(CTT-Đồng Nai) - Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất Trần Đức Hòa, khi địa phương triển khai các dự án xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, đồng bào các tôn giáo, dân tộc tại địa phương đã tích cực đóng góp sức người, sức của.
Ban Đoàn kết Công giáo huyện nhiệm kỳ mới ra mắt đại hội
Ban Đoàn kết Công giáo huyện nhiệm kỳ mới ra mắt đại hội
Đồng thời, đồng bào các tôn giáo, dân tộc còn tham gia tích cực vào quá trình giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, giáo dục con em chấp hành quy định của pháp luật. Nhờ vậy mà cuộc sống bình yên tại địa phương được giữ vững.
Kết nối đồng bào vì sự phát triển chung
Huyện Thống Nhất có 144,4 ngàn người. 87% trong số này là đồng bào có đạo. Theo đó, trong quá trình triển khai xây dựng quê hương gắn với nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới - đô thị văn minh… cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể đã căn cứ vào đặc điểm tình hình dân cư mà xây dựng những mô hình dựa vào nhân dân, hợp lòng dân để thực hiện.
Trong đó, một “đặc sản” của bà con vùng có đạo tại huyện Thống Nhất trong xây dựng quê hương đó là mô hình Xóm đạo bình yên. Mô hình là sự tổng hợp của nhiều mô hình từ phong trào thi đua yêu nước trong xây dựng nông thôn mới, như: tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp, toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phát triển kinh tế, chung tay vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam/dioxin... Song ngoài đảm bảo thực hiện tốt các tiêu chí của từng mô hình thì mỗi xóm đạo được công nhận là Xóm đạo bình yên phải hướng đến bình yên, văn minh, văn hóa, đạo đời hòa hợp.
Như tại ấp Bạch Lâm (xã Gia Tân 2), ban hành giáo Giáo xứ Bạch Lâm có 2 vị chức việc, 18 đồng bào Công giáo tham gia vào mô hình Xóm đạo bình yên. Ngoài ra, có 5 chức việc tham gia làm tổ trưởng, tổ phó tổ an ninh nhân dân ở các ấp. Để mô hình hoạt động đi vào nề nếp, hiệu quả, ban hành giáo luôn phối hợp chặt chẽ với Đảng ủy, chính quyền và MTTQ xã.
Còn tại ấp Lam Sơn, xã Quang Trung, ấp có 1,2 ngàn hộ. 97% trong số này là gia đình đồng bào Công giáo. Để việc đưa thông tin đến người dân thuận lợi và thu hút được sự chú ý của mọi người, ban ấp thực hiện hình thức từ họp dân định kỳ, kết hợp với các buổi sinh hoạt tôn giáo, tìm đến với từng gia đình. Hay xuất phát từ việc nhà dân thường xuyên bị trộm chó và một số vụ mất tài sản khác, khi ấp Lam Sơn được chính quyền địa phương chọn triển khai lắp đặt hệ thống camera an ninh, người dân trong ấp tích cực đóng góp để cùng tạo nguồn kinh phí thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát này. Đồng thời, bà con tự nhắc nhau cùng chú trọng giữ gìn an ninh trật tự trong ấp qua đó nhiều tin báo tố giác tội phạm đã được chuyển đến cơ quan chức năng.
Theo linh mục Võ Thành Nhân, Chánh xứ Giáo xứ Thanh Sơn, Trưởng Ban Đoàn kết Công giáo huyện Thống Nhất, Ban Đoàn kết Công giáo huyện vận động chức sắc, đồng bào tín đồ chung sức xây dựng nông thôn mới. Vận động các chức sắc, chức việc, đồng bào giáo dân đẩy mạnh công tác từ thiện xã hội. Phát huy vai trò của Ban Đoàn kết công giáo huyện trở thành nhịp cầu gắn kết giữa chính quyền với chức sắc, đồng bào giáo dân. Vận động các tổ chức tôn giáo, đồng bào giáo dân chấp hành tốt quy định của pháp luật, tích cực đóng góp vào sự phát triển của địa phương…
Tương tự, Phật giáo huyện Thống Nhất tuy có số lượng tự viện, tăng ni và phật tử khiêm tốn nhất tại Đồng Nai song thời gian qua đã đoàn kết, tích cực thực hiện nhiều hoạt động thiện nguyện trợ giúp cộng đồng. Trước tiên, theo Đại đức Thích Pháp Đăng, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Thống Nhất, Trụ trì chùa Huệ Viễn (xã Hưng Lộc), Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam H.Thống Nhất luôn hướng dẫn người tu tập chấp hành đúng các quy định của pháp luật. Đồng thời, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện là cầu nối giữa người tu tập Phật học với chính quyền địa phương trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về công tác tôn giáo.
Cũng theo Đại đức Thích Pháp Đăng, tăng ni và phật tử cùng chính quyền địa phương thực hiện những hoạt động hướng về cộng đồng, như: mua thẻ bảo hiểm y tế cho người dân hoàn cảnh kém may mắn; cùng chính quyền địa phương, ban ấp hỗ trợ người khó khăn; đóng góp và tổ chức các chuyến cứu trợ đồng bào bị thiên tai tại các tỉnh miền Trung….
Đại đức Thích Pháp Đăng, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam H.Thống Nhất, Trụ trì chùa Huệ Viễn (xã Hưng Lộc) phân chia rau củ được phật tử ủng hộ thành từng phần nhỏ để chia cho người khó khăn
Đại đức Thích Pháp Đăng, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam H.Thống Nhất, Trụ trì chùa Huệ Viễn (xã Hưng Lộc) phân chia rau củ được phật tử ủng hộ thành từng phần nhỏ để chia cho người khó khăn
Hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên
Bên cạnh đó, huyện cũng là nơi sinh sống của 21 dân tộc thiểu số, chiếm 4,2% tổng dân số. Việc quan tâm, tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc thiểu số vươn lên cũng được huyện chú trọng.
Theo ông Thổ Nơi, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Chơro tại ấp Xuân Thiện, con em trong cộng đồng đi học rất nhiều, nhiều đứa học rất giỏi. So với trước đây trẻ trong cộng đồng sau khi hoàn thành chương trình tiểu học hay THCS sẽ đến học các trường dân tộc nội trú của tỉnh, trường có chế độ dành cho học sinh dân tộc thiểu số học nội trú. Nay thì nhiều gia đình cho con mình những lựa chọn khác trong việc chọn trường, chọn lớp. Điều này có được trước hết là nhờ cuộc sống bà con khá lên nên có thể tự chủ cho con theo học trường theo nguyện vọng.
Cùng với đó, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thống Nhất Trần Đức Hòa, xã Xuân Thiện là 1 trong 14 xã có nhà văn hóa dân tộc thiểu số của tỉnh. Điều này góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của cộng đồng. Đồng thời, đây cũng là động lực để đồng bào chủ động giữ gìn văn hóa truyền thống của chính mình. Đồng bào Chơro ở 2 ấp của xã đều duy trì đội cồng chiêng với 10 thành viên mỗi đội. Họ tập luyện cùng nhau và phân chia nhau biểu diễn ở từng lễ cúng thần rừng, thần lúa của đồng bào.
Cùng với đó, việc ngày càng có nhiều nhà máy, khu công nghiệp, cụm công nghiệp hoạt động gần các khu dân cư dân tộc thiểu số đã góp phần đem việc làm đến cho bà con với lại thu nhập ổn định hằng tháng chứ không như trước kia làm bữa nghỉ bữa, nên thu vén kỹ lưỡng thì cuộc sống ổn.
Đồng thời, chương trình cho vay giải quyết việc làm do Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Nai triển khai là điểm tựa cho bà con tự tạo việc làm cho bản thân, gia đình. Cụ thể, theo Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội H.Thống Nhất Trần Đức Tiến, trong 20 năm qua đã có hơn 846,8 tỷ đồng được giải ngân cho 14 ngàn lượt hộ vay. Qua đó, đã góp phần giúp cho gần 2,4 ngàn hộ thoát nghèo, tạo việc làm cho trên 7,6 ngàn lao động, giúp cho 11,3 ngàn học sinh sinh viên không phải bỏ học vì khó khăn về tài chính, hỗ trợ xây mới và cải tạo trên 29,5 ngàn công trình nước sạch và công trình vệ sinh môi trường… Trong số này có nhiều trường hợp người dân tộc thiểu số.