Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu với Đồng Nai

Văn miếu Trấn Biên là nơi thường xuyên diễn ra nhiều hoạt động dâng hương nhân ngày sinh, tưởng niệm các bậc tiền nhân, danh nhân văn hóa, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, truyền thống văn hóa của Biên Hòa - Đồng Nai.

Học sinh trên địa bàn tỉnh tham quan tại tượng của Nguyễn Đình Chiểu trong khuôn viên Vườn tượng Danh nhân văn hóa Trấn Biên (P.Bửu Long, TP.Biên Hòa)
Học sinh trên địa bàn tỉnh tham quan tại tượng của Nguyễn Đình Chiểu trong khuôn viên Vườn tượng Danh nhân văn hóa Trấn Biên (P.Bửu Long, TP.Biên Hòa)

Trong đó, danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu được thờ phụng tại Văn miếu Trấn Biên và tượng của cụ được đặt tại Vườn tượng Danh nhân văn hóa Trấn Biên (P.Bửu Long, TP.Biên Hòa).

Tôn vinh và tri ân danh nhân

Hằng năm, vào các dịp kỷ niệm ngày sinh, ngày mất của Nguyễn Đình Chiểu, Trung tâm Văn miếu Trấn Biên thường phối hợp với các trường học mang tên Nguyễn Đình Chiểu tổ chức nói chuyện chuyên đề, tìm hiểu danh nhân văn hóa tại Nhà bái đường và Vườn tượng. Đây cũng là địa chỉ lý tưởng được nhiều trường học mang tên Nguyễn Đình Chiểu trên địa bàn tỉnh lựa được chọn để tổ chức các hoạt động tham quan, tưởng nhớ và tôn vinh danh nhân.

Theo thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch vào cuối năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 9 công trình công cộng (trường học, đường, đền thờ, bia, tượng…) mang tên danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu. Có thể kể đến như: Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (KP.Phước Hải, TT.Long Thành, H.Long Thành); đường Nguyễn Đình Chiểu ở các huyện: Tân Phú, Long Thành, Trảng Bom, Định Quán; Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (P.Hố Nai, TP.Biên Hòa)…

Nguyễn Đình Chiểu (tự Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ, Hối Trai), sinh tại làng Tân Khánh, H.Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định (nay thuộc TP.HCM). Ông để lại cho hậu thế khối lượng thơ văn khá lớn và giá trị với nhiều tác phẩm văn chương bất hủ, chủ yếu bằng chữ Nôm. Trước khi thực dân Pháp xâm lược có truyện Lục Vân Tiên, Dương Từ - Hà Mậu. Sau khi thực dân Pháp xâm lược, Nguyễn Ðình Chiểu viết một loạt tác phẩm nhằm khích lệ tinh thần chiến đấu hy sinh của nhân dân và biểu dương những tấm gương anh hùng, nghĩa sĩ như: Chạy giặc, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Văn tế Trương Ðịnh, Văn tế nghĩa sĩ trận vong Lục tỉnh…

Ngày 23-11-2021 tại Paris (Pháp), Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41 đã thông qua danh sách Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2022 - 2023 để UNESCO cùng các nước vinh danh và tham gia kỷ niệm năm sinh/năm mất của các nhân vật lịch sử được công nhận. Hồ sơ kỷ niệm 200 năm ngày sinh của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu và kỷ niệm 250 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của nữ sĩ Hồ Xuân Hương được thông qua cùng với 58 hồ sơ khác của các nước.

Nguyễn Đình Chiểu lên sân khấu cải lương

Đoàn Nghệ thuật cải lương Bến Tre, tỉnh Bến Tre đã tổ chức công diễn vở cải lương Trái tim và đôi mắt (tác giả Trương Huyền, chuyển thể cải lương Hùng Dũng, NSND Giang Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai làm đạo diễn) ngày 14-6. Vở diễn có 4 cảnh với thời lượng 120 phút nhằm tái hiện cuộc đời, sự nghiệp, nhân cách lớn của danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu.

Lấy bối cảnh thời điểm Nguyễn Đình Chiểu đang chờ khoa thi năm Kỷ Dậu (1849) thì hay tin mẹ mất, ông bỏ kỳ thi về quê chịu tang mẹ. Dọc đường, vì quá thương khóc mẹ, vì vất vả và thời tiết thất thường nên ông bị bệnh nặng và bị mù cả hai mắt. Cũng chính trong thời gian chữa bệnh tại Quảng Nam, ông đã học được nghề thuốc sau này hành nghề chữa bệnh cứu người.

NSND Giang Mạnh Hà, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai cho biết, vở cải lương Trái tim và đôi mắt còn tái hiện những giai đoạn sau, khi Nguyễn Đình Chiểu mở trường dạy học. Ông đã gặp gỡ và kết duyên cùng bà Lê Thị Điền, người làng Thanh Ba, H.Cần Giuộc, tỉnh Long An và những năm cuối đời tại H.Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Không chỉ làm bật lên lòng yêu nước, ý chí, nghị lực, nhân cách, đạo đức của Nguyễn Đình Chiểu mà vở cải lương còn lồng ghép và giới thiệu nhiều áng thơ văn của như: Lục Vân Tiên, Dương Từ - Hà Mậu…

Là một trong những nghệ sĩ trẻ tài năng, từng công tác nhiều năm tại Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai hiện công tác tại Đoàn Nghệ thuật cải lương Bến Tre, nghệ sĩ Nguyễn Xuân Chúc cho hay: “Tham gia vở diễn Trái tim và đôi mắt, tôi vào vai bà Lê Thị Điền - vợ Nguyễn Đình Chiểu. Để diễn tốt, có chiều sâu, thể hiện được vai trò của người vợ hiền thủy chung, luôn hậu thuẫn cho chồng, tôi đã tìm xem thêm nhiều tài liệu, cố gắng luyện tập để hóa thân sao cho trọn vẹn, mang đến cảm xúc cho người xem”.

Mới đây nhất, Bảo tàng TP.HCM phối hợp với UBND tỉnh Bến Tre khai mạc triển lãm Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu - cuộc đời và sự nghiệp, nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh danh nhân Nguyễn Đình Chiểu (1-7-1822 - 1-7-2022). Triển lãm trưng bày 95 hình ảnh và tư liệu về quê hương, gia đình, cuộc đời của Nguyễn Đình Chiểu - người thầy giáo đặc biệt, người thầy thuốc hết lòng vì người bệnh, nhà thơ lớn tiêu biểu cho dòng văn học yêu nước nửa cuối thế kỷ XIX.

Bên cạnh đó, triển lãm cũng giới thiệu các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu như: diễn xướng các tác phẩm Nguyễn Đình Chiểu: nói thơ Vân Tiên; biểu diễn đờn ca tài tử; sân khấu cải lương vở tuồng Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga; vở nhạc kịch Tiên Nga; phim điện ảnh Truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên; các công trình nghiên cứu về Nguyễn Đình Chiểu… Triển lãm diễn ra đến ngày 17-6.
Thanh Thanh

Atlas tỉnh Đồng Nai

Cổng TTĐT Chính phủ

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang