(CTT-Đồng Nai) - Chuyển đổi số đã và đang góp phần giúp tác phẩm văn học nghệ thuật (VHNT) đến với bạn đọc nhanh hơn nhờ khả năng chia sẻ, quảng bá, nâng cao giá trị vốn có của các tác phẩm.
Website Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai thường xuyên cập nhật các thông tin, định hướng cho văn nghệ sĩ
Website Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai thường xuyên cập nhật các thông tin, định hướng cho văn nghệ sĩ
Bên cạnh những thuận lợi, chuyển đổi số cũng tạo ra nhiều áp lực, buộc cho mỗi tác giả, nhà văn, nhà thơ trong quá trình sáng tạo tác phẩm phải “khắt khe” với nghề.
Nhà thơ Minh Hạ, hội viên Hội VHNT Đồng Nai cho biết, ứng dụng công nghệ số trong sáng tạo tác phẩm văn học là quá trình tất yếu không chỉ ở Đồng Nai, Việt Nam mà cả thế giới. Nhờ ứng dụng công nghệ mà nhiều tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ thế giới đến được với bạn đọc Việt Nam thông qua kết nối internet và ngược lại.
“Hiện nay, nhà văn, nhà thơ không còn sáng tác bằng cách viết tay, rồi gửi bản thảo đến tòa soạn, nhà xuất bản để đăng, in sách mà gửi bản thảo bằng các file mềm. Các nhà văn, nhà thơ đã sử dụng thành thạo máy vi tính để sáng tác, truy cập vào internet tìm kiếm thông tin, đăng tải, chia sẻ tác phẩm” - nhà thơ Minh Hạ chia sẻ.
Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong quảng bá tác phẩm VHNT với ưu điểm chia sẻ nhanh, lượng bạn đọc lớn, ở nhiều lứa tuổi, trình độ nhận thức, tầng lớp khác nhau cũng đồng nghĩa với việc đánh giá cũng phong phú, nhiều chiều hơn. Bởi vậy, người cầm bút phải chuẩn bị sẵn sàng tâm thế đón nhận những lời khen, chê, thậm chí khi tác phẩm đã được kiểm duyệt, in thành sách vẫn có những ý kiến, quan điểm đồng tình/không đồng tình với những vô vàn lý do.
Nhờ ứng dụng công nghệ, việc đọc sách online đã dần thay thế cho cách đọc truyền thống. Nhiều sáng tác dành cho thanh thiếu nhi của các nhà văn, nhà thơ Đồng Nai như: Nhà văn Nguyễn Thái Hải, Hoàng Ngọc Điệp, Nguyễn Trí, nhà thơ Đàm Chu Văn… đã được chuyển đổi thành sách điện tử (ebook) và sách nói (audiobook). Với sách nói, người không biết đọc cũng có thể nghe và đặc biệt, sách nói là phương thức hiệu quả dành cho người khiếm thị. Qua những giọng đọc truyền cảm cùng với việc triển khai trên nền của những bản nhạc, sách nói đã và đang phát huy thế mạnh, lan tỏa tác phẩm văn chương của Đồng Nai đến công chúng mà sách giấy hay sách điện tử không có được.
Tuy nhiên, công nghệ phát triển, kéo theo đó đã có nhiều trường hợp vi phạm bản quyền tác phẩm văn học, hay hiện tượng đạo văn được cộng đồng đưa lên mạng xã hội bàn luận. Có thể kể đến như: Truyện ngắn Biến mất của Kai Hoàng tham dự cuộc thi truyện ngắn báo Người lao động tổ chức gây xôn xao khi bị phát hiện giống hệt với truyện ngắn Những biển, in trong tập Cố định một đám mây của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư về cả nội dung lẫn ý tưởng; hay bài thơ Bạch lộ của nhà thơ Phan Huyền Thư (in trong tập Sẹo độc lập) bất ngờ bị phát hiện giống cả về tứ thơ, câu từ của bài thơ Buổi sáng do Phan Ngọc Thường Đoan sáng tác…
Nhà thơ Minh Hạ sử dụng Facebook giới thiệu hoạt động sáng tác văn học nghệ thuật Đồng Nai
Nhà thơ Minh Hạ sử dụng Facebook giới thiệu hoạt động sáng tác văn học nghệ thuật Đồng Nai
Nhà văn Hoàng Ngọc Điệp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội VHNT Đồng Nai nói rằng, ứng dụng công nghệ 4.0 và chuyển đổi số, các nhà văn, nhà thơ, tác giả của Đồng Nai đã làm rất tốt. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu hiện nay, các tác giả cần phải đầu tư hơn nữa chuyên môn của bản thân, sáng tạo ra những tác phẩm thực sự đời, gắn bó với thực tế cuộc sống, đáp ứng nhu cầu tiếp nhận của độc giả. Và như vậy, mỗi người cầm bút cần phải tự nghiêm túc, khắt khe hơn nữa với nghề sáng tạo con chữ của mình… hướng đến những giá trị đích thực mà văn học mang lại, tạo sự kết nối vững chắc giữa văn học và cuộc sống. Có như thế, đời sống văn chương Đồng Nai mới thực sự có sức sống trường tồn trong lòng độc giả và luôn hướng về phía trước.