Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Luật Trợ giúp pháp lý: Đảm bảo quyền con người, quyền công dân

Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) lần đầu tiên được Quốc hội ban hành vào năm 2006, qua 10 năm triển khai đã đạt được những thành quả đáng kể trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nghèo, đối tượng chính sách và các đối tượng yếu thế. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển mới của đất nước, yêu cầu triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013; đồng thời tăng cường cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, ngày 20-6-2017, Quốc hội đã thông qua Luật TGPL năm 2017 có hiệu lực từ đầu năm 2018.​

Giám đốc Sở Tư pháp Viên Hồng Tiến đã có cuộc trao đổi về những điểm mới của Luật TGPL 2017 cũng như hoạt động TGPL trên địa bàn tỉnh.

* P.V: Xin ông cho biết, Luật TGPL có ý nghĩa như thế nào trong hệ thống luật pháp Việt Nam và trong đời sống xã hội? Trách nhiệm của Nhà nước được thể hiện ra sao trong Luật TGPL?

- Ông Viên Hồng Tiến: TGPL là một chính sách bảo đảm quyền con người, quyền công dân và là một bộ phận của tổng thể các chính sách xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, chính sách dân tộc và ưu đãi xã hội của Đảng và Nhà nước ta. Nhiệm vụ này được giao cho ngành Tư pháp triển khai từ năm 1997 theo Quyết định số 734/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Luật TGPL lần đầu tiên được Quốc hội ban hành vào năm 2006 và qua 10 năm triển khai đã đạt được những thành quả đáng kể trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nghèo, đối tượng chính sách và các đối tượng yếu thế. Tuy nhiên, đứng trước yêu cầu phát triển mới của đất nước, yêu cầu triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 và nhiều đạo luật quan trọng mới được Quốc hội ban hành, tăng cường cải cách pháp luật, cải cách tư pháp đặt ra yêu cầu điều chỉnh thể chế để đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác TGPL. Do đó, ngày 20-6-2017, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật TGPL, có hiệu lực kể từ ngày 1-1-2018.


Tọa đàm về Luật TGPL năm 2017 tại Đài PT-TH Đồng Nai.

Có thể nói, sự ra đời của Luật TGPL năm 2017 đã đánh dấu mốc quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế công tác TGPL nói riêng và triển khai Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân nói chung. Qua đó tiếp tục khẳng định TGPL là một yếu tố quan trọng trong hệ thống tư pháp, là trách nhiệm của Nhà nước trong bảo đảm quyền con người, quyền công dân cho đối tượng được TGPL.

Luật TGPL năm 2017 có Điều 4 quy định vấn đề “Chính sách của Nhà nước về TGPL”, thể hiện rõ hơn so với Điều 6 “Chính sách TGPL” của Luật TGPL năm 2006. Nội dung Điều 4 như sau: TGPL là trách nhiệm của Nhà nước; Nhà nước có chính sách để bảo đảm quyền được TGPL phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội; Nhà nước có chính sách nâng cao chất lượng TGPL, thu hút các nguồn lực thực hiện TGPL; Nhà nước hỗ trợ, khuyến khích, ghi nhận và tôn vinh các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, đóng góp cho hoạt động TGPL. Điều đó cho thấy, trách nhiệm của Nhà nước được thể hiện rõ trong Luật TGPL năm 2017.

* P.V: So với Luật TGPL năm 2006, Luật TGPL năm 2017 có những điểm mới nào đáng chú ý?

- Ông Viên Hồng Tiến: Luật TGPL năm 2017 có những điểm mới đáng chú ý như sau. Thứ nhất, Luật đã khẳng định rõ nét hơn trách nhiệm của Nhà nước trong công tác TGPL và có sự phân biệt hoạt động này với dịch vụ pháp lý thiện nguyện của các tổ chức xã hội. Cụ thể, Khoản 1, Điều 4 quy định rõ: “TGPL là trách nhiệm của Nhà nước” và tại Điều 5 quy định: “Nhà nước bố trí kinh phí trong dự toán ngân sách hằng năm của cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về TGPL theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước”.

Thứ hai, mở rộng diện người được TGPL từ 7 đối tượng (theo Luật TGPL 2006) lên 14 nhóm đối tượng theo các nguyên tắc, tiêu chí phù hợp với bản chất của TGPL và điều kiện đặc thù của đất nước. Cụ thể, người có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo; trẻ em; người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo. Ngoài ra, người thuộc một trong các trường hợp sau đây có khó khăn về tài chính cũng được TGPL, như: cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ; người nhiễm chất độc da cam; người cao tuổi; người khuyết tật; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự; nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình; nạn nhân của hành vi mua bán người; người nhiễm HIV.

Thứ ba, nâng cao chất lượng dịch vụ và chuyên nghiệp hóa hoạt động TGPL thông qua việc chuẩn hóa đội ngũ người thực hiện TGPL, quy định tiêu chuẩn tham gia thực hiện TGPL đối với tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật và quản lý chất lượng vụ việc TGPL. Để đạt được mục tiêu này, Luật TGPL năm 2017 đã có các quy định chuẩn hóa đội ngũ người thực hiện TGPL, quy định tiêu chuẩn đối với tổ chức tham gia TGPL và quản lý chất lượng vụ việc TGPL.

Thứ tư, tăng cường cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan đến hoạt động TGPL. Điều 42 quy định, trong quá trình thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của mình nếu phát hiện công dân thuộc diện được TGPL, cơ quan nhà nước có trách nhiệm giải thích quyền được TGPL và giới thiệu đến tổ chức thực hiện TGPL. Còn đối với tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư, tổ chức chủ quản của tổ chức tư vấn pháp luật sẽ phối hợp trong quản lý, giám sát việc thực hiện TGPL của luật sư, tư vấn viên pháp luật, tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật (Điều 43 và Điều 44)...

* P.V: Những tổ chức, cá nhân nào được tham gia TGPL? 

- Ông Viên Hồng Tiến: Luật quy định, tổ chức thực hiện TGPL gồm có Trung tâm TGPL nhà nước và tổ chức tham gia TGPL. Trung tâm TGPL nhà nước là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Tư pháp và có tư cách pháp nhân. Còn tổ chức tham gia TGPL bao gồm tổ chức ký hợp đồng thực hiện TGPL (tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật ký kết hợp đồng thực hiện TGPL với Sở Tư pháp) và tổ chức đăng ký tham gia TGPL (tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật đăng ký tham gia TGPL).

Những người thực hiện TGPL gồm có trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện TGPL theo hợp đồng với Trung tâm TGPL nhà nước, luật sư thực hiện TGPL theo phân công của tổ chức tham gia TGPL, tư vấn viên pháp luật có 2 năm kinh nghiệm làm việc tại tổ chức tham gia TGPL, cộng tác viên TGPL.

* P.V: Sở Tư pháp làm gì để nâng cao chất lượng dịch vụ và chuyên nghiệp hóa hoạt động TGPL, thưa ông?

- Ông Viên Hồng Tiến: Sở Tư pháp đang thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và chuyên nghiệp hóa hoạt động TGPL. Chẳng hạn, tổ chức quán triệt, truyền thông về nội dung của pháp luật nói chung cũng như về Luật TGPL và hoạt động TGPL. Đây là một trong những hoạt động quan trọng, cần tăng cường công tác truyền thông về quyền được TGPL và hoạt động TGPL để nâng cao nhận thức của những người có thẩm quyền, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xã hội về bản chất và vai trò của công tác TGPL, từ đó có sự quan tâm thỏa đáng đến công tác TGPL và việc sử dụng dịch vụ TGPL. Tham mưu UBND tỉnh tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật do địa phương ban hành liên quan đến hoạt động TGPL để đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với Luật TGPL.

Bên cạnh đó, Sở cũng chú trọng nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ người thực hiện TGPL, các luật sư tư vấn viên pháp luật, cộng tác viên trợ giúp pháp lý. Bởi, để đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL, cùng với các giải pháp về hoàn thiện thể chế, tăng cường nhận thức của các cơ quan, tổ chức cá nhân… thì các biện pháp nâng cao năng lực cho những người trực tiếp cung cấp dịch vụ này có vai trò hết sức quan trọng. Ngoài ra, Sở còn phối hợp tốt với các cơ quan tiến hành tố tụng; huy động các nguồn lực thực hiện TGPL; cụ thể các nội dung, điều kiện với các tổ chức tham gia TGPL...

* P.V: Xin cảm ơn ông!

Thành Nhân (thực hiện)

Lê Thành Nhân

Atlas tỉnh Đồng Nai

Cổng TTĐT Chính phủ

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang