Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Những người “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”

(CTT-Đồng Nai) - “Đường lên đường 9 cheo leo/ Hố bom đỏ mắt trắng đèo bông lau…” là ký ức không thể nào quên của những người lính Cụ Hồ một thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”…
Các cựu chiến binh, bộ đội Trường Sơn (BĐTS) mãi không quên ký ức của những ngày “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến” của một thời “Trường Sơn Đông nắng, Tây mưa/ Ai chưa đến đó như chưa rõ mình”…
Các cựu chiến binh Trường Sơn Đồng Nai ôn lại kỷ niệm một thời khói lửa.
Các cựu chiến binh Trường Sơn Đồng Nai ôn lại kỷ niệm một thời khói lửa.

*Mãi sẽ không quên
16 năm hoạt động của tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn, đế quốc Mỹ đã coi đường Trường Sơn là mục tiêu hay “trọng điểm” đánh phá ác liệt nhằm hủy diệt hậu phương lớn miền Bắc đối với tiền tuyến lớn miền Nam. Giặc Mỹ đã trút xuống đường Trường Sơn hơn 4 triệu tấn bom đạn, bằng tổng số bom đạn trong Chiến tranh thế giới thứ hai và chiếm một nửa tổng số bom đạn mà chúng đã thả xuống lãnh thổ Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Bá Sáu, Phó Ban Liên lạc BĐTS - đường Hồ Chí Minh tỉnh, ngày 19-5-1959, thường trực Tổng Quân ủy Trung ương chính thức giao nhiệm vụ cho “đoàn công tác quân sự đặc biệt” (Đoàn 559) do đồng chí Võ Bẩm làm đoàn trưởng. Đoàn 559 có nhiệm vụ mở đường Trường Sơn - đường mang tên Bác (đường Hồ Chí Minh) phục vụ chi viện cho chiến trường miền Nam.

“Với tinh thần “thà hy sinh tất cả, nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”; “vì miền Nam ruột thịt, máu của máu Việt Nam, thịt của thịt Việt Nam, sông có thể cạn, núi có thể mòn, chân lý đó không bao giờ thay đổi”; “sống bám đường, chết kiên cường, dũng cảm”, “máu có thể đổ, đường không thể tắc”… trên tuyến chi viện chiến lược đường Hồ Chí Minh, BĐTS đã trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ hiệu quả các chiến dịch lớn, góp phần quyết định thắng lợi sự nghiệp cách mạng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc”, ông Sáu nhấn mạnh.

Bà Chu Thị Luận, nguyên Đại đội 1, K225, Đoàn 559 kể lại, với nam tham gia mở tuyến đường chiến lược đã vất vả, còn nữ tham gia tuyến đường chiến lược Trường Sơn- đường Hồ Chí Minh thì sự gian nan còn vô vàn. Tôi luôn nhớ kỷ niệm leo dốc để mở đường. Mỗi lần hoàn thành nhiệm vụ chúng tôi tự tính hoàn thành một đoạn dốc trời. 3 tháng liền “leo dốc trời” tham gia mở đường chiến lược mãi sẽ không bao giờ tôi quên…
Còn ông Phạm Thư Sinh, nguyên lái xe Binh trạm 33, Đoàn 559, nhắc đến kỷ niệm của một thời mở đường không ai là không nhớ thời kỳ vượt qua trọng điểm đường 20 Quyết Thắng bị địch đánh phá ác liệt. Vượt qua được trọng điểm này, anh em lái xe thường nói vui với nhau là “chiến thắng cửa tử”. Bằng lòng dũng cảm, chúng tôi quyết tâm hy sinh vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước với ý chí duy nhất “đi để đến, đến để thắng”...

Với Thiếu tá Dương Hồng Tâm, một trong những người trực tiếp tham gia mở đường 20 Quyết Thắng, ông nhập ngũ vào giữa năm 1965, ở Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 10 Cục Công Binh, đến cuối năm 1965 được điều vào “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” ở phía Nam. Ông Tâm kể, khi đến địa bàn tỉnh Quảng Bình, ông Tâm được lệnh dừng lại mở đường 20 Quyết Thắng từ Quảng Bình đến giáp biên giới Việt Lào đúng vào ngày 22-12-1965.

“Ngoài sự hy sinh, thương tật do giặc gây ra, quá trình mở đường đơn vị của chúng tôi phát hiện và tìm ra một bản người dân tộc thiểu số- người Giục. Một điểm nhớ nữa là tuyến đường 20 Quyết thắng do đơn vị chúng tôi mở ra bằng phương pháp nổ mìn trên những mỏm đá tai mèo, chúng tôi cứ nghe rào rào suốt ngày đêm, lúc đầu cứ nghĩ là mìn nổ, sau ngày hòa bình mới hiểu chính là di tích động Phong Nha- Kẻ Bàng”, ông Tâm xúc động bộc bạch.

Xúc động nhớ về đồng đội đã hy sinh, riêng tiểu đoàn ông quá trình mở đường từ Lào quay trở về hướng Kon Tum trúng bom Mỹ hy sinh 5 đồng chí khi tuổi đời còn trẻ. “Tôi là người được đơn vị cử trực tiếp trông coi 5 đồng chí hy sinh trong trận này để chờ anh em đào huyệt chôn các đồng chí trong đêm tối, tránh sự phát hiện của kẻ thù. Sau hòa bình lập lại có bộ phận đi quy tập và đưa các đồng chí về an nghỉ tại các nghĩa trang liệt sĩ. Đây là một dấu lặng trong quá trình mở đường Trường Sơn- đường Hồ Chí Minh. Đó còn là sự hy sinh của đồng chí Lê Thành Khiêm, quê Hải Phòng khi nghiên cứu bom mới Mỹ thả xuống binh trạm 44, bị bom nổ bay xác không còn gì”, ông Tâm nói…

*Quan tâm hoạt động nghĩa tình
Hơn 10 năm hoạt động của Ban Liên lạc BĐTS tỉnh cũng là từng ấy thời gian các cựu chiến binh BĐTS thấu suốt phương châm: “Vui vẻ khi khỏe mạnh; hài lòng khi ốm đau; giúp nhau khi hoạn nạn; nghĩa tình lúc qua đời”.

Ông Nguyễn Đức Miên, Ban Liên lạc cựu chiến binh BĐTS tỉnh cho hay, toàn tỉnh hiện có khoảng 550 cựu chiến binh BĐTS, sinh hoạt 10 điểm thuộc các huyện, thành phố Long Khánh và thành phố Biên Hòa. “cựu chiến binh BĐTS tỉnh duy trì sinh hoạt truyền thống liên tục từ năm 2011 khi tách từ Ban Liên lạc truyền thống Thành phố Hồ Chí Minh. Những năm gần đây, Ban Liên lạc đã tổ chức vận động, xây dựng bàn giao 4 căn nhà Nghĩa tình đồng đội, giúp hội viên khó khăn về nhà ở tại huyện Cẩm Mỹ. Mỗi căn 80 triệu đồng, trong đó Hội Truyền thống Trường Sơn- đường Hồ Chí Minh Việt Nam hỗ trợ 60 triệu đồng/mỗi căn; còn lại Ban Liên lạc của tỉnh vận động. Dịp Tết Nguyên đán 2024, vận động trao tặng 50 phần quà (500 ngàn đồng/phần) cho các hội viên khó khăn; duy trì việc mừng thọ cho hội viên tròn tuổi 70, 80, 90 tuổi”, ông Miên cho biết.

Theo Phó ban liên lạc BĐTS huyện Cẩm Mỹ Trương Thị Tính, hiện Ban Liên lạc Cẩm Mỹ có 86 cựu chiến binh được duy trì thường xuyên các hoạt động; trong đó chăm lo hội viên cùng các hoạt động nghĩa tình được thực hiện thường xuyên.

Ban Liên lạc BĐTS huyện Trảng Bom cũng là một điểm hoạt động tiêu biểu, thực sự là tổ chức nghĩa tình của những cựu chiến binh Trường Sơn một thời khói lửa. Vào các dịp kỷ niệm ngày truyền thống BĐTS cũng là dịp sinh nhật Bác, cựu chiến binh​​ BĐTS huyện Trảng Bom gặp gỡ, chia sẻ, giao lưu và tuyên truyền truyền thống của BĐTS anh hùng…
Trong 16 năm hoạt động, BĐTS Đoàn 559 đã kiên cường bám trụ, xây dựng nên hệ thống giao thông gồm 5 trục dọc, 21 trục ngang với gần 2 ngàn km đường xe cơ giới. Lực lượng vận tải Trường Sơn đã vận chuyển hơn 1 triệu tấn vũ khí, đạn dược chi viện cho các chiến trường. Lực lượng phòng không Trường Sơn đã bắn rơi tại chỗ trên 2,4 ngàn máy bay các loại. Lực lượng giao liên đã mở 3 ngàn km giao liên, tổ chức cho hơn 2 triệu lượt người vào, ra chiến trường an toàn…
Nam Anh

Atlas tỉnh Đồng Nai

Cổng TTĐT Chính phủ

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang