Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Ly hôn trẻ, do đâu?

(CTT-Đồng Nai) - Trong những năm gần đây, tình trạng ly hôn đang ngày càng phổ biến và tăng theo từng năm…. Trong đó, tỷ lệ ly hôn trẻ chiếm tỷ lệ tương đối lớn.

Đa phần, các vụ ly hôn là do tình trạng yêu nhanh, cưới vội của giới trẻ; trước khi bước vào hôn nhân chưa được chuẩn bị kiến thức và thiếu hiểu biết cần thiết về cách tổ chức cuộc sống gia đình, nuôi dạy con cái; bạo lực gia đình…
Tòa án nhân dân huyện Trảng Bom đang giải quyết thủ tục ly hôn cho một cặp vợ chồng.
Tòa án nhân dân huyện Trảng Bom đang giải quyết thủ tục ly hôn cho một cặp vợ chồng.

Thiếu trách nhiệm, thường xuyên bạo hành
Ngày 4-4, chị Đ. (37 tuổi, ngụ huyện Trảng Bom) dắt theo 2 con nhỏ đến Tòa án nhân dân (TAND) huyện Trảng Bom để làm thủ tục ly hôn.
Chị Đ. kể, vợ chồng chị kết hôn được 8 năm, đã có với nhau 2 con trai và gái. Mặc dù đến với nhau từ tình yêu nhưng trong cuộc sống, vợ chồng chị thường xuyên xảy ra cãi vã, cơm không lành, canh không ngọt. Khi mới kết hôn, cả hai đều chí thú làm ăn và cùng xây đắp gia đình nhỏ. Nhưng lâu dần, người chồng sinh tật, thường xuyên vắng nhà đi chơi thâu đêm và còn vướng vào nợ nần do bài bạc. Sau nhiều lần khuyên răn nhưng chồng vẫn không thay đổi nên chị quyết định ly hôn để tự giải thoát khỏi cuộc hôn nhân của mình.

Có những cuộc hôn nhân tan vỡ do nạn bạo hành gia đình. Tại TAND thành phố Biên Hòa, mỗi ngày đều có các cặp vợ chồng trẻ đến làm thủ tục ly hôn. Có những người ly hôn trong hòa bình, nhưng cũng có những cặp vợ chồng dù đã đến tòa vẫn buông lời chửi bới, mạt sát nhau.

Đến TAND thành phố Biên Hòa nộp đơn ly hôn vào ngày 26-3, chị T. (27 tuổi, ngụ phường Tam Hiệp, thành phố Biên Hòa) trông rất mệt mỏi. Chị nói, đây là lần thứ 3 chị nộp đơn ly hôn và lần này chị quyết tâm phải bỏ người chồng vũ phu đã chung sống gần 5 năm. Vừa nói, chị T. vừa khóc và kéo vạt áo trên cánh tay phải với nhiều vết bầm tím còn sót lại sau trận đòn roi. Chồng chị thường nghi ngờ vợ đi chơi với người khác, sinh lòng ghen tuông rồi nổi cơn thịnh nộ. Nhất là khi có hơi men trong người, chồng chị thường tức giận và đánh đập vợ, con.

“Mỗi lần tôi làm đơn ly hôn, anh ấy đều xin tha thứ và hứa sẽ thay đổi. Nhưng thấy nhiều lần rồi mà chồng không thay đổi thì tôi không còn thiết tha gì với cuộc hôn nhân này nữa’’ - chị T. tâm sự.

Cần sự vun vén của đôi bên
Theo Phó Chánh án TAND huyện Trảng Bom Đinh Thị Bích Liễu, tình trạng ly hôn hiện nay diễn ra rất phổ biến và ngày càng có chiều hướng gia tăng. Trong đó, ly hôn trẻ (trẻ về cả tuổi hôn nhân và tuổi đời) rất đáng báo động.

Hiện nay, các cặp vợ chồng trẻ thường “yêu nhanh, cưới vội’’ dẫn đến việc chưa tìm hiểu kỹ về nhau; chưa được chuẩn bị kiến thức về hôn nhân, về cách thức tổ chức cuộc sống gia đình, quản lý chi tiêu, chăm lo cho con; nhận thức về tình yêu chỉ thiên về hình thức mà chưa thấy được sự thiêng liêng trong hôn nhân. Trong quá trình sống chung, các cặp vợ chồng thường đặt cái tôi của bản thân lên trên hết nên thiếu sự thấu hiểu, thông cảm, sẻ chia cho nhau; khi mâu thuẫn xảy ra không tìm được tiếng nói chung, không biết cách giải quyết để hóa giải mâu thuẫn dẫn đến ly hôn.

Đó là chưa kể tình trạng bạo lực gia đình vẫn còn tồn tại rất nhiều trong xã hội mà nạn nhân thường là phụ nữ. Ngoài ra, hiện một số người vướng vào tệ nạn xã hội (cờ bạc, ma túy…) khiến hạnh phúc gia đình bị tan vỡ. Hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thường xuyên phải đối mặt với cơm áo gạo tiền cũng khiến gia đình nảy sinh nhiều mâu thuẫn, xích mích kéo dài…

Phó Chánh tòa Gia đình và người chưa thành niên TAND tỉnh, thẩm phán Phan Thị Thu Hương cho hay, sau ly hôn thường để lại nhiều hậu quả, mất mát. Một số người sau ly hôn đã rơi vào tình trạng mệt mỏi, trầm cảm. Mặc khác, việc ly hôn của cha mẹ chính là nỗi bất hạnh của con. Những đứa trẻ sống trong gia đình có cha mẹ ly hôn thường thiếu thốn tình yêu, sự quan tâm, dạy dỗ nên ảnh hưởng lớn đến khả năng phát triển nhân cách, tâm lý của các bé. Về lâu dài, các bé dễ sa ngã, chưa kể đến việc một số trẻ sau khi cha mẹ ly hôn đã phải sống với mẹ kế, cha dượng và bị bạo hành, xâm hại…

Do đó, theo thẩm phán Thu Hương, để hôn nhân bền vững thì ngay từ khi bước vào đời sống hôn nhân, giới trẻ phải luôn chuẩn bị cho bản thân tâm lý hôn nhân là cần xây đắp; luôn nhận thức được sự thiêng liêng và tầm quan trọng khi bước vào đời sống hôn nhân. Khi xã hội càng phát triển thì việc giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống vẫn cần được đặt lên hàng đầu. Mặt khác, gia đình, các tổ chức đoàn thể, hội phụ nữ… cần có sự quan tâm, chia sẻ, giáo dục kỹ năng sống cho giới trẻ khi bước vào đời sống hôn nhân; tổ chức các hoạt động lành mạnh, đẩy lùi tệ nạn xã hội, ngăn chặn kịp thời tình trạng bạo lực gia đình…
“Trong quá trình vợ chồng chung sống, khi xảy ra mâu thuẫn phải bình tĩnh suy xét mọi việc, tính đúng sai của đôi bên và cùng ngồi lại để hóa giải mâu thuẫn; hôn nhân cần sự vun vén của đôi bên để cùng nhau xây dựng một gia đình hạnh phúc, thay vì tìm cách giải thoát bằng việc ra tòa ly hôn’’ - thẩm phán Phan Thị Thu Hương khuyến cáo.
Tính từ tháng 3-2023 đến tháng 3-2024, trên địa bàn Đồng Nai, ngành chức năng đã xử lý hơn 10,4 ngàn vụ ly hôn/gần 13,4 ngàn vụ ly hôn đã thụ lý (tăng gần 400 vụ so với cùng kỳ năm trước).
Minh Quân

Atlas tỉnh Đồng Nai

Cổng TTĐT Chính phủ

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang