Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Cựu chiến binh Điện Biên Phủ và kỷ niệm không quên

(CTT- Đồng Nai) Dù đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng khi nhắc về sự kiện cách đây 70 năm, các cựu chiến binh (CCB) Điện Biên Phủ vẫn nhớ rất rõ nhất là những kỷ niệm không bao giờ quên.
Hai CCB Ngô Thế Ngân, ngụ Long Thành và Lê Quang Tuyển, ngụ thành phố Biên Hòa là những người như thế.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh động viên, tặng quà CCB Ngô Thế Ngân.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh động viên, tặng quà CCB Ngô Thế Ngân.

*Nâng niu kỷ vật-tri ân quá khứ
CCB Lê Quang Tuyển (tự Vũ Quang Tuyển), 95 tuổi đời, gần 65 năm tuổi Đảng ngụ KP1, phường Tân Hiệp, thành phố Biên Hòa, vẫn nhớ rất rõ và luôn trân trọng, nâng niu những kỷ vật của một thời đạn bom khói lửa. Đó là tấm Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên cùng nhiều Huân, Huy chương các thời kỳ kháng chiến vẫn được cụ cất giữ cẩn thận như những báu vật minh chứng cho một thời “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” cùng đồng chí, đồng đội làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, trấn động địa cầu”.

22 tuổi ông Lê Quang Tuyển quê lúa Thái Bình nhập ngũ vào Trung đoàn 165, Đại đoàn 312- một trong những đại đoàn chủ lực của quân đội ta trực tiếp chiến đầu ở Điện Biên Phủ. Sau khóa đào tạo ngắn hạn tại Thanh Hóa, đầu tháng 1-1953, đơn vị ông được lệnh hành quân đi chiến dịch Điện Biên Phủ.

Quãng đường dài hơn 1 ngàn km từ Thanh Hóa lên Điện Biên chủ yếu là đi bộ vào ban đêm, tránh máy bay địch; còn ban ngày thì tản vào bản làng, nhà dân làm công tác dân vận, tuyên truyền đặc biệt. Khó khăn vất vả là thế nhưng với tinh thần “quyết chiến, quyết thắng” cùng lời dạy Bác Hồ dành cho các đơn vị quân đội ngày ấy là động lực để ông cùng đồng đội vượt qua, chiến thắng kẻ thù, góp phần vào thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ 70 năm trước.

“Mỗi lúc khó khăn, lời dạy: “Bộ đội ta chân sắt, mắt ngựa, bụng thần tiên” mà Bác Hồ trao tặng đơn vị trước ngày ra mặt trận là động lực để anh, em chúng tôi vượt khó, chiến thắng kẻ thù; góp phần cùng dân tộc làm nên thắng lợi 70 năm trước”, CCB Lê Quang Tuyển nói.

Ông Tuyển cho biết thêm, sau hành trình dài vượt qua bao gian khổ khó khăn, cùng mưa bom bão đạn của kẻ thù, ông Tuyển cùng đơn vị được bổ sung vào đợt 2 của chiến dịch từ 30-3-1954 đến ngày toàn thắng. Đợt tấn công thứ hai của quân ta vào tập đoàn cứ điểm diễn ra vô cùng ác liệt. Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, đơn vị của ông được lệnh vừa đánh bao vây công sự, vừa đào công sự đúng tinh thần “vây, lấn, tấn, phá, triệt, diệt” là phương pháp chiến thuật do bộ đội ta sáng tạo để thực hiện phương châm “đánh chắc, tiến chắc” (tức là bao vây, chia cắt đánh dần từng bước; tiêu diệt từng bộ phận sinh lực địch từ ngoại vi vào trung tâm. Đánh theo cách này ta có điều kiện tập trung binh, hỏa lực, ưu thế tuyệt đối trong từng trận, tạo nên sức mạnh áp đảo để thắng địch)…
Cựu chiến binh Lê Quang Tuyển cùng các con xem lại kỷ vật Điện Biên.
Cựu chiến binh Lê Quang Tuyển cùng các con xem lại kỷ vật Điện Biên.

*Xé toang hầm tướng giặc
Nếu CCB Lê Quang Tuyển luôn trân trọng tri ân quá khứ thì với CCB Ngô Thế Ngân, ngụ TT.Long Thành sẽ mãi không quên tiếng nổ lớn của khối bộc phá 1 ngàn kg xé toang hầm Đờ Cát. “Trong đời tôi chưa bao giờ nghe tiếng nổ lớn như thế! Chúng tôi được lệnh nằm xuống, ngửa người và há miệng để chờ tin”…là miêu tả trong câu chuyện kể của CCB Ngô Thế Ngân, , 95 tuổi đời, hơn 60 năm tuổi Đảng khi tả tiếng nổ của khối bộc phá 1 ngàn kg chiều 7-5-1954 báo hiệu sự toàn thắng của chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây 70 năm về trước.

Cụ Ngân kể lại, ông là chiến sĩ của Trung đoàn 44, bổ sung cho đợt cuối của chiến dịch Điện Biên Phủ, vừa phục vụ hậu chiến vừa dẫn giải tù hàng binh thực dân Pháp.
“Cảnh mà tôi nhớ mãi là dẫn giải tù binh trong thời tiết vừa mưa phùn, vừa nồm ẩm; tụi lính lê dương chúng không quen đi chân đất nên từng tốp lính cứ lò dò theo người điều hành áp giải tù binh và chúng run sợ chỉ lo bị bắn. Nhiều tên giặc khi vấp ngã hay trúng đạn vào bắp chân chúng khóc như đứa trẻ. Khi phải cho gạo vào ống bơ để nấu cơm trên củi, tụi lính xâm lược chỉ biết gào lên bởi chúng chưa bao giờ phải làm việc đó”, ông Ngân nói.

Kỷ niệm mà ông Ngân nhớ mãi trong cuộc chiến khốc liệt sau 56 ngày đêm gian khổ chính là tiếng nổ khối bộc phá 1 ngàn kg chiều 7-5, bắt sống tướng Đờ- Cat-xtơ-ri và bộ tham mưu tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

“ Ở đồi A1 tiếng nổ xé toang hầm địch, Đờ - Cat-xtơ-ri xin hàng. Lúc đó, anh em chúng tôi vui mừng, hò reo chiến thắng. Sau khi giải phóng Điện Biên, tôi cùng đơn vị còn ở lại dẫn giải tù binh và mừng thắng lợi cùng mừng sinh nhật Bác ngày 19-5-1954 rồi mới trở về”, CCB Ngô Thế Ngân kể.

Niềm vui thắng lợi của CCB Lê Quang Tuyển hay CCB Ngô Thế Ngân cùng nhiều chiến sĩ Điện Biên ngày ấy vẫn không giấu nổi cảm xúc hướng về đồng đội- những người đã hy sinh không kịp chứng kiến ngày vui đoàn tụ. CCB Ngô Thế Ngân cho rằng, hòa bình, độc lập phải trả bằng xương máu, bằng những gian lao, vất vả của dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong khi vận chuyển hàng hóa, lương thực, thực phẩm, súng đạn trên cung đường của “dốc Pha Đinh”; “đèo Lũng Lô” cao ngút.
Nam Anh

Atlas tỉnh Đồng Nai

Cổng TTĐT Chính phủ

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang