Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro xảy ra tai nạn lao động

(CTT-Đồng Nai) Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, trong 3 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 9 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm chết người do té cao, bị vật đè hoặc điện giật. Đây là vấn đề đáng báo động và cần có những giải pháp mạnh hơn đối với các doanh nghiệp (DN) không tuân thủ quy định về đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ).

Đoàn giám sát của tỉnh kiểm tra công tác An toàn vệ sinh lao động tại doanh nghiệp
Đoàn giám sát của tỉnh kiểm tra công tác An toàn vệ sinh lao động tại doanh nghiệp

Những vụ TNLĐ thương tâm

TNLĐ làm chết người do nhiều nguyên nhân không chỉ là nỗi đau, mất mát, mà còn là nỗi ám ảnh cho người thân của họ, nhất là những vụ TNLĐ dẫn đến tử vong thương tâm trong quá trình làm việc. Như trường hợp anh P.N.E., 35 tuổi, làm việc tại một công ty chuyên sản xuất sợi lốp bánh xe và động cơ mô tô ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 5 (huyện Nhơn Trạch). Năm 2023, trong lúc làm ca ba, anh E. bị cuốn vào máy làm sợi lốp ô tô. Do vết thương quá nặng, anh đã không qua khỏi.

Cuối tháng 2-2024, gia đình anh Đ.T.Q. (ngụ phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa) chìm trong nỗi đau khi anh bị TNLĐ tử vong trong lúc làm việc. Nguyên nhân, trong lúc đến một công ty tại ấp 4, xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom) để khảo sát thi công sửa chữa nhà xưởng, anh Q. bị ngã ở độ cao 18m. Anh Q. là trụ cột của gia đình, vợ anh làm công nhân, trong khi 3 con còn nhỏ, một cháu lại bị bệnh.

Vợ anh Q., chị Nguyễn Thị Tâm ngậm ngùi cho hay: “Chồng mất đột ngột khiến gia đình tôi đi vào ngõ cụt, các con thiếu sự chăm sóc, yêu thương của người cha. Mất đi điểm tựa là mất mát quá lớn với gia đình tôi. Rồi đây, với đồng lương ít ỏi, một mình tôi không biết xoay xở ra sao để nuôi 3 con ăn học”.

Nỗi đau của gia đình anh Q., anh E. là tình cảnh chung mà nhiều người phải đối diện khi có người thân bị TNLĐ. Điều đáng nói là những vụ TNLĐ xảy ra, ngoài sự chủ quan của NLĐ, còn có sự tắc trách, vô trách nhiệm của DN, cơ sở sản xuất trong việc đảm bảo an toàn tính mạng cho công nhân lao động. Đã có nhiều vụ TNLĐ thương tâm là hồi chuông cảnh báo nhưng sự việc vẫn tiếp diễn và để lại hậu quả đáng tiếc với nhiều gia đình.

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và Liên đoàn Lao động tỉnh tặng quà công nhân bị tai nạn lao động
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và Liên đoàn Lao động tỉnh tặng quà công nhân bị tai nạn lao động

Đâu là giải pháp?

Anh Hồ Hoàng Giang, công nhân Công ty TNHH StarPrint (thành phố Biên Hòa) từng bị TNLĐ phải cắt cụt 1/3 cẳng tay trái, tỷ lệ thương tật 65%. Sau những tháng ngày điều trị đau đớn, anh đã vượt lên chính mình để trở lại với công việc. “Giai đoạn đầu bị TNLĐ, tôi cảm thấy chán nản, suy sụp tinh thần. Giờ thì tâm lý đã ổn hơn. Tôi mong mọi NLĐ cần nâng cao ý thức hơn trong quá trình làm việc, cần bảo vệ mình, không để xảy ra TNLĐ đáng tiếc” - anh Giang nói.

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, việc thực hiện công tác đảm bảo ATVSLĐ tại các DN trên địa bàn tỉnh thời gian qua còn nhiều hạn chế, dẫn đến TNLĐ xảy ra. Riêng năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 912 vụ TNLĐ làm 211 người bị thương nặng và 28 người chết. 3 tháng đầu năm 2024, số vụ TNLĐ làm chết người trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng.

Về nguyên nhân xảy ra TNLĐ, chủ yếu do DN chưa hiểu hết nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo ATVSLĐ. Nhiều nơi, người sử dụng lao động chưa xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn, vi phạm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động; thiết bị không đảm bảo an toàn lao động; không huấn luyện an toàn lao động; tổ chức lao động và điều kiện lao động không đảm bảo an toàn; không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho NLĐ. Ngoài ra, còn có nguyên nhân từ phía NLĐ do ý thức chấp hành pháp luật ATVSLĐ còn thấp.

Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nông Văn Dũng cho biết, nhằm chủ động phòng ngừa, giảm thiểu TNLĐ, đảm bảo sức khỏe, an toàn cho NLĐ, góp phần ổn định và phát triển sản xuất trong thời gian tới, Sở đã có văn bản yêu cầu các DN, cơ sở sản xuất và các đơn vị thi công xây dựng thực hiện ngay công tác tự kiểm tra, đánh giá các nguy cơ, rủi ro và tiến hành xây dựng các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm có hại, dễ xảy ra TNLĐ tại nơi làm việc. Khi có sự cố nghiêm trọng xảy ra phải báo ngay cơ quan có thẩm quyền, địa phương biết để phối hợp xử lý.

Đồng thời, tăng cường phối hợp giữa người sử dụng lao động và Công đoàn cơ sở để thực hiện công tác tự kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về đảm bảo ATVSLĐ đối với NLĐ; tuyên truyền, vận động NLĐ chấp hành nghiêm các quy định về an toàn lao động, các nội quy, quy trình, tiêu chuẩn về ATVSLĐ tại nơi làm việc.

Tại Hội nghị giao ban Công tác Công đoàn quý I-2024 mới đây, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nguyễn Thị Như Ý cho biết, trước tình hình TNLĐ vẫn còn xảy ra, các đơn vị cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chính sách, pháp luật về ATVSLĐ cho chủ DN, cán bộ làm công tác an toàn lao động và NLĐ. Các Công đoàn cơ sở quan tâm chăm lo đảm bảo bữa ăn giữa ca, chăm lo sức khỏe công nhân để tái tạo sức lao động, tránh làm việc quá sức để xảy ra TNLĐ.
Phong Lan

Atlas tỉnh Đồng Nai

Cổng TTĐT Chính phủ

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang