Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Hỗ trợ người mù vươn lên

Ngày 14-6, Hội Người mù tỉnh đã tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện 2 cuộc vận động tăng cường đoàn kết, chủ động vươn lên, bình đẳng hòa nhập cộng đồng và chương trình việc làm, giảm nghèo bền vững.​

Kết quả thực hiện 2 cuộc vận động trên đã trở thành động lực lớn giúp hội viên người mù thuộc các cấp Hội tự tin, chủ động khi tham gia vào các phong trào hoạt động của Hội. Sau 10 năm triển khai thực hiện đã có nhiều tấm gương điển hình người mù vượt khó vươn lên trong lao động, học tập.

Nghị lực vươn lên

Lúc mới sinh ra, chị Nguyễn Thị Ngọc Sáng (39 tuổi, xã Đông Hòa, huyện Trảng Bom) có đôi mắt sáng, khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác. Thế nhưng, khi lên 11 tuổi, đôi mắt của chị bỗng nhiên mờ dần. Mặc dù, gia đình đã đưa chị đi điều trị khắp nơi nhưng bệnh tình vẫn không khỏi. Đến năm 22 tuổi, đôi mắt chị không còn nhìn thấy gì nữa. Điều đáng nói, gia đình có 7 anh chị em thì có tới 5 anh chị em cùng mắc chứng bệnh giống như chị Sáng. Từ đó, gia đình chị rơi vào cảnh vô cùng khó khăn. “Hồi đó, mình bị sốc nặng vì trong gia đình có tới 5 người cùng bị một chứng bệnh... Sau này lớn lên, mình tìm hiểu thì biết ngoài xã hội có rất nhiều người cũng bị hoàn cảnh như thế. Năm 2001, mình gia nhập vào Hội Người mù huyện Trảng Bom. Tại đây, mình được hòa nhập cùng các anh chị em cùng hoàn cảnh, xóa tan sự mặc cảm”, chị Sáng nhớ lại.


Quang cảnh tại hội nghị.

Vào Hội được một thời gian, chị Sáng được tạo điều kiện đi học nghề làm chổi, đan giỏ… Đến năm 2004, chị tiếp tục được đi học khóa đào tạo nghề xoa bóp do Tỉnh hội và Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai tổ chức. Sau khi được đào tạo, chị luôn có ý thức tìm tòi học hỏi để không ngừng nâng cao tay nghề. Được Hội cho vay từ nguồn vốn hỗ trợ sinh kế, chị đã đầu tư mua sắm trang thiết bị, mở cơ sở dịch vụ xoa bóp tại nhà. Nhờ có tay nghề nên chị đã có thu nhập tốt, khoảng 8 triệu đồng/tháng. Từ đó, điều kiện kinh tế gia đình chị ngày càng ổn định hơn, năm 2011 chị đã mua đất, xây nhà trị giá khoảng 180 triệu đồng (Huyện hội hỗ trợ 30 triệu đồng). “Hiện cuộc sống của tôi khá ổn định, đến nay gia đình đã thoát nghèo bền vững, không còn khó khắn, túng thiếu như trước đây nữa. Tôi lấy chồng và có 2 con (con gái lớn 19 tuổi đã lập gia đình, con trai nhỏ đang học mầm non), hiện mọi người đều khỏe mạnh”, chị Sáng phấn khởi chia sẻ.

Tương tự, khi sinh ra và trong nhiều năm sau đó, đôi mắt của anh Hồ Văn Thúy (hiện 53 tuổi, thị trấn Định Quán, huyện Định Quán) vẫn khỏe mạnh bình thường. Thế nhưng, năm anh 27 tuổi thì bất ngờ đôi mắt cứ mờ dần. Mặc dù bố mẹ bán hết nhà và tài sản để có tiền đưa anh đi chữa bệnh nhưng “tiền mất, tật vẫn mang”, đến năm anh 30 tuổi thì đôi mắt không nhìn thấy gì nữa (lúc này anh đã có vợ và 4 đứa con). “Suốt một thời gian dài tôi sống trong buồn tủi và bi quan. Nhưng rồi nghĩ đến vợ và các con thơ nên tôi cố gắng sống lạc quan để còn làm điểm tựa cho cả gia đình. Sau đó, tôi đưa vợ con sang ở nhờ bên nhà bố mẹ vợ rồi một mình lên TP. Hồ Chi Minh thuê nhà trọ ở và tìm việc làm mưu sinh”, anh Thúy kể.

Tại TP. Hồ Chí Minh, anh Thúy đã thức khuya dậy sớm làm nhiều việc, từ đi bán chổi dạo cho đến bán các loại đồ dùng khác. Làm một thời gian, anh gom góp được số tiền gửi về quê cho vợ mua đất (chỗ ở hiện nay). Năm 2012, anh tham gia Hội Người mù huyện Định Quán và được Hội đưa đi học khóa mát xa và bấm huyệt. Sau khi được cấp giấy chứng nhận hành nghề, anh tiếp tục đi học thêm để nâng cao tay nghề về bấm huyệt rồi mới mở cơ sở làm ăn tại nhà. Nhờ đó, cuộc sống của anh ngày càng ổn định, có điều kiện xây nhà cửa khang trang, sắm sửa đầy đủ tiện nghi trong nhà và lo cho con cái học hành đến nơi đến chốn.

Chăm lo đời sống hội viên

Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Cao Nguyễn Huy cho biết, qua 10 năm thực hiện 2 cuộc vận động tăng cường đoàn kết, chủ động vươn lên, bình đẳng hòa nhập cộng đồng và chương trình việc làm - xóa đói giảm nghèo, Hội Người mù Đồng Nai đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Đặc biệt, kết quả trong công tác tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm của hoạt động Hội.

Trong những năm qua, các cấp Hội Người mù đã có nhiều giải pháp giải quyết việc làm cho hội viên bằng nhiều hình thức như: tổ chức các cơ sở sản xuất, dịch vụ tập trung; cho vay vốn tổ chức làm kinh tế gia đình; truyền nghề thủ công (đan lát, móc chổi nhựa, đan thảm chùi chân, đan mây tre lá, đóng gói tăm; dịch vụ buôn bán nhỏ; bán vé số…). “Cho đến thời điểm này, Tỉnh hội đã giải quyết việc làm thường xuyên ổn định, có thu nhập khá, cải thiện rõ rệt cuộc sống cho 371 người/396 người trong độ tuổi lao động (chiếm tỷ lệ 93,68%). Trong đó, mức thu nhập bình quân của nhân viên xoa bóp và người bán vé số đạt từ 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng”, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Cao Nguyễn Huy nói.

Bên cạnh đó, vào các dịp lễ, Tết hằng năm, các cấp Hội đã vận động cơ quan đoàn thể, tổ chức từ thiện, nhà hảo tâm, chức sắc tôn giáo trong và ngoài tỉnh hỗ trợ với trị giá hơn 41 tỷ đồng để giúp hội viên giảm bớt khó khăn trong cuộc sống. Tỉnh hội còn nhận được sự giúp đỡ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức từ thiện, nhà hảo tâm với số tiền gần 1,5 tỷ đồng để xây dựng 74 căn nhà tình thương, nhà đại đoàn kết và sửa chữa chống dột 30 căn nhà cho những hội viên gặp khó khăn về nhà ở. Ngoài ra, các cấp Hội còn vận động tổ chức nhiều chương trình khác như: họp mặt, tọa đàm, giao lưu, động viên và tặng quà cho chị em hội viên nhân Ngày quốc tế Phụ nữ, ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam; thăm hỏi, tặng quà hội viên lúc ốm đau, phúng điếu khi qua đời; tặng học bổng cho con cháu hội viên học tập tốt; trợ cấp, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho gần 1.900 người theo chính sách ưu đãi nhà nước...

Tiếp tục có biện pháp hỗ trợ phù hợp

Phát biểu tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện 2 cuộc vận động, Phó giám đốc Sở LĐ-TBXH Nguyễn Thị Kiều Oanh đánh giá cao những kết quả đạt được của Hội Người mù Đồng Nai trong thời gian qua. Đồng thời, đề nghị Hội Người mù cần tập trung nghiên cứu tổ chức thực hiện một số nội dung trong thời gian tới nhằm từng bước giảm bớt những khó khăn, thiệt thòi của người khuyết tật. Cụ thể, tập trung nghiên cứu và giúp đỡ cho hội viên có điều kiện được thụ hưởng những chế độ nhà nước quy định; nắm bắt tư tưởng của hội viên để qua đó xem xét giải quyết một cách phù hợp nhằm phát huy được sự tham gia nhiệt tình hơn nữa của hội viên; phối hợp các cấp, ngành tổ chức điều tra khảo sát kỹ số hội viên thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và tìm ra nguyên nhân, khả năng lao động, nguyện vọng chính đáng để có biện pháp hỗ trợ phù hợp…

 

Thành Nhân

Lê Thành Nhân

Atlas tỉnh Đồng Nai

Cổng TTĐT Chính phủ

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang