Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Cho vay đi đôi với giám sát chặt nguồn vốn chính sách

(CTT-Đồng Nai) Theo ông Lê Bá Chuyên, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) chi nhánh tỉnh, hiện 158/170 xã, phường xếp loại tốt, 11 đơn vị còn lại xếp loại khá và 1 xã xếp loại trung bình trong triển khai tín dụng chính sách. Ngoài ra, tỉnh còn xây dựng 2,526 tổ tiết kiệm - vay vốn (TK-VV).

Hệ thống này đang thực hiện cho vay là trên 5,18 ngàn tỷ đồng. Trong số vốn này có 1,42 ngàn tỷ đồng là vốn địa phương chuyển sang hệ thống Ngân hàng CSXH Việt Nam chi nhánh tỉnh để thực hiện công tác cho vay chính sách.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng chủ trì hội nghị sơ kết hoạt động quý 1 của Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng chủ trì hội nghị sơ kết hoạt động quý 1 của Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh

Tạo điều kiện để người dân tiếp cận vốn chính sách

Hiện hệ thống Ngân hàng CSXH Việt Nam chi nhánh tỉnh đang cho 124,1 ngàn khách hàng vay vốn tập trung vào các chương trình: cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo…

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng, vốn vay chính sách xã hội mang tính đặc thù vì là nguồn lực của Nhà nước dành cho người nghèo, hộ khó khăn và các trường hợp vay khác theo quy định. Do vậy, các đơn vị liên quan cần tạo điều kiện để người dân tiếp cận vốn vay, đi đôi với đó là tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát nhằm không để xảy ra tình trạng trục lợi tín dụng chính sách, hạn chế phát sinh nợ xấu, nợ quá hạn.

Còn Tổ trưởng Tổ TK-VV ấp 3, xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu) Ngô Thị Hải cho biết, bà đang quản lý 48 hộ vay với trên 1,4 tỷ đồng. Mỗi năm, trong tổ phát sinh vay mới trên 700 triệu đồng. Đây là một trong những tổ TK-VV không phát sinh nợ xấu và nợ quá hạn. 20 năm thực hiện vai trò Tổ trưởng Tổ TK-VV ấp 3, bà Hải xác định trách nhiệm của mình không chỉ dừng lại ở việc người dân nhận vốn vay là xong, mà bà phải dành thời gian theo sát tổ viên trong quá trình sử dụng vốn. Vì vậy, gia đình nào dùng tiền vay để nuôi bò, nuôi dê hay cải tạo vườn cây ăn trái, buôn bán nhỏ tại nhà bà đều nắm rõ.

Còn bà Nguyễn Thị Thúy Ngân, Tổ trưởng Tổ TK-VV khu phố Long Khánh 1 (phường Tam Phước, thành phố Biên Hòa), đang quản lý 60 thành viên với số tiền khoảng 2 tỷ đồng. Trong số những thành viên của tổ, có một số trường hợp là hộ nghèo, cận nghèo. Người vay vốn sử dụng tiền vay vào đầu tư đa dạng ngành nghề như: buôn bán tạp hóa tại nhà; mở quán giải khát; sửa chữa xe máy, xe đạp… Người vay vốn đều có ý thức hoàn thành nghĩa vụ vay của mình với Nhà nước.

Hỗ trợ người vay vốn chính sách

Cùng với tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận vốn vay, hệ thống Ngân hàng CSXH tỉnh còn tham gia đồng hành cùng người dân trong sử dụng vốn chính sách.
Giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh Đồng Nai Lê Bá Chuyên cho hay, thời gian qua, thông qua các tổ chức hội, đoàn thể ở cơ sở đã giúp người dân tiếp cận thuận lợi hơn với vốn chính sách. Đồng thời, lực lượng này đã giúp quá trình cho vay, thu hồi vốn chính sách được giám sát hiệu quả hơn.

Theo đó, hệ thống Ngân hàng CSXH các cấp tham gia từ quá trình tiếp nhận thông tin người cần vay vốn, khảo sát bước đầu, tư vấn đến hướng dẫn người dân làm hồ sơ vay vốn. Bên cạnh đó, hệ thống còn tham gia vào quá trình bình xét hộ vay cùng chính quyền địa phương giám sát quá trình nhận vốn của người vay với ngân hàng; tiến hành thu gốc - lãi, tiết kiệm hàng tháng của người vay nộp về Ngân hàng CSXH theo ngày giao dịch theo quy định; tư vấn cho người vay sử dụng vốn theo mục đích vay…

Ông Trương Anh Tuấn, Trưởng khu phố 9, phường Tân Biên (thành phố Biên Hòa) kiêm Tổ trưởng Tổ TK-VV khu phố 9 cho hay, trong 60 tổ viên do ông quản lý có 9 trường hợp được vay 100 triệu đồng/hồ sơ; 8 gia đình được vay 70 triệu đồng/hồ sơ và 43 trường hợp được vay 50 triệu đồng/hồ sơ. Trong quá trình làm hồ sơ vay đều có sự trao đổi, phân tích giữa tổ trưởng tổ TK-VV và người vay về các yếu tố: số vốn cần thiết với ngành nghề dự kiến đầu tư, khả năng thu hồi vốn, khả năng trả gốc - lãi hàng tháng, số vốn gia đình tự có…

Bà Nguyễn Thị Kim Thoa chia sẻ, đây là lần thứ 2 gia đình bà vay vốn chính sách. Lần đầu vay của gia đình là năm 2021, với 50 triệu đồng. Số tiền này được gia đình sử dụng để sắm xe bán nước giải khát. Sau thấy lượng khách tốt, số tiền vay lần đầu đã hoàn trả xong, gia đình làm hồ sơ xin vay tiếp 100 triệu đồng, bởi cần phải bố trí thêm bàn ghế, nguyên liệu ngày một tăng giá, máy ép trái cây, máy xay sinh tố cũng cần loại công suất lớn hơn… Sau khi nắm được nhu cầu thực tế cũng như kế hoạch sử dụng vốn của gia đình, Tổ trưởng Tổ TK-VV khu phố 9 đã đề xuất Ngân hàng CSXH đồng thuận cho gia đình vay 100 triệu đồng. Nhờ quầy nước giải khát này mà gia đình bà Thoa có thu nhập hàng ngày để trang trải cuộc sống.
Nguyễn Vân

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang