thị trường tiêu thụ ổn định, giá cả hợp lý, dịch bệnh không phát sinh, nên các trang trại đã chủ động tăng đàn, mở rộng quy mô chăn nuôi; So với các loại vật nuôi khác, chăn nuôi gà có lợi thế về hiệu quả kinh tế do vòng quay ngắn, hệ số nhân đàn nhanh.

- Sản lượng sản phẩm:Dự ước sản lượng sản phẩm chăn nuôi gia súc, gia cầm tăng so cùng kỳ như sau: Sản lượng thịt trâu 6 tháng đầu năm đạt 136,81 tấn, tăng 17,62%; Sản lượng thịt bò đạt 2.508,72 tấn, tăng 10,92% so cùng kỳ; Sản lượng thịt heo trong đạt 242.111,32 tấn, tăng 3,58% so cùng kỳ; Sản lượng thịt gia cầm 6 tháng đầu năm ước đạt 98.937,8 tấn, tăng 8,75%, trong đó thịt gà 86.703,25 tấn, tăng 8,73%; Sản lượng trứng gia cầm ước đạt 682.338,9 nghìn quả, tăng 2,62% so cùng kỳ.

c. Hoạt động thủy sản:

Sản xuất thủy sản trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2023 tương đối thuận lợi, người nuôi trồng thủy sản đã chú trọng đến đầu tư thâm canh tăng năng suất để đạt hiệu quả kinh tế cao. Công tác phòng chống dịch bệnh tốt, nhất là kiểm soát được nguồn thức ăn, con giống; giá tiêu thụ sản phẩm thủy sản trên thị trường xã hội ít biến động; hộ nuôi trồng thu hoạch bán có lợi nhuận. Các hộ nuôi trồng thủy sản chủ động cải thiện đầu tư ao, hồ, con giống vật nuôi, thay đổi cách nuôi nhằm giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế đặc biệt là các loại thủy sản có giá bán ổn định và thị trường tiêu thụ tốt như tôm sú, cá chép, cá mè... Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả như:

nuôi thủy sản trong lồng, bè, hồ chứa; nuôi thủy sản theo mô hình VAC với các loài thủy sản kinh tế cao như cá lăng, cá lóc, cá diêu hồng…

Ước tính tổng sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 35.332,25 tấn, tăng 4,39% so cùng kỳ. Trong đó: Sản lượng cá ước đạt 28.295,83 tấn, tăng 4,25%; Sản lượng tôm đạt 5.709,59 tấn, tăng 5,63%; Sản lượng thủy sản khác đạt 1.326,83 tấn, tăng 2,09%.

5. Thương mại, giá cả, vận tải và du lịch

Sáu tháng đầu năm 2023 các hoạt động thương mại dịch vụ trên địa bàn trong bối cảnh kinh tế dần hồi phục sau đại dịch và sức mua dần tăng trở lại, doanh thu bán lẻ và dịch vụ tăng, giá các mặt hàng thiết yếu không có biến động nhiều, nguồn cung rau, quả và thực phẩm dồi dào, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Các đơn vị kinh doanh tiếp tục mở rộng thị trường giao thương hàng hóa. Các cửa hàng, hệ thống siêu thị, cửa hàng điện máy, siêu thị tiện ích triển khai kích cầu tiêu dùng bằng nhiều hình thức như giảm giá, khuyến mãi các mặt hàng tiêu dùng. Tuy nhiên chịu ảnh hưởng từ các yếu tố như: kinh tế thế giới, trong khu vực và nước ta tăng trưởng chậm lại; sản xuất công nghiệp còn gặp khó khăn do thiếu đơn hàng; giá nguyên liệu trên thị trường thế giới, chi phí vận tải, tiền thuê nhân công, các khâu logistics vẫn ở mức cao, trong khi sức mua trên thị trường sụt giảm do người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, tập trung mua sắm các mặt hàng thiết yếu đảm bảo đời sống hàng ngày, phù hợp với tình hình tài chính, chi tiêu của gia đình…

a. Tổng mức bán lẻ hàng hóa:

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 127.330,07 tỷ đồng, tăng 14,29% so cùng kỳ, trong đó doanh thu bán lẻ ước đạt 92.875,62 tỷ đồng, tăng 11,38% so với cùng kỳ năm trước. Một số nhóm hàng có mức tăng cao hơn mức tăng chung đó là hàng may mặc tăng 44,43%; Đồ dùng, dụng cụ, thiết bị gia đình tăng 14,01%; Vật phẩm, văn hóa, giáo dục tăng 23,7%; xăng dầu các loại tăng 11,48%;... Nguyên nhân so với cùng kỳ tăng khá là do 6 tháng đầu năm 2022 mặc dù tình hình dịch bệnh đã được khống chế và kiểm soát nhưng với tâm lý còn lo sợ dịch bệnh của người dân nên nhiều hoạt động vẫn chưa trở lại bình thường như thời điểm trước dịch làm cho doanh thu một số ngành dịch vụ đạt rất thấp. Do đó bước sang năm nay các hoạt động bình thường, ổn định lại nên tăng cao. Bên cạnh đó ngành Công Thương tỉnh tiếp tục triển khai kịp thời và hiệu quả các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước thông qua: Kích thích tiêu dùng; đẩy mạnh áp dụng thương mại điện tử trong hoạt động lưu thông, phân phối hàng hóa, tập trung phát triển thị trường nội địa, mở rộng mạng lưới phân phối bán buôn, bán lẻ và đa dạng nhiều hình thức, hàng hóa, dịch vụ… đã góp phần tăng doanh thu ngành thương mại, dịch vụ trên địa bàn.

Doanh thu lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành:

Dự ước doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 6 tháng năm 2023 ước đạt 12.281,28 tỷ đồng, tăng 22,96% so cùng kỳ, trong đó: Doanh thu lưu trú tăng 66,7%; Doanh thu dịch vụ ăn uống tăng 22,59%.

Doanh thu du lịch lữ hành 6 tháng ước đạt 33,2 tỷ đồng, tăng 233,15% so cùng kỳ. Nguyên nhân tăng cao do cùng kỳ năm trước thời điểm ngành du lịch còn gặp khó khăn do dịch Covid-19 mới được kiểm soát, các cơ sở kinh doanh du lịch bắt đầu tổ chức trở lại để phục vụ nhu cầu du lịch người dân. Bước sang năm 2023 ngành du lịch được khôi phục và phát triển, trong đó Nghị quyết số 04 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng, du lịch Đồng Nai đã có những bước phục hồi và phát triển,...

Doanh thu dịch vụ khác: Dự ước 6 tháng ước đạt 22.139,97 tỷ đồng, tăng 22,85% so cùng kỳ. Hoạt động dịch vụ 6 tháng có mức tăng khá cao do 6 tháng đầu năm 2022 còn ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hoạt động cầm chừng, bước sang năm 2023 hoạt động ổn định trở lại nên tăng khá.

b. Giá cả thị trường

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6/2023 tăng 0,13% so với tháng trước; so với tháng 12 năm trước tăng 0,68%;

Chỉ số giá tiêu dùng các tháng từ đầu năm đến nay so với cùng kỳ năm trước có xu hướng giảm dần. Trong đó, CPI tháng Một tăng cao nhất với 4,53%, tháng Hai tăng 4,03%, tháng Ba tăng 4,03%, tháng Tư tăng 1,76%, tháng Năm tăng 1,28% và đến tháng Sáu mức tăng còn 0,83%. Nguyên nhân chủ yếu do giá xăng dầu trong nước giảm theo giá thế giới làm cho chỉ số giá nhóm giao thông so với cùng kỳ năm trước liên tục giảm. Tính chung bình quân 6 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 2,45% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó có 09 nhóm hàng hoá tăng giá, tăng cao nhất nhóm Giáo dục (+11,17%); Văn hoá, giải trí và du lịch(+9,17%); Hàng ăn và dịch vụ ăn uống(+3,89%); Đồ uống và thuốc lá(+3,26%); Đồ dùng và dịch vụ khác (+2,81%); Thiết bị và đồ dùng gia đình(+3,01%); Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (+1,1%); May mặc, mũ nón và giày dép (+0,79%); Thuốc và dịch vụ y tế (+0,31%). Có 02 nhóm chỉ số giá giảm là giao thông giảm 5,43%; bưu chính viễn thông giảm 0,38%;

+ Giá vàng bình quân 6 tháng năm 2023 giảm 0,12% so với cùng kỳ; + Giá Đô la Mỹ bình quân 6 tháng năm 2023 tăng 1,49% so cùng kỳ.

c. Xuất, nhập khẩu hàng hóa

Hoạt động xuất, nhập khẩu 6 tháng năm 2023 còn gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu do tổng cầu trên thế giới giảm, nhất là là đối với hàng hoá tiêu dùng không thiết yếu, hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm, các ngành hàng như dệt may, da giày, gỗ,… với thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, EU... có mức sụt giảm đơn hàng nhiều nhất… Trước khó khăn đó các doanh nghiệp xuất khẩu bên cạnh việc tiếp tục duy trì và đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp khác tại các thị trường xuất khẩu chủ lực, chú trọng khai thác thị trường nội địa và tận dụng Hiệp định thương mại tự do (FTA) tìm kiếm thị trường mới v.v… nên xuất khẩu trong tháng 6/2023 có tín hiệu khả quan hơn so với các tháng vừa qua. Tuy nhiên 6 tháng đầu năm xuất khẩu đạt kết quả thấp.

- Kim ngạch xuất khẩu: Dự ước 6 tháng đầu năm 2023đạt 10.465,03 triệu USD, giảm 19% so cùng kỳ. Trong đó: kinh tế nhà nước giảm 22,8%; kinh tế ngoài nhà nước giảm 14,06%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài giảm 20,5%. Nguyên nhân kim ngạch xuất khẩu giảm so cùng kỳ do tình hình kinh tế thế giới phục hồi chậm cùng với các chính sách thắt chặt tiền tệ, sức mua tại các thị trường lớn như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... đều giảm khiến khối lượng đơn đặt hàng giảm; các doanh nghiệp xuất khẩu thiếu hụt đơn hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng không thiết yếu như: Sản xuất đồ gỗ, giày da, hàng may mặc…., thị trường xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2023 tập trung chủ yếu ở các nước: Hoa Kỳ đạt 2.872,1 triệu USD, giảm 31,8% so cùng kỳ và chiếm 24,61%; Nhật Bản đạt 1.083,5 triệu USD, giảm 9,82%, chiếm 11,41%; Trung Quốc đạt 1.042,23 triệu USD, giảm 6,13%, chiếm 10,58%; Hàn Quốc ước đạt 596,4 triệu USD, giảm 18,07%; chiếm 6,45%...

- Kim ngạch nhập khẩu: Dự ước 6 tháng đầu năm 2023 đạt đạt 7.808,54 triệu USD, giảm 22,87% so cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu 6 tháng tăng thấp so cùng kỳ, do thị trường xuất khẩu giảm, doanh nghiệp hạn chế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu, bên cạnh đó giá cả nhiều mặt hàng trên thế giới có xu hướng tăng và đang ở mức cao, kèm theo các khoản chi phí cao, nên doanh nghiệp cân nhắc, tính toán chỉ nhập nguồn nguyên vật liệu cần thiết để sản xuất, đồng thời cũng tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước để giảm bớt chi phí.

Cán cân thương mại 6 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh đạt mức xuất siêu 2.656,5triệu USD, bình quân mỗi tháng xuất siêu trên 443 triệu USD.

d. Hoạt động giao thông vận tải.

Hoạt động vận tải 6 tháng đầu năm 2023, đã phục hồi và tăng trưởng khá; bên cạnh đó trên địa bàn tỉnh hiện nay đang có nhiều dự án xây dựng trọng điểm quốc gia đang tập trung triển khai thực hiện để hoàn thành kế hoạch năm, nên nhu cầu vận chuyển vật liệu xây dựng tăng cao. Ngoài ra, trong quý II bước vào mùa cao điểm du lịch, nên nhu cầu đi lại tăng cao, đặc biệt dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5... làm cho doanh thu dịch vụ vận tải hành khách tăng.

- Doanh thu hoạt động vận tải 6 tháng đầu năm 2023ước đạt 15.130,18 tỷ đồng, tăng 31,37% so cùng kỳ. Trong đó: doanh thu vận tải hành khách ước đạt 2.089,22 tỷ đồng, tăng 106,89%; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 8.414,98 tỷ đồng, tăng 26,69%; doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 4.625,97 tỷ đồng, tăng 20,5% so cùng kỳ.

- Sản lượng vận chuyển hành khách 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 37,4 triệu lượt khách, tăng 51,89% so cùng kỳ. Luân chuyển hành khách ước đạt 2.209,2 triệu HK.km tăng 74,24% so với cùng kỳ năm 2022. Sản lượng vận chuyển hàng hóa ước đạt đạt 37,76 triệu tấn, tăng 18,07% so với cùng kỳ. Luân chuyển hàng hóa ước đạt hơn 3.210,1 triệu tấn.km, tăng 18,57% so với cùng kỳ. Đây là tín hiệu tốt của ngành vận tải hàng hóa vẫn duy trì được doanh thu và sản lượng.

6. Đầu tư phát triển

Dự ước 6 tháng đầu năm 2023 tổng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn tỉnh thực hiện 50.126 tỷ đồng, tăng 10,24% so cùng kỳ, trong đó vốn khu vực nhà nước đạt 4.078,7 tỷ đồng, tăng 21,55%; vốn ngoài nhà nước đạt 22.305,1 tỷ đồng, tăng 6,75%; vốn đầu tư nước ngoài đạt 22.179,8 tỷ đồng, tăng 10,49%. Nguyên nhân nguồn vốn đầu tư tăng mặc dù trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế, sản xuất kinh doanh gặp khó khăn nhưng một số doanh nghiệp đầu tư mở rộng nhà xưởng và đầu tư sữa chữa, mua sắm tài sản cố định. Đặc biệt khu vực kinh tế ngoài nhà nước năng động, có tiềm lực phát triển nhanh, nguồn vốn đầu tư thực hiện của khu vực này tăng trưởng trong những năm gần đây, giúp nâng cao năng lực nội sinh của sự phát triển nền kinh tế. Các doanh nghiệp ngoài nhà nước luôn năng động trong việc đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài dự ước 6 tháng đầu năm tăng cao (+10,49%) do nhiều dự án khởi công xây dựng, mặt khác các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất, tăng qui mô năng lực sản xuất.

7. Thu hút đầu tư

Đến ngày 20/6/2023, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI)đạt khoảng 623,21 triệu USD, tăng gần 02 lần so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2022 đạt 321,34 triệu USD), trong đó: cấp mới 33 dự án với tổng vốn đăng ký 108,77 triệu USD (so với cùng kỳ năm 2022, tăng 10% về vốn đăng ký cấp mới) và 44 dự án tăng vốn với tổng vốn bổ sung 514,45 triệu USD (so với cùng kỳ năm 2022, tăng hơn 02 lần về vốn bổ sung). Lũy kế đến ngày 15/6/2023, số dự án còn hiệu lực là 1.588 dự án với số vốn 33,81 tỷ USD.

Thu hút đầu tư trong nước tính từ đầu năm đến ngày 20/6/2023 (chưa bao gồm các dự án trúng đấu giá, đấu thầu) đạt khoảng 2.288,2 tỷ đồng, gấp 4,18 lần so với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 đạt 546,6 tỷ đồng). Trong đó: cấp mới 13 dự án với tổng vốn đăng ký là 1.538,63 tỷ đồng. Lũy kế đến ngày 15/6/2023, số dự án còn hiệu lực là 1.088 dự án với số vốn hơn 310.266 tỷ đồng.

Tổng vốn đăng ký thành lập mới doanh nghiệp và bổ sung tăng vốn đến ngày 15/6/2023 là 24.791,4 tỷ đồng, bằng 66,11% so với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 là 37.499,6 tỷ đồng). Trong đó, có 1.743 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký khoảng 11.546,2 tỷ đồng và 598 doanh nghiệp đăng ký tăng vốn với số vốn bổ sung khoảng 13.245,2 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2022, bằng 80,7% về số lượng doanh nghiệp thành lập mới và bằng 91,7% về số vốn thành lập mới.

II. Một số tình hình xã hội

Sáu tháng đầu năm 2023 toàn ngành văn hóa thông tin tập trung các nhiệm vụ cổ động trực quan kỷ niệm các ngày lễ, phục vụ các nhiệm vụ chính trị của đất nước của tỉnh bằng nhiều hình thức. Tổ chức Hội thi Tuyên truyền lưu động tỉnh Đồng Nai năm 2023 với sự tham gia đầy đủ của 11/11 đơn vị Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao các huyện, thành phố... Nhà hát nghệ thuật Đồng Nai biểu diễn phục vụ các nhiệm vụ chính trị trên địa bàn tỉnh.

- Hoạt động thể dục thể thao:6 tháng đầu năm 2023 các hoạt động thể dục thể thao trên địa bàn đạt thành tích khá ở một số môn: Giải Quốc tế: Đại hội Thể thao Đông Nam Á (Sea Games 32); đạt 09 huy chương (03 HCV, 06 HCB); tham gia Đại hội Thể thao Người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 12, tham gia 03 giải, tổng số huy chương quốc tế đạt đượctrong tháng 6 là 18 huy chương các loại (05 HCV, 10 HCB, 03 HCĐ);Giải quốc gia: Tham gia 10 giải, đạt 56 huy chương (15 HCV, 17 HCB, 24 HCĐ; Giải Cụm, mở rộng: tham gia 02 giải, đạt 12 huy chương các loại (03 HCV, 01 HCB, 08 HCĐ).

Hoạt động Giáo dục:

- Tổ chức thi, chấm thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023-2024; Công bố kết quả thi, duyệt điểm chuẩn vào lớp 10 các trường thi tuyển. Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm nay đảm bảo an ninh, an toàn, đánh giá công bằng, khách quan, toàn diện và chất lượng giáo dục THCS trên địa bàn.

- Công tác chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023: Hiện có 33.263 thí sinh đăng ký dự thi (tăng 2000 thí sinh so với năm trước) trong đó có 26.009 thí sinh hệ THPT và 7.254 thí sinh hệ giáo dục thường xuyên, bố trí 1.408 phòng thi với 60 điểm thi.

Hoạt động Y tế:

* Tình hình dịch bệnh Covid - 19 trên địa bàn tỉnh cơ bản kiểm soát tốt, số ca mắc mới trong tháng giảm nhiều so với tháng trước. Các ca nhiễm đều được giám sát, xử lý kịp thời đúng quy định, không lây lan thành ổ dịch lớn. Từ đầu năm 2023 đến nay, ghi nhận tổng số 2.488 ca mắc mới; ghi nhận ca 02 ca tử vong.

Số ca mắc tay chân miệng 6 tháng năm 2023 là 857 ca, giảm 68,02% so với cùng kỳ, không ghi nhận ca tử vong. Sốt xuất huyết có 1.456 ca, giảm 61,74% so cùng kỳ. Một số dịch bệnh khác như: Sởi, tả, thương hàn, cúm, uốn ván… trong tháng không ghi nhận trường hợp mắc.

Giải quyết việc làm: Sáu tháng đầu năm giải quyết việc làm cho cho 40.426 lượt lao động, đạt 50,53% so với kế hoạch (40.426/80.000), giảm 4,41% so với cùng kỳ năm 2022. Tư vấn và giới thiệu việc làm cho số lao động thất nghiệp 34.652 người, giảm 2,05% so với cùng kỳ năm trước; hỗ trợ học nghề cho 445 người, giảm 11,89% so với cùng kỳ năm trước.

Đào tạo nghề: Trong 6 tháng đầu năm 2023, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp địa bàn tỉnh tuyển mới đào tạo cho 37.190 học viên, đạt 51,65% so với kế hoạch (37.190/72.000). Số học viên các trường và Cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tốt nghiệp và có chứng chỉ có 34.225 học viên, đạt 52,25 % so với kế hoạch (37.190/72.000), tăng 4,81% so với cùng kỳ năm 2022.

Trên đây là một số nội dung chủ yếu về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Cục Thống kê xin được thông báo". 


Theo"thongke.dongnai.gov.vn"

Atlas tỉnh Đồng Nai

Cổng TTĐT Chính phủ

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang