Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Phát triển khoa học công nghệ xứng tầm với sự phát triển của địa phương

Xác định tầm quan trọng của khoa học – công nghệ (KH-CN) đối với sự phát triển kinh tế, xã hội địa phương, ngành KH-CN đã và đang thực hiện nhiều giải pháp, huy động toàn thể nhân dân tiến quân vào mặt trận KH-CN.

img1-22-5-2023-hung.jpg

Ngành KH-CN đang nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ đột phá để góp phần phát triển kinh tế - xã hội

Nhiều đơn đặt hàng với ngành KH-CN

TS.Lại Thế Thông, Giám đốc Sở KH-CN cho biết, thời gian qua, ngành KH-CN đẩy mạnh thực hiện cơ chế đặt hàng nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng KH-CN. Trong đó, ưu tiên ứng dụng công nghệ tiên tiến vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh.

Hiện nay, Sở KH-CN đang theo dõi, quản lý 60 nhiệm vụ KHCN từ cấp Bộ đến cấp cơ sở đã được phê duyệt danh mục và đang triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, đã tổng kết 18 nhiệm vụ, bàn giao và đưa vào ứng dụng thực tiễn 2 nhiệm vụ; hướng dẫn, cấp 27 giấy chứng nhận hợp đồng chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp. Sở cũng đã thông báo đề xuất đặt hàng các nhiệm vụ KH-CN năm 2024 để các Sở, ngành, địa phương trong tỉnh nghiên cứu đặt hàng.

Tại buổi làm việc với Sở KH-CN về hoạt động KH-CN và đổi mới sáng tạo trên địa bàn TP.Biên Hòa mới đây, Phó Bí thư Thường trực phụ trách Thành ủy Biên Hòa, Chủ tịch HĐND TP.Biên Hòa Huỳnh Tấn Đạt chia sẻ, KH-CN là một trong những nhiệm vụ đột phá được xác định trong Nghị quyết đại hội XII của thành phố. Thời gian qua, thành phố đã triển khai nhiều hoạt động, chương trình liên quan đến KH-CN nhưng kết quả chưa đạt mục tiêu đề ra. Biên Hòa có hơn 1,2 triệu dân nhưng diện tích nhỏ, nếu không áp dụng KH-CN, chuyển đổi số vào công tác quản lý thì thành phố sẽ tụt hậu, nhất là trong công tác cải cách hành chính, số hóa.

TP.Biên Hòa được xác định là thành phố công nghiệp, thương mại và dịch vụ du lịch. Thành phố đặc biệt quan tâm đến vấn đề quản lý xây dựng, quản lý đất đai, quản lý môi trường. Hiện nay, phần mềm quản lý hạ tầng đô thị đã thực hiện từ lâu nhưng làm sao để người dân biết, sử dụng, click vào phần mềm để biết được tình trạng đất của họ như thế nào, có được xây dựng hay vướng quy hoạch gì không. Về quản lý môi trường, vừa qua thành phố triển khai phân loại rác tại nguồn nhưng quá trình thực hiện còn nhiều bất cập. Công tác an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, quản lý doanh nghiệp còn ít nhiều hạn chế, cần phải ứng dụng công nghệ nhiều hơn để làm tốt hơn.

img3-22-5-2023-hung.jpg

Nhân viên Trung tâm KH-CN (Sở KH-CN) thực hiện hoạt động kiểm định, đo lường 

“TP.Biên Hòa đề nghị Sở KH-CN và các Sở, ngành, Viện, trường hỗ trợ, giúp sức cho TP.Biên Hòa, làm sao để có thêm nhiều sản phẩm KH-CN được áp dụng, ứng dụng trên địa bàn thành phố. Mục tiêu nhằm xây dựng thành phố thông minh, tăng cường công tác quản lý trên địa bàn, giúp người dân được thụ hưởng những thành tựu của KH-CN" – Ông Huỳnh Tấn Đạt nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Bùi Quốc Thể, Phó C​hủ tịch UBND TP.Long Khánh đề nghị Sở KH-CN và các nhà khoa học hỗ trợ địa phương có những giải pháp về KH-CN để phát huy tốt hơn nữa dịch vụ du lịch vườn; chuyển giao ứng dụng các đề tài nghiên cứu khoa học trên địa bàn, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp…

Phát triển hạ tầng KH-CN

Theo TS.Lại Thế Thông, để phát triển KH-CN cần phải có hạ tầng KH-CN đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Do vậy, Sở KH-CN tham mưu UBND tỉnh thực hiện các nhiệm vụ đột phá về KH-CN.

Cụ thể, Sở sẽ phối hợp để chuyển đổi khu công nghệ cao công nghệ sinh học có diện tích khoảng 200 héc ta thành khu công nghệ cao thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, Sở đã tham mưu cho lãnh đạo tỉnh để báo cáo Chính phủ, hiện đang chờ ý kiến của Trung ương.

Ngoài ra, sẽ phối hợp để xây dựng công viên KH-CN và thành lập Trung tâm Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai. Mục đích nhằm giúp người dân, doanh nghiệp hiểu được tầm quan trọng của KH-CN, kích thích ý tưởng sáng tạo và ứng dụng tiến bộ của KH-CN vào thực tiễn đời sống. Đây cũng là nơi để các chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu, đưa ra những sản phẩm, giải pháp KH-CN mang lại nguồn lợi chung cho xã hội.

img2-22-5-2023-hung.jpg

Kiểm định an toàn bức xạ tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai 

Trong xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngành KH-CN sẽ tiếp tục phối hợp để xác định các nhiệm vụ kinh tế - xã hội nói chung; tổ chức thực hiện từ nghiên cứu đến triển khai ứng dụng đối với các lĩnh vực logictics, nông nghiệp hữu cơ, nghiên cứu về cây dược liệu, hoa, cây cảnh giá trị cao; mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm hiện đại, năng suất cao. Đồng thời, đưa doanh nghiệp, công nghệ của các làng công nghệ, các thành tố của hệ sinh thái về địa phương để áp dụng, chuyển giao công nghệ.

“Chúng tôi mong lãnh đạo các cấp tiếp tục quan tâm, tham gia các hoạt động thúc đẩy KH-CN và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh. Qua đó, tạo động lực, khích lệ các chuyên gia, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp, tổ chức KHCN, người dân tham gia nghiên cứu, ứng dụng KHCN vào sản xuất, đời sống. Đồng thời, nâng cao giá trị bảo hộ sở hữu trí tuệ, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh trên nền tảng KHCN" – TS.Lại Thế Thông nói.​


Bảo Ngọc

Các tin khác

Atlas tỉnh Đồng Nai

Cổng TTĐT Chính phủ

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang