Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Huy động các nguồn lực đầu tư cho hoạt động phòng chống thiên tai, nhất là trong khắc phục hậu quả

(CTT-Đồng Nai) - Sáng ngày 10-5, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi chủ trì tại điểm cầu tỉnh Đồng Nai.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi chủ trì tại điểm cầu tỉnh Đồng Nai
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi chủ trì tại điểm cầu tỉnh Đồng Nai

Năm 2023, nhiều thiên tai phạm vi ảnh hưởng lớn vượt mức lịch sử, gây thiệt hại rất nghiêm trọng về người và tài sản trên thế giới và khu vực. Tại Việt Nam xảy ra hơn 5,3 ngàn sự cố, thiên tai làm 1.129 người chết, mất tích. Thiệt hại về kinh tế ước tính trên 9,3 ngàn tỷ đồng.

Từ đầu năm 2024 đến nay, một số đợt thiên tai nghiêm trọng đã xảy ra trên cả nước như: rét đậm, rét hại tại khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ; hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở, sụt lún đất và ngập lụt do triều cường xảy ra tại đồng bằng sông Cửu Long; hạn hán khu vực Tây Nguyên; mưa lớn, dông lốc, sét, mưa đá ở khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ; nắng nóng vượt lịch sử. Trong 4 tháng đầu năm, thiên tai làm 14 người chết, mất tích, thiệt hại vật chất ước trên 399 tỷ đồng.

Riêng tại Đồng Nai, thiên tai đã làm 2 người chết, 1 căn nhà cấp 4 đổ xuống sông và 1 nhà kho bị sập, 85 căn nhà tốc mái, 84 căn nhà bị ngập, 189 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị cuốn trôi, thiệt hại gần 1,7 ngàn tấn cá; gần 1,3 ngàn hécta lúa, hoa màu và cây ăn trái bị ngập nước và hư hại, 149 ha ao cá bị ngập nước; đồng thời ngập lụt, gây ách tắc giao thông cục bộ tại một số tuyến đường trên địa bàn các huyện. Ước thiệt hại khoảng 38,6 tỷ đồng.

Trong 4 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra nắng nóng trên diện rộng. Theo đó, hơn 17,4 ngàn cây gỗ lớn rừng trồng tại rừng phòng hộ Xuân Lộc bị chết. Độ mặn cao nhất đo được ngoài sông Đồng Nai (đoạn qua phà Cát Lái) trong tháng 03/2024 từ 6,50/00 đến 10,2 0/00, tăng từ 2,3 0/00 đến 5,6 0/00 so với cùng kỳ năm 2023, tuy nhiên chưa ảnh hưởng nhiều đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân.

Trong năm 2023, tỉnh Đồng Nai đã thu Quỹ Phòng chống thiên tai được hơn 51 tỷ đồng, đạt 108% so với kế hoạch. Tổng nguồn chi khoảng 7,9 tỷ đồng cho các nội dung như: Chi hỗ trợ tu sửa khẩn cấp công trình phòng chống thiên; chi hỗ trợ thù lao cho lực lượng trực tiếp thu, các chi phí hành chính phát sinh liên quan đến công tác thu Quỹ hàng năm và chi hỗ trợ các nội dung liên quan khác. Năm 2023, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã hỗ trợ người dân bị thiệt hai do thiên tai gây ra, với tổng kinh phí 142 triệu đồng.

Dự báo tình hình thiên tai đến cuối năm 2024, xu hướng thời tiết nắng nóng chuyển sang lạnh, sự chuyển đổi mạnh mẽ, đột ngột này tăng nguy cơ mưa, gió lốc và bão lũ cuối năm. Thiên tai tiếp tục diễn ra bất thường và khốc liệt. Dự báo thời gian tới chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ nay đến hết tháng 5, thời tiết vẫn chịu tác động của El Nino nên nhiều nơi vẫn nắng nóng, nhất ở Tây Nguyên, miền Trung, cảnh báo về cháy rừng. Bắc bộ và Trung bộ xuất hiện mưa lớn, nguy cơ xảy ra lốc, sét, nhất là giai đoạn chuyển mùa, nguy cơ giông lốc, sét, mưa đá gây thiệt hại lớn. Dự báo năm 2024, có từ 12-13 cơn bão trên biển Đông, ảnh hưởng đất liền khoảng 7 cơn, tương đương mọi năm. Bão, lũ quét… sẽ tập trung vào những tháng cuối năm, nguy cơ mưa to kết hợp bão lũ sẽ gây thiệt hại lớn.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ghi nhận, biểu dương các kết quả của các bộ, ngành, địa phương đã đạt được trong công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Năm 2023, Việt Nam không có cơn bão nào đổ bộ vào đất liền nhưng thiên tai lại diễn biến bất thường như khô hạn kỷ lục trong mấy chục năm trở lại đây, tình trạng sạt lở, xâm nhập mặn gây thiệt hại rất lớn đến người dân. Công tác khắc phục hậu quả được thực hiện tốt. Trong đó, chất lượng dự báo khí tượng thủy văn năm qua có tiến bộ rất nhiều, đây là điều rất đáng mừng. Các bộ, ngành, địa phương cũng chủ động hơn trong công tác dự báo và ứng phó với thiên tai, góp phần giảm thiểu rất đáng kể thiệt hại do thiên tai gây ra.

Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại gồm: nhận thức về phòng chống thiên tai của người dân và ngay cả một số người có trách nhiệm vẫn còn chưa đồng bộ; công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc trước khi thiên tai xảy ra cũng có nhiều vấn đề cần chấn chỉnh. Một số quy định pháp luật về phòng chống thiên tai hiện còn chồng chéo hoặc đã quá cũ, không còn phù hợp với thực tế. Trên bình diện chung của cả nước, khả năng chống chịu với thiên tai của cơ sở hạ tầng còn hạn chế.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang có 9 nội dung cần làm trong thời gian tới: phải kiện toàn bộ máy theo Luật Phòng thủ dân sự là giao trách nhiệm thường trực cho lực lượng vũ trang, cho quân đội, đây là lực lượng phản ứng nhanh nhất, mạnh nhất, kịp thời nhất khi xảy ra tình huống xấu. Nhưng các ngành, các đơn vị phải làm tốt công tác quản lý, trách nhiệm của ngành mình. Sớm xây dựng Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Phòng thủ dân sự và các văn bản hướng dẫn dưới Luật để đảm bảo việc thi hành pháp luật và thúc đẩy công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn. Làm sao tổ chức mới hiệu quả hơn, nhanh hơn, mạnh hơn trong ứng phó thiên tai ngày càng khốc liệt. Đặc biệt, phải tăng cường truyền thông, thông tin để nâng cao nhận thức của mọi người, trước hết là những người có trách nhiệm rồi đến từng người dân. Trong đó, mạng xã hội hiện nay rất hiệu quả, kịp thời để thông tin đến rộng rãi người dân. Các bộ, ngành, địa phương phải rà soát, tính toán để xây dựng kịch bản phòng chống thiên tai hiệu quả nhất, phù hợp nhất. Mong cơ quan dự báo khí tượng thủy văn và các ngành liên quan tăng cường chất lượng dự báo kịp thời, chính xác nhất có thể. Năng lực điều hành của từng địa phương phải được nâng cao hơn. Đặc biệt người đứng đầu địa phương phải nâng cao trách nhiệm. Huy động các nguồn lực đầu tư cho hoạt động phòng chống thiên tai, nhất là trong khắc phục hậu quả thì nguồn kêu gọi ủng hộ ngoài xã hội là rất lớn. Mong các tổ chức quốc tế đồng hành với Việt Nam trong trao đổi thông tin, kinh nghiệm; hỗ trợ trong công tác dự báo, đào tạo nguồn nhân lực; quan tâm để có thêm nhiều dự án hỗ trợ không hoàn lại từ các tổ chức quốc tế.

Song Lê

Atlas tỉnh Đồng Nai

Cổng TTĐT Chính phủ

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang