Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Công điện của Thủ tướng Chính phủ về ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm

(CTT-Đồng Nai) - Trước diễn biến phức tạp của vấn đề ngộ độc thực phẩm thời gian gần đây, ngày 3-5, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 44/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm.

Một ca bệnh nặng do ngộ độc thực phẩm đang được tích cực chăm sóc, điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai
Một ca bệnh nặng do ngộ độc thực phẩm đang được tích cực chăm sóc, điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai

Tập trung cứu chữa người bệnh

Công điện này nêu rõ, năm 2023 toàn quốc ghi nhận 125 vụ ngộ độc thực phẩm làm trên 2,1 ngàn người mắc và làm 28 người tử vong, tăng so với năm 2022. Gần đây, trên cả nước vẫn ghi nhận một số vụ ngộ độc, đặc biệt là vụ ngộ độc xảy ra tại thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai ngày 30-4-2024 với trên 450 người mắc phải nhập viện điều trị, tiếp tục gây lo ngại trong Nhân dân.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo đẩy mạnh việc thông tin, tuyên truyền về nguy cơ ngộ độc thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, nhất là tại các điểm, khu du lịch, nhà ăn tập thể của trường học, khu công nghiệp, thức ăn đường phố. Thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn theo đúng quy định.

Bộ Y tế cần tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định; nghiên cứu xây dựng và sử dụng có hiệu quả hệ thống cảnh báo sự cố an toàn thực phẩm theo đúng quy định; chỉ đạo cấp cứu, điều trị kịp thời cho người bị ngộ độc thực phẩm, bảo đảm tốt nhất cho sức khỏe, tính mạng người dân khi xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương thực hiện đầy đủ trách nhiệm phối hợp với Bộ Y tế điều tra nguyên nhân và chủ trì trong việc truy xuất nguồn gốc và xử lý thực phẩm gây ngộ độc thuộc lĩnh vực được phân công quản lý theo đúng quy định của Luật An toàn thực phẩm và phân công của Chính phủ.

Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương tổ chức thực hiện chương trình giám sát, phòng ngừa, ngăn chặn sự cố an toàn thực phẩm và công tác phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý theo đúng quy định.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn. Có biện pháp phù hợp nâng cao năng lực, hiệu quả, hiệu lực quản lý điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống, an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn và các đối tượng theo phân cấp quản lý.

Các địa phương cần thường xuyên tổ chức đánh giá nguy cơ mất an toàn thực phẩm và triển khai các biện pháp cần thiết nhằm ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn quản lý.

Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam phối hợp với các bộ liên quan, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm.

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các ngành chức năng trên địa bàn tập trung cứu chữa các bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm xảy ra tại thành phố Long Khánh, bảo đảm tốt nhất cho sức khỏe người dân.

Tỉnh Đồng Nai đã kịp thời có chỉ đạo về vụ ngộ độc thực phẩm

Trước khi có công điện của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Đồng Nai đã ra Văn bản số 4742/UBND-KGVX chỉ đạo các sở, ban ngành, UBND các địa phương và các cơ sở y tế cần khẩn trương khắc phục hậu quả vụ ngộ độc thực phẩm đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại thành phố Long Khánh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng đã yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện như: Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Đồng Nai, BVĐK Thống Nhất, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, BVĐK Cao su Đồng Nai, BVĐK khu vực Long Khánh và các đơn vị liên quan tập trung tối đa lực lượng y, bác sĩ, thuốc, thiết bị, vật tư y tế để cứu chữa kịp thời các nạn nhân bị ngộ độc thực phẩm, không để ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người dân.

Bên cạnh đó, chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm phối hợp Công an tỉnh, các đơn vị liên quan thực hiện kiểm tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc, công khai kết quả để kịp thời cảnh cáo cho cộng đồng; hướng dẫn các cơ sở dịch vụ ăn uống đảm bảo vệ sinh, điều kiện an toàn thực phẩm, thực hiện nghiêm việc quản lý nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm; tuyên truyền, giáo dục cho người dân thay đổi hành vi, thói quen không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ…

Ngoài ra, các cơ quan liên quan như: công an, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Quản lý thị trường Đồng Nai khẩn trương làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Chủ tịch UBND các huyện, thành phố cần phối hợp các sở, ngành chức năng để tiến hành rà soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc, nhất là cơ sở kinh doanh thực phẩm, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không để xảy ra các vụ việc tương tự.
Việt Anh

Atlas tỉnh Đồng Nai

Cổng TTĐT Chính phủ

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang