Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Tình hình Kinh tế - Xã hội tỉnh Đồng Nai tháng 8 năm 2023

(CTT-Đồng Nai) Ngày 31/8/2023,​​​ Cục Thống kê Đồng Nai thông báo tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai tháng 8 năm 2023 như sau: 

z4634721317350_cbdf6e0760132131474fac9348d1bee8.jpgQuyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức phát biểu tại cuộc họp thông qua các nội dung do UBND tỉnh trình HĐND tỉnh

I. KINH TẾ

1. Sản xuất công nghiệp

Tháng 8 tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục khó khăn như các tháng đầu năm, kinh tế thế giới chưa có dấu hiệu phục hồi rõ nét, đơn hàng sản xuất vẫn còn thiếu đặc biệt là các ngành sản xuất đồ gỗ, dệt may, da giày v.v… các doanh nghiệp đã nỗ lực tìm kiếm, khai thác thị trường tiêu thụ sản phẩm để duy trì sản xuất, vì vậy dự ước tháng 8 chỉ số sản xuất công nghiệp tăng nhẹ so tháng trước.

- Dự ước chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8/2023 tăng 0,68% so tháng trước, trong đó: Khai khoáng tăng 0,91%; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,15%; Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước giảm 30,05%; Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước tăng 1,35%.

- Dự ước chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng  năm 2023 tăng 4,02% so cùng kỳ đây là mức tăng thấp nhất so với 8 tháng của nhiều năm qua, trong đó ngành khai khoáng tăng 5,28%; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,6%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước giảm 30,3%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước tăng 6,43%; Dự ước 8 tháng năm 2023 có 24/27 ngành sản xuất công nghiệp tăng so cùng kỳ nhưng hầu hết tăng thấp: Ngành chế biến thực phẩm, đồ uống; Dệt; Sản xuất trang phục; Sản xuất da và các sản phẩm liên quan; Sản phẩm kim loại,  sản xuất máy móc thiết bị.v.v. đây là những ngành công nghiệp chủ lực gặp khó khăn tăng trưởng thấp nên ảnh hưởng không nhỏ đến chỉ số sản xuất toàn ngành. Dự báo tình hình sản xuất công nghiệp những tháng cuối năm 2023 còn tiếp tục gặp khó khăn, chưa có dấu hiệu khả quan hơn.

Một số ngành công nghiệp chủ lực có chỉ số sản xuất 8 tháng năm 2023 đạt mức tăng khá so cùng kỳ như: Sản xuất đồ uống tăng 5,07%, Chế biến thực phẩm tăng 6,19%; May mặc tăng 5,84%; sản xuất hóa chất tăng 4,41%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 7,72%.v.v…một số ngành sản xuất khác chỉ số sản xuất tăng như: sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 6,59%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 4,43%; sản xuất kim loại đúc sẵn tăng 5,34%; sản xuất thiết bị điện tăng 5,04%, sản xuất máy móc thiết bị chưa phân vào đâu tăng 5,4%.v.v… Tuy nhiên mức tăng trưởng của các ngành này  8 tháng năm nay thấp hơn rất nhiều so với các năm trước.

Một số ngành sản xuất dự ước chỉ số sản xuất 8 tháng  giảm so cùng kỳ như: Sản xuất điện tử, máy tính (-0,76%); Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế (-5,59%); Sản xuất và phân phối điện, khí đột, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí (-6,73%)… nguyên nhân giảm do ảnh hưởng nguyên liệu đầu vào tăng cao, sản phẩm tiêu thụ khó khăn do đơn hàng sản xuất giảm mạnh, đặc biệt ngành sản xuất giường tủ, bàn ghế nhiều doanh nghiệp từ đầu năm đến nay đơn hàng rất ít, chưa có đơn hàng mới nên chỉ số sản xuất giảm mạnh so cùng kỳ. Riêng ngành sản xuất phân phối điện sản lượng sản xuất giảm so cùng kỳ do kế hoạch sản xuất theo phân bổ của tập đoàn Điện lực Việt Nam năm nay giảm đáng kể, ngành sản xuất phân phối điện ở Đồng Nai chiếm tỷ trọng khá lớn nhưng ngành điện giảm đã ảnh hưởng đáng kể đến chỉ số sản xuất toàn ngành.

Chỉ số sản phẩm công nghiệp: Dự ước tháng 8 năm 2023 có 21/24 sản phẩm chủ yếu tăng so với tháng cùng kỳ năm trước như: Cà phê các loại đạt 37 ngàn tấn, tăng 8%; thức ăn gia súc đạt 244,8 nghìn tấn, tăng 13,01%; nước ngọt các loại 22,3 triệu lít, tăng 6,33%; vải các loại đạt 49,2 triệu m2, tăng 12,02%, quần áo may sẵn đạt 19,9 triệu cái, tăng 8,65%, giầy dép các loại đạt 35,9 triệu đôi, tăng 9,55%.

Lũy kế 8 tháng năm 2023 có 18/24 sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng tăng so cùng kỳ đó là: Đá xây dựng các loại 12.376 nghìn m3, tăng 5,27%; bột ngọt 187,8 nghìn tấn, tăng 6,27%; nước ngọt các loại 179,8 triệu lít, tăng 2,32%; sợi các loại 680,6 ngàn tấn, tăng 3,98%; Vải các loại 394,5 triệu m2, tăng 9,91%; quần áo may sẵn đạt 157,4 triệu cái, tăng 5,13%; giầy dép các loại 286,3 triệu đôi, tăng 5,25%; sản phẩm kim loại 285,3 ngàn tấn, tăng 5,92%, … Nguyên nhân tăng thấp là do đơn hàng xuất khẩu sang các thị trường Mỹ và các nước EU giảm, cụ thể một số doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn như da giày, dệt may (công ty Changshin, Việt Vinh, Pouchen.v.v). mặt khác do ảnh hưởng nguyên liệu đầu vào tăng cao, sản phẩm tiêu thụ khó khăn. Đặc biệt ngành sản xuất giường tủ, bàn ghế nhiều doanh nghiệp từ đầu năm đến nay chưa có đơn hàng mới; Doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do không có đơn hàng sản xuất, nhiều đơn hàng đã ký nhưng phải ngưng do đối tác không có khả năng thanh toán vì tài chính khó khăn.

- Chỉ số tiêu thụChỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp trong tháng 8/2023 giảm 0,53% so với tháng 7/2023 và giảm 14,35% so với tháng cùng kỳ. Lũy kế 8 tháng đầu năm chỉ số tiêu thụ giảm 9,95% so cùng kỳ, trong đó một số ngành chỉ số tiêu thụ 8 tháng tăng so cùng kỳ đó là: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 7,05%, sản xuất trang phục tăng 15,36%, sản xuất hóa chất và dược liệu tăng 26,28%, sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 13,56%, sán xuất xe có động cơ tăng 19,06%, công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 2,58% … các ngành khác hầu hết chỉ số tiêu thụ giảm so cùng kỳ.

- Chỉ số tồn kho: Toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 8/2023 dự ước tăng 6,16% so với tháng 7/2023 và giảm 3,21% so tháng cùng kỳ năm trước. Một số ngành chỉ số tồn kho tăng cao so tháng trước như: Sản xuất chế biến thực phẩm (+35,26%); Sản xuất đồ uống (+39,82%); ngành dệt (+7,49%); sản xuất trang phục (+ 5,64%); Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic (+ 7,83%); Sản xuất kim loại (+1,55%); Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (+ 3,32%). Nguyên nhân chỉ số tồn kho tăng là do thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa vẫn còn khó khăn, đơn hàng sản xuất còn ít.

- Chỉ số sử dụng lao động: Chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp tháng 8 năm 2023 tăng 0,04% so với tháng trước và giảm 7,65% so tháng cùng kỳ, trong đó: doanh nghiệp nhà nước tăng 0,05% so tháng trước và giảm 2,37% so tháng cùng kỳ; doanh nghiệp ngoài nhà nước tương ứng tăng 0,40% và giảm 14,52%; doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tăng 0,01% và giảm 7,19% so tháng cùng kỳ.

Lũy kế 8 tháng chỉ số sử dụng lao động giảm 7,90% so cùng kỳ, trong đó ngành khai khoảng giảm 7,74%, công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 7,98%, ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí giảm 1,45%; cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,42%. Nguyên nhân chỉ số sử dụng lao động 8 tháng đầu năm giảm so cùng kỳ là do nhiều doanh nghiệp đơn hàng giảm phải cho công nhân nghỉ chờ việc nên chỉ số sử dụng lao động 8 tháng năm nay giảm so cùng kỳ.

2. Sản xuất Nông - Lâm nghiệp và thủy sản

a) Nông nghiệp

Tình hình sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh tháng 8 và 8 tháng năm 2023 cơ bản ổn định; thời tiết thuận lợi cho cây trồng phát triển. Giá cả nhiều sản phẩm nông nghiệp có xu hướng tăng. Tuy nhiên thị trường tiêu thụ sản phẩm còn phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu nhất là đối với việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc; bên cạnh đó địa phương chưa có nhiều doanh nghiệp, cơ sở hoạt động về lĩnh vực chế biến nông sản, công tác thu mua sản phẩm nông nghiệp làm nguyên liệu sản xuất còn mang tính truyền thống, việc ký kết hợp đồng thu mua còn hạn chế dẫn đến tình trạng sản phẩm thu hoạch được mùa thì mất giá. Kết quả hoạt động các lĩnh vực như sau:

Cây hàng năm: Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm ước đến 15/8/2023 là 110.407,16 ha, giảm 701,76 ha (-0,63%) so với cùng kỳ. Nguyên nhân do diện tích gieo trồng vụ Hè Thu giảm vì một số chân ruộng lúa cao không đủ nước để gieo trồng, hơn nữa hiện nay hầu hết diện tích gieo trồng có xu hướng giảm dần do chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang các loại cây ăn trái như bưởi, sầu riêng, mít, chuối…. bên cạnh đó công tác quy hoạch, xây dựng, cho thuê, thu hồi đất v.v… cũng làm ảnh hưởng đến diện tích gieo trồng. Diện tích tăng, giảm một số cây trồng chủ yếu như sau: Diện tích lúa đạt 42.584,02 ha, giảm 0,77% (lúa Đông Xuân đạt 15.271,94 ha, tăng 0,06%; lúa Hè Thu đạt 18.836,5 ha, giảm 1,82%); Diện tích ngô đạt 24.878,07 ha, giảm 0,17%; Khoai lang đạt 162,97 ha, giảm 2,35%; Mía đạt 3.384,95 ha, giảm 5,93%; Rau các loại đạt 13.393,7 ha, tăng 0,23%; Đậu các loại đạt 2.659,89 ha, tăng 2,43% so với cùng kỳ.

Ước năng suất một số cây trồng chính tăng, giảm trong vụ so cùng kỳ như sau: Năng suất lúa đạt 61,88 tạ/ha, tăng 1,09%; bắp đạt 78,22 tạ/ha, tăng 1,24%; khoai lang đạt 118,46 tạ/ha, tăng 0,38%; mía đạt 711,68 tạ/ha, giảm 0,11%; đậu tương đạt 16,49 tạ/ha, tăng 1,48%; lạc đạt 23,34 tạ/ha, tăng 0,09%. Năng suất của một số cây trồng năm nay tăng là do ngành nông nghiệp đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động người dân xuống giống đúng vụ, chủ động nguồn nước tưới, thực hiện tốt khâu chăm bón, phòng chống dịch bệnh nên không xảy ra thiệt hại.

Dự ước sản lượng thu hoạch một số cây trồng chính 8 tháng đầu năm tăng, giảm so cùng kỳ như sau: Sản lượng lúa 198.037,89 tấn, tăng 0,15%; Bắp 162.088,26 tấn, tăng 0,97%; Khoai lang 1.386,57 tấn, giảm 2,47%; Sắn 353.473,23 tấn, tăng 1,54%; Mía 197.671,33 tấn, giảm 10,18%; Đậu tương 336,98 tấn, tăng 5,71%; Lạc 1.432,23 tấn, giảm 2,96%; rau các loại 161.047,57 tấn, tăng 2,53%; sản lượng đậu các loại 2.827,79 tấn, tăng 3,15% so cùng kỳ.

Cây lâu năm: Tình hình sản xuất cây lâu năm trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, lượng mưa đều nên người dân tập trung trồng mới cây lâu năm và tập trung nhiều vào khâu chăm sóc, làm cỏ, bón phân, phun thuốc trừ sâu cho cây trồng. Tổng diện tích cây lâu năm hiện có là 169.963,27 ha, tăng 0,09% so cùng kỳ. Trong đó: Cây ăn quả đạt 76.792,59 ha, tăng 0,56% và chiếm 45,18% so với tổng diện tích; Công nghiệp lâu năm đạt 93.170,68 ha, giảm 0,28% và chiếm 54,82% tổng diện tích. Hiện nay nhóm cây công nghiệp lâu năm như điều, tiêu, cao su có xu hướng giảm do người dân không đầu tư thâm canh và chăm sóc, một số diện tích bị chặt bỏ để chuyển sang trồng cây ăn quả và thực hiện các dự án theo định hướng phát triển của tỉnh.

Sản lượng một số cây lâu năm chủ yếu thu hoạch trong 8 tháng đầu năm như sau: Xoài đạt 78.179,7 tấn (+0,71%); Chuối đạt 132.721,3 tấn (+16,12%); Thanh Long đạt 9.160,1 tấn (+1,32%); Bưởi đạt 53.444,8 tấn (+15,26%), nguyên nhân sản lượng tăng là do giá bán các mặt hàng như Xoài, Chuối, Bưởi, Sầu riêng khá ổn định và các loại cây này phù hợp với thổ nhưỡng đất, hiệu quả kinh tế cao nên người dân tập trung đầu tư chăm sóc, ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật. Tuy nhiên diện tích cây ăn quả tăng dẫn đến áp lực cạnh tranh tiêu thụ các loại trái cây ngày càng cao vì nguồn cung tăng nhanh. Để chủ động hơn về thị trường tiêu thụ và bán được giá, người dân trồng cây ăn quả áp dụng biện pháp điều chỉnh mùa vụ, tăng cường rải vụ nhằm giảm bớt áp lực thu hoạch rộ vào một thời điểm, hạn chế rủi ro về đầu ra.

Chăn nuôi: Tổng đàn gia súc có đến thời điểm tháng 8/2023 là 2.523.947 con, giảm 7,8% so cùng kỳ. Trong đó: Trâu đạt 3.928 con, tăng 0,67%; Bò đạt 95.337 con tăng 4,17%; Số lượng đàn trâu, bò tăng là do sản phẩm thịt gia súc phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng xã hội cao, nên các hộ chăn nuôi trâu, bò đầu tư thêm con giống để nuôi, bên cạnh đó người dân cũng cải tạo đàn bò theo hướng bò thịt nhằm tăng thu nhập trong chăn nuôi; Heo đạt 2.424.682 con (không tính heo con chưa tách mẹ), giảm 8,22% so cùng kỳ. Nguyên nhân đàn heo giảm là do chi phí đầu vào tăng cao chủ yếu là do giá thức ăn chăn nuôi hiện tăng gấp nhiều lần so với trước, giá heo hơi bán ra luôn ở mức dưới giá thành sản xuất khiến người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, thị trường nội địa đang quá tải vì sản phẩm chăn nuôi không xuất khẩu được như kỳ vọng. Ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cũng chịu áp lực quá lớn do sản xuất cung lớn hơn cầu. Mặt khác, thị trường tiêu thụ có xu hướng giảm hơn vì kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng phải tạm ngừng sản xuất hoặc thu hẹp quy mô sản xuất, các bếp ăn tập thể tiêu thụ chậm sản phẩm chăn nuôi heo, do vậy người chăn nuôi cũng cân nhắc trong việc tái đàn. Mặt khác việc di dời các dự án chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi theo Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 30/7/2021 của HĐND tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tại các địa phương, một số huyện có số lượng chăn nuôi heo lớn như Thống Nhất, Xuân Lộc tiến hành rà soát các khu vực chăn nuôi, kiên quyết di dời hoặc nghiêm cấm các hộ, trang trại chăn nuôi dẫn đến tổng đàn giảm. Giá heo hơi trên địa bàn tỉnh đến ngày 17/7/2023 dao động trong khoảng từ 57.000 đến 59.000 đồng/kg.

Dự ước sản lượng thịt gia súc 8 tháng đầu năm tăng so cùng kỳ, cụ thể: thịt trâu đạt 182,3 tấn, tăng 12,01%; thịt bò đạt 3.341,35 tấn, tăng 8,81%; thịt heo đạt 319.530,6 tấn, tăng 3,92%.

Tổng đàn gia cầm hiện có là 25.126,82 nghìn con, giảm 8,31% so cùng kỳ, trong đó gà đạt 22.809,83 nghìn con, giảm 8,04%. Sản lượng thịt gia cầm 8 tháng đầu năm ước đạt 131.819,5 tấn, tăng 7,12%, trong đó thịt gà 115.719,4 tấn, tăng 7,4%; Sản lượng trứng gia cầm ước đạt 910.436 nghìn quả, tăng 5,47% so cùng kỳ. Nguyên nhân đàn gà giảm là do việc thực hiện di dời hoặc buộc ngưng hoạt động do nằm trong khu dân cư, không có giấy phép về môi trường khiến cho các cơ sở chăn nuôi gặp nhiều khó khăn như thiếu nguồn vốn để mua đất, đầu tư cơ sở hạ tầng chăn nuôi tại địa điểm mới. Bên cạnh đó, giá tiêu thụ gà công nghiệp giảm sâu, dao động từ 20.000 đến 30.000 đồng/kg, trong khi đó giá thức ăn chăn nuôi vẫn tiếp tục đứng ở mức cao và nhiều chi phí phát sinh, nhiều trại phải “treo" chuồng hoặc bỏ nghề vì càng nuôi càng lỗ.

Trong tháng không phát sinh các dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Người chăn nuôi cần chú trọng đầu tư nâng cấp hệ thống chuồng trại cũng như công tác vệ sinh, an toàn dịch bệnh để hạn chế rủi ro xuất hiện dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả heo Châu Phi và cúm gia cầm vẫn có nguy cơ tái phát cao. Công tác phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm động vật ra vào tỉnh được kiểm soát chặt chẽ, triển khai công tác tiêu độc, khử trùng tại các cơ sở giết mổ và phương tiện vận chuyển động vật.

b) Lâm nghiệp

Tình hình lâm phận trên địa bàn tỉnh Đồng Nai phát triển ổn định, công tác quản lý bảo vệ rừng được duy trì và tăng cường; trên địa bàn tỉnh không xảy ra các vụ vi phạm lớn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài nguyên rừng; các kế hoạch, dự án, đề án, phương án được thực hiện đúng tiến độ, kế hoạch đề ra. Dự ước diện tích rừng trồng mới trong tháng 8/2023 đạt 415,4 ha, tăng 0,02% so với tháng cùng kỳ; lũy kế 8 tháng đạt 2.885,63 ha, tăng 1,33% so cùng kỳ. Nguyên nhân tăng là do các năm trước diện tích rừng đã đến kỳ thu hoạch nhiều, nên năm nay các chủ rừng tiến hành trồng mới trên những diện tích đã thu hoạch để đảm bảo nguồn cung của thị trường. Bên cạnh đó còn có hình thức trồng cây phân tán các loại cây gỗ, cây làm cảnh, cây che bóng mát.… Ước tính 8 tháng đầu năm 2023 số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 1.099 nghìn cây.

Trong tháng 8/2023 sản lượng gỗ khai thác dự ước đạt 27.317,7 m3, tăng 2,57% so với tháng cùng kỳ; Lũy kế 8 tháng đầu năm 2023 đạt 197.819,1 m3, tăng 2,23% so cùng kỳ, nguyên nhân tăng là do diện tích rừng sản xuất đã đến kỳ thu hoạch và một số diện tích khai thác tận thu dự án chuyển đổi quy hoạch.

Sản lượng củi khai thác dự ước tháng 8/2023 đạt 460,1 ste, tăng 2% so với tháng cùng kỳ; Lũy kế 8 tháng đầu năm 2023 đạt 2.386 ste, tăng 2,99% so cùng kỳ.

 c) Thủy sản

Tình hình sản xuất thủy sản trong tháng 8/2023 tương đối thuận lợi, hoạt động nuôi trồng thủy sản từng bước được cải thiện về phương thức nuôi trồng, công tác phòng chống dịch bệnh tốt, nhất là kiểm soát được nguồn thức ăn, con giống. Các hộ nuôi trồng thủy sản chủ động cải thiện đầu tư ao, hồ, lựa chọn những con giống vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu vùng miền, thay đổi cách nuôi nhằm giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế đặc biệt là các loại thủy sản có giá bán ổn định và thị trường tiêu thụ tốt như tôm sú, cá chép, cá mè... Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả như: nuôi thủy sản trong lồng, bè, hồ chứa; nuôi thủy sản theo mô hình VAC với các loài thủy sản kinh tế cao như cá chình, cá lăng, ba ba... Giá tiêu thụ sản phẩm thủy sản trên thị trường ổn định và tăng nhẹ, hộ nuôi trồng thu hoạch bán có lợi nhuận.

Ước tính tổng sản lượng thủy sản tháng 8/2023 đạt 6.407,63 tấn, tăng 3,92% so tháng cùng kỳ; lũy kế 8 tháng ước đạt 48.145,25 tấn, tăng 4,77% so cùng kỳ. Trong đó: Sản lượng cá ước đạt 38.944,54 tấn, tăng 4,02%; Sản lượng tôm đạt 7.178,79 tấn, tăng 4,57%; Sản lượng thủy sản khác đạt 2.021,92 tấn, tăng 0,84%. Nguyên nhân tăng là do nhu cầu thị trường tiêu thụ xã hội ngày một tăng, sản phẩm thủy sản được người tiêu dùng sử dụng nhiều, giá bán sản phẩm thủy sản tăng cao, do đó mà nhiều hộ gia đình chủ động mở rộng diện tích nuôi trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật, chăm sóc con giống, vật nuôi, nhằm hạn chế dịch bệnh phát sinh, nên sản lượng thủy sản tháng 8 và 8 tháng năm 2023 tăng khá so cùng kỳ.

3. Vốn đầu tư phát triển

Tình hình thực hiện vốn đầu tư phát triển trên địa bàn bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý 8 tháng năm 2023 có mức tăng trưởng khá so cùng kỳ. Mặc dù trong thực hiện gặp một số khó khăn như: Nhiều dự án, công trình chưa thể giải ngân do vướng mắc thủ tục pháp lý, giải phóng mặt bằng, gây khó khăn cho công tác thực hiện thi công công trình từ nguồn vốn đầu tư công. Bên cạnh vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng thì những hạn chế, yếu kém về năng lực của các nhà thầu thi công, các đơn vị tư vấn và sự phối hợp thiếu nhịp nhàng trong công tác thẩm định hồ sơ cũng được đánh giá là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân cũng như tiến độ thực hiện dự án, trong đó tình trạng trả đi trả lại hồ sơ làm kéo dài thời gian thực hiện các dự án diễn ra khá phổ biến. Dự ước thực hiện vốn đầu tư phát triển bằng nguồn vốn ngân sách Nhà Nước do địa phương quản lý tháng 8 năm 2023 thực hiện 1.034,68 tỷ đồng, tăng 6,6% so với tháng 7 năm 2023. Ước 8 tháng thực hiện 6.126,4 tỷ đồng, tăng 23,14% so cùng kỳ và bằng 47,28% so kế hoạch năm 2023.

4. Thu hút đầu tư và đăng ký doanh nghiệp

Tính từ đầu năm đến ngày 20/7/2023, thu hút đầu tư từ khu vực nước ngoài (FDI) đạt khoảng 809,8 triệu USD, tăng 23,44% so với cùng kỳ, trong đó: cấp mới 46 dự án với tổng vốn đăng ký 240,53 triệu USD (so với cùng kỳ năm 2022, tăng 64,29% về số dự án và bằng 70,12% về vốn đăng ký cấp mới); 66 dự án tăng vốn với tổng vốn bổ sung 569,32 triệu USD (so với cùng kỳ năm 2022, tăng 15,79% số dự án và tăng 81,88% về vốn bổ sung).

Tính từ đầu năm đến ngày 15/8/2023, tổng vốn đăng ký thành lập mới doanh nghiệp và bổ sung tăng vốn là 41.902 tỷ đồng, bằng 91% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó: có 2.477 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký khoảng 18.833 tỷ đồng (so với cùng kỳ năm ngoái, bằng 87,6% về số lượng doanh nghiệp thành lập mới và tăng 5,4% về số vốn thành lập mới) và 765 doanh nghiệp đăng ký tăng vốn với số vốn bổ sung khoảng 23.069 tỷ đồng. Ngoài ra có 1.293 Chi nhánh, địa điểm kinh doanh và văn phòng đại diện đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh, bằng 86,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Từ ngày 01/08/2023 đến ngày 15/08/2023, có 18 doanh nghiệp giải thể (đạt 54,5 % so với cùng kỳ) và có 33 Chi nhánh, địa điểm kinh doanh và văn phòng đại diện chấm dứt hoạt động (đạt 84,6 % so với cùng kỳ); 78 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh (tăng 116 % so với cùng kỳ). Lý do giải thể và chấm dứt hoạt động và tạm ngừng kinh doanh chủ yếu là do kinh doanh không hiệu quả. Các doanh nghiệp này chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thuộc khu vực kinh tế tư nhân.

5. Thương mại du lịch, giá cả, xuất nhập khẩu và vận tải

Tháng 8 năm 2023 là tháng chuẩn bị bước vào năm học mới, nhu cầu mua sắm quần áo, sách vở, đồ dùng học tập cho học sinh tăng cao, hoạt động du lịch tăng do còn trong mùa du lịch hè, giá cả các mặt hàng thiết yếu tiếp tục được giữ ổn định, không biến động nhiều so với tháng trước... trong tháng trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh Đồng Nai tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại trên địa bàn và tham dự các hội chợ giới thiệu sản phẩm các địa phương khác. Thông qua các chương trình, doanh nghiệp có cơ hội gặp gỡ, trao đổi thông tin, hợp tác kinh doanh, tạo ra chuỗi liên kết từ các nhà cung ứng đến các nhà sản xuất, thương mại nhằm mở rộng thị trường và kích cầu tiêu dùng, đồng thời góp phần tăng cường, hỗ trợ quảng bá hàng Việt có thương hiệu uy tín đến tay người tiêu dùng với giá cả hợp lý…

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 ước đạt 21.862,58 tỷ đồng, tăng 1,76% so với tháng trước và tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng ước đạt 170.727,3 tỷ đồng, tăng 13,72% so cùng kỳ. Phân theo ngành hoạt động như sau:

a) Bán lẻ hàng hóa

Doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 8 ước đạt 15.865,89 tỷ đồng, tăng 2,14% so tháng trước. Lũy kế 8 tháng năm 2023 ước đạt 124.514 tỷ đồng, tăng 10,67% so với cùng kỳ năm trước. Một số nhóm ngành hàng bán lẻ tăng so cùng kỳ: Lương thực tăng 8,1%, hàng may mặc, tăng 29,94%; Đồ dùng, dụng cụ, thiết bị gia đình tăng 10,38%; Vật phẩm, văn hóa, giáo dục tăng 24,24%; xăng dầu các loại tăng 12,43% ... Bán lẻ hàng hoá trong tháng ổn định, giá cả hàng hoá không biến động nhiều có xu hướng giảm. Giá một số mặt hàng thực phẩm thiết yếu tại các chợ trên địa bàn tỉnh như: chợ Biên Hòa, chợ Long Khánh, chợ Long Thành … khá ổn định.

b) Lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành

Dự ước doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 8 đạt 2.121,45 tỷ đồng, tăng 0,85% so với tháng trước. Lũy kế 8 tháng ước đạt 16.511,1 tỷ đồng, tăng 23,26% so cùng kỳ. Trong đó: Doanh thu lưu trú tăng 57,4%; Doanh thu dịch vụ ăn uống tăng 22,95% so cùng kỳ.

Doanh thu du lịch lữ hành tháng 8/2023 ước đạt 5,7 tỷ đồng, tăng 0,42% so với tháng trước. Lũy kế 8 tháng ước đạt 44,7 tỷ đồng, tăng 147,53% so cùng kỳ.

c) Hoạt động dịch vụ

Doanh thu dịch vụ tháng 8 ước đạt 3.769,5 tỷ đồng, tăng 0,71% so với tháng trước và tăng 22,3% so với tháng cùng kỳ. Lũy kế 8 tháng ước đạt 29.657,5 tỷ đồng, tăng 22,54% so cùng kỳ.

5.2. Giá cả thị trường

Tháng 8 năm 2023 tình hình giá cả nhiều mặt hàng tương đối ổn định và có mức tăng nhẹ so với tháng trước. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2023 tăng 0,79% so với tháng trước (khu vực thành thị tăng 0,86%; khu vực nông thôn tăng 0,73%). Trong tháng có 9/11 nhóm hàng hoá tăng giá, trong đó:

- Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,82%, đóng góp vào mức tăng chung của CPI là (+0,02%). Trong đó: Lương thực tăng 4,33%, nguyên nhân tăng do ảnh hưởng của thời tiết mưa nhiều, lúa vụ Hè thu đang trong thời gian thu hoạch bị ảnh hưởng làm cho năng suất, sản lượng giảm, bên cạnh đó nhiều nước trên thế giới hạn chế xuất khẩu gạo làm cho nhu cầu của mặt hàng này trên thị trường tăng cao trong đó chỉ số giá nhóm gạo tăng 5,48%. Giá gạo tẻ thường trong tháng dao động từ 13.893 đồng/kg -16.144 đồng/kg; giá gạo tẻ ngon từ 17.755 - 18.562 đồng/kg.

Giá thực phẩm tháng 8 tăng 0,54% so với tháng trước, nguyên nhân do ảnh hưởng của giá heo hơi tăng làm cho giá các mặt hàng thịt heo trong tháng 8 giá heo hơi tăng 0,49%; các mặt hàng thịt gia cầm tăng 1,23%; các mặt hàng thuỷ sản tươi sống tăng  0,41% so với tháng trước. Các mặt hàng thịt chế biến tăng 0,85% so với tháng trước do giá nguyên liệu tăng… Do thời tiết mưa nhiều nên diện tích nhiều loại rau bị hư hại làm cho sản lượng cung cấp cho thị trường giảm, chi phí vận chuyển tăng trong khi nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng này trong tháng tăng nên giá bán tăng như bắp cải tăng 5,66%; su hào tăng 2,14%; cà chua tăng 1,52%; rau dạng củ, quả tăng 2,46%...

- Chỉ số giá nhóm giao thông tháng 8 tăng 4,16% so với tháng. Đây là nhóm có chỉ số giá tăng cao nhất góp phần làm cho mức tăng chung CPI trong tháng tăng 0,42%. Giá các mặt hàng nhiên liệu trong tháng tăng 8,86% trong đó giá xăng tăng 9,97%; giá dầu DO tăng 15,91% so với tháng trước do ảnh hưởng của giá xăng, dầu thế giới. Hiện tại giá bán xăng A95 (III) bình quân: 24.138 đồng/lít; xăng E5: 22.936 đồng/lít; Dầu DO: 21.719 đồng/lít. Giá các mặt hàng phương tiện đi lại và dịch vụ giao thông công cộng giá ổn định so với tháng trước.

- Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,35% so với tháng trước đóng góp vào mức tăng chung của CPI là 0,07% do các nguyên nhân chủ yếu sau: Chỉ số giá gas tăng 7,43%. Giá dầu hoả tăng 16% so với tháng trước do ảnh hưởng của giá thế giới tăng làm cho giá gas trong nước, giá dầu hoả tăng.

Các nhóm còn lại chỉ số giá không biến động nhiều với mức tăng từ 0,02% - 0,59%. Riêng đồ uống và thuốc là giảm 0,01%.

So với cùng tháng năm trước, CPI tháng 8/2023 tăng 1,92% so với tháng 8/2022. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 9 nhóm tăng giá, trong đó tăng cao nhất là nhóm giáo dục 8,19%; tăng thấp nhất nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,16%. Có 02 nhóm hàng hóa giảm là bưu chính viễn thông giảm 0,51%; văn hoá giải trí và du lịch giảm 1,24%.

Chỉ số giá bình quân 8 tháng tăng 2,19% so với cùng kỳ năm trước, trong đó 09 nhóm hàng hoá tăng giá, tăng cao nhất nhóm Giáo dục (+10,42%); Văn hoá, giải trí và du lịch (+6,64%); Đồ dùng và dịch vụ khác (+3,99%); Hàng ăn và dịch vụ ăn uống (+3,61%); Đồ uống và thuốc lá (+3,12%); Thiết bị và đồ dùng gia đình (+2,8%); Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (+1,04%); May mặc, mũ nón và giày dép (+0,66%); Thuốc và dịch vụ y tế (+0,32%). Có 02 nhóm chỉ số giá giảm là giao thông giảm 5,27%; bưu chính viễn thông giảm 0,41%.

* Chỉ số giá vàng và Đô la Mỹ

Trong tháng giá vàng tăng 0,25% so với tháng trước; so với cùng tháng năm trước tăng 7,74%; so với tháng 12/2022 tăng 5,64%. Bình quân 8 tháng tăng 1,75% so với cùng kỳ.

Chỉ số giá Đô la Mỹ tháng 8 tăng 0,98% so tháng trước; so với cùng tháng năm trước giảm 0,62%; so với tháng 12 năm trước giảm 1,96%. Bình quân 8 tháng so cùng kỳ tăng 0,88%.

5.3. Xuất, nhập khẩu hàng hóa

Xuất khẩu hàng hóa tiếp tục có xu hướng tăng trưởng so với tháng trước. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8 năm 2023 ước đạt 1.920,3 triệu USD, tăng 2,12% so với tháng trước. Tính chung 8 tháng xuất khẩu hàng hoá ước đạt 14.207,1 triệu USD, giảm 10,87% so cùng kỳ. Xuất khẩu hàng hoá vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng từ suy giảm kinh tế toàn cầu, biến động thị trường, điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn… Trước khó khăn đó các doanh nghiệp xuất khẩu bên cạnh việc tiếp tục duy trì và đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp khác tại các thị trường xuất khẩu chủ lực, chú trọng khai thác thị trường nội địa và tận dụng Hiệp định thương mại tự do (FTA) tìm kiếm thị trường, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại hướng đến các thị trường mới.

Một số nhóm hàng xuất khẩu 8 tháng tăng, giảm so cùng kỳ như sau: Hạt điều nhân (+28,58%); cà phê (+46,97%); Sản phẩm gỗ (-38,52%); Hàng dệt may (-16,81%); Giày dép các loại (-17,38%); Máy vi tính (-1,98%); Xơ, sợi (-22,15%); máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng (-16,46%)… Nguyên nhân kim ngạch xuất khẩu giảm so cùng kỳ do tình hình kinh tế thế giới phục hồi chậm cùng với các chính sách thắt chặt tiền tệ, sức mua tại các thị trường lớn như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... đều giảm khiến khối lượng đơn đặt hàng giảm; các doanh nghiệp xuất khẩu thiếu hụt đơn hàng sản xuất.

Kim ngạch nhập khẩu tháng 8 năm 2023 ước đạt 1.269,2 triệu USD, tăng 2,35% so tháng trước và giảm 20,48% so tháng cùng kỳ; lũy kế 8 tháng năm 2023 ước đạt 10.202,8 triệu USD, giảm 24,13% so cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu 8 tháng giảm mạnh so cùng kỳ, do thị trường xuất khẩu giảm, doanh nghiệp hạn chế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu, bên cạnh đó doanh nghiệp tận dụng nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước để giảm bớt chi phí.

Một số mặt hàng nhập khẩu chủ yếu 8 tháng so cùng kỳ như: Thức ăn gia súc và nguyên liệu giảm 10,1%; Hóa chất giảm 37,3%; Chất dẻo nguyên liệu giảm 33,82%; Gỗ và sản phẩm từ gỗ giảm 47,49%; vải các loại giảm 23,48%; Nguyên phụ liệu dệt, may, da giày giảm 29,43%; Sắt thép các loại giảm 36,69% so cùng kỳ, Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 5,16%...

5.4. Giao thông vận tải

Doanh thu vận tải, dịch vụ kho bãi, hỗ trợ vận tải tháng 8 năm 2023 ước đạt 2.492,89 tỷ đồng, tăng 1,41% so tháng trước và tăng 14,94% so cùng tháng năm trước. Tính chung 8 tháng doanh thu ước đạt 20.048,1 tỷ đồng, tăng 22,59% so cùng kỳ. Trong đó: Doanh thu vận tải hành khách ước đạt 2.734,4 tỷ đồng, tăng 92,77%; doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt 11.169 tỷ đồng, tăng 18,3%; doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải ước đạt 6.144,7 tỷ đồng, tăng 11,83% so cùng kỳ.

Sản lượng vận chuyển hành khách trong tháng 8 ước đạt hơn 5,85 triệu lượt khách, tăng 1,42% so tháng trước, tăng 2,32% so với cùng kỳ, lũy kế 8 tháng sản lượng ước đạt 48,92 triệu lượt khách, tăng 46,83% so cùng kỳ. Luân chuyển hành khách 8 tháng ước đạt 2.878,4 triệu HK.km tăng 72,2% so với cùng kỳ.

Sản lượng vận tải hàng hóa tháng 8 ước đạt 6,2 triệu tấn, tăng 1,18% so tháng trước, tăng 6,01% so với tháng cùng kỳ, lũy kế 8 tháng ước đạt 49,96 triệu tấn, tăng 11,28% so với cùng kỳ. Luân chuyển hàng hóa 8 tháng ước đạt 4.251,4 triệu tấn.km, tăng 12,49% so với cùng kỳ.

6. Hoạt động ngân hàng

Hoạt động huy động vốn: Tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn ước đến 31/8/2023 đạt 295.342 tỷ đồng, tăng 2,65% so với đầu năm. Trong đó: Tiền gửi ước đạt 292.442 tỷ đồng, tăng 2,61% (tiền gửi bằng đồng Việt Nam ước đạt 276.232 tỷ đồng, tăng 4,03%; tiền gửi bằng ngoại tệ ước đạt 16.210 tỷ đồng, giảm 16,72%); Phát hành giấy tờ có giá ước đạt 2.900 tỷ đồng, tăng 6,15% so với đầu năm.

Hoạt động tín dụng: Dự ước đến 31/8/2023 tổng dư nợ cấp tín dụng trên địa bàn ước đạt 355.215 tỷ đồng, tăng 6,63% so với đầu năm (nợ xấu ước chiếm 1,31% trên tổng dư nợ cho vay). Trong đó: Tổng dư nợ cho vay ước đạt 352.815 tỷ đồng, tăng 6,62% (dư nợ bằng đồng Việt Nam ước đạt 301.615 tỷ đồng, tăng 4,72%; dư nợ bằng ngoại tệ ước đạt 51.200 tỷ đồng, tăng 19,38%); Giá trị các khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp ước đạt 2.400 tỷ đồng, tăng 6,9% so với đầu năm.

Lãi suất cho vay bình quân của NHTM trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 9,3-11,1%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 4,4%/năm. Lãi suất cho vay bình quân của NHTM trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 9,3-11,1%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 4,4%/năm.

II. VĂN HÓA - XÃ HỘI

1. Văn hóa thông tin

Tập trung tuyên truyền cổ động trực quan kỷ niệm các ngày lễ, phục vụ các nhiệm vụ chính trị bằng các hình thức thực hiện mộ maket tuyên truyền gửi cơ sở, treo cờ Đảng, cờ Tổ quốc; in treo cờ nội dung, cờ phướn, băng rôn, thay đổi nội dung pano hộp đèn, pano cố định…. Tham gia Hội diễn đàn hát dân ca 3 miền tại Nghệ An; Tiếp tục tổ chức biểu diễn chương trình Tuyên truyền lưu động phục vụ nhân dân tại cơ sở, nội dung: Tuyên truyền hoạt động Hè, chủ đề: “Mùa hoa phượng nở" đạt 10 buổi, phục vụ 2.500 lượt người xem.

Xây dựng Kế hoạch tổ chức chương trình văn nghệ chủ đề Kỷ niệm 78 năm CMT8 thành công (19/8/1945 - 19/8/2023) và Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2023). Tổ chức Hội thi Giai điệu tuổi hồng tỉnh Đồng Nai năm 2023.

Hoạt động biểu diễn nghệ thuật: Chiếu phim truyện Việt Nam, phim hoạt hình phục vụ thiếu nhi, đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa, các xã nông thôn mới và công nhân tại các khu công nghiệp trong tỉnh; Tổ chức chương trình múa rối nước “Chào hè 2023" phục vụ cho các cháu thiếu nhi, học sinh, sinh viên và nhân dân trên địa bàn thành phố Biên Hòa.

2. Thể dục thể thao

Hoàn thành việc đăng cai các trận còn lại trên sân nhà Giải bóng đá hạng Nhì quốc gia năm 2023 tại Sân vận động tỉnh. Đăng cai tổ chức thành công Giải vô địch trẻ Judo quốc gia, tại Nhà thi đấu tỉnh Đồng Nai.

Phối hợp với huyện Trảng Bom tổ chức Giải vô địch và vô địch trẻ Karate tỉnh Đồng Nai năm 2023 tại huyện Trảng Bom từ ngày 02/8 - 7/8. Phối hợp với huyện Vĩnh Cửu tổ chức Giải vô địch Taekwondo tỉnh Đồng Nai năm 2023 tại huyện Vĩnh Cửu từ ngày 27/7 - 30/7/2023.

3. Y tế

Tình hình dịch bệnh: Trong tháng 8/2023, số ca mắc tay chân miệng là 2.092 ca, tăng 63,82% so với tháng trước và tăng gấp 2,3 lần so với tháng cùng kỳ; Lũy kế 8 tháng đầu năm là 4.281 ca, giảm 14,38% so với cùng kỳ, không ghi nhận ca tử vong. Sốt xuất huyết ghi nhận 494 ca, tăng 53,42% so với tháng trước, giảm 91,06% so với tháng cùng kỳ, ghi nhận 01 ca tử vong; Lũy kế 8 tháng đầu năm là 2.308 ca, giảm 82,62% so với cùng kỳ, ghi nhận 05 ca tử vong (giảm 09 ca so với cùng kỳ). Sốt rét trong tháng 8/2023 có 01 ca mắc, không ghi nhận ca tử vong. Một số dịch bệnh khác như: Sởi, tả, ho gà, uốn ván… trong tháng không ghi nhận trường hợp mắc.

Dịch Covid-19: Tình hình dịch bệnh cơ bản kiểm soát tốt trên địa bàn tỉnh, số ca mắc mới trong tháng giảm nhiều so với tháng trước, cụ thể từ ngày 20/7/2023 – 18/8/2023 ghi nhận 04 ca mắc bệnh trên địa bàn tỉnh, giảm 86,67% so với tháng trước (tháng trước ghi nhận 30 ca). Các ca nhiễm đều được giám sát, xử lý kịp thời đúng quy định, không lây lan thành ổ dịch lớn. Từ đầu năm 2023 đến nay, ghi nhận tổng số 2.522 ca mắc mới; 02 ca tử vong do COVID-19.

Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm: Trong tháng 8/2023 thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và tổ chức thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, dịch vụ ăn uống và kinh doanh tiêu dùng thực phẩm 1.111 lượt cơ sở, trong đó: 1.072 cơ sở đạt (chiếm 96,49%); 39 cơ sở vi phạm (chiếm 3,51%), phạt tiền 09 cơ sở với số tiền phạt là 62,5 triệu đồng, nhắc nhở 30 đơn vị. Từ đầu năm đến nay không ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm.

4. Giáo dục

Tổ chức Hội nghị tổng kết 02 năm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 khối lớp 6,7 và triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 cấp THCS. Triển khai văn bản chỉ đạo các cơ sở giáo dục chuẩn bị điều kiện thực hiện năm học 2023-2024. Tham gia chấm thi Hội thi “Giáo viên giỏi ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy tỉnh Đồng Nai năm 2023" do Sở KHCN phối hợp Sở GDĐT tổ chức. Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn dành cho cán bộ quản lý, giáo viên mầm non hè năm 2023.

Tổ chức chấm phúc khảo kỳ thi tuyển sinh lớp 10, kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2023. Rà soát dữ liệu tốt nghiệp; chuẩn bị các báo cáo Bộ GDĐT, tỉnh, ban ngành. Họp xét tốt nghiệp THPT năm 2023. Chuẩn bị xây dựng kế hoạch nhiệm vụ công tác khảo thí kiểm định chất lượng giáo dục năm học 2023-2024.

Kết quả kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2023: Tỷ lệ tốt nghiệp THPT (tính cả thí sinh tự do) đạt 97,10%, trong đó khối THPT đạt 99,34%, khối GDTX đạt 87,98%.

5. Giải quyết việc làm và đào tạo nghề

Trong tháng 8/2023 đã giải quyết việc làm cho 8.094 lượt người (lũy kế từ đầu năm được 57.057/80.000 lượt người, đạt 71,32% kế hoạch năm, giảm 3,39% so với cùng kỳ năm 2022). Tư vấn và giới thiệu việc làm cho số lao động thất nghiệp 5.839 lượt người, hỗ trợ học nghề cho 118 người (giảm 18,6% so với cùng kỳ năm trước).

Trong tháng 8, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tuyển mới đào tạo cho 7.544 học viên, trong đó: Cao đẳng là 681 người; Trung cấp 2.477 người; Sơ cấp và đào tạo thường xuyên là 4.386 người. Lũy kế từ đầu năm đến nay đã tuyển mới đào tạo 54.405/72.000 học viên, đạt 75,56% kế hoạch năm, tăng 0,14% so với cùng kỳ. Trong tháng các trường và Cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tốt nghiệp và có chứng chỉ 6.095 học viên, lũy kế từ đầu năm đến nay có 46.842/65.500 học viên, đạt 71,51% so với kế hoạch, tăng 2,56% so với cùng kỳ.

​Trên đây là các nội dung chủ yếu về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 năm 2023 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Cục Thống kê xin được thông báo."

anh BIA KTXH 08.2023-01  - cuc TK.jpg


theo "thongke.dongnai.gov.vn"

Atlas tỉnh Đồng Nai

Cổng TTĐT Chính phủ

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang