Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Nâng cao năng lực CNTT cho giáo viên

Trường THPT Lê Quý Đôn - Tân Mai (TP.Biên Hòa) hiện có đến 70% giáo viên tham gia cộng đồng giáo viên sáng tạo của Microsoft. Đây là môi trường giúp tập thể giáo viên học tập, tăng cường ứng dụng CNTT một cách có hiệu quả trong giảng dạy. Nhờ đó, kết quả học tập của học sinh cũng được cải thiện.​ 

4.1 28-8-2021-tan Giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn.jpg

Giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn - Tân Mai tham gia tập huấn online. Ảnh: H.G

Trong dịp hè này, nhà trường đã tổ chức nhiều buổi tập huấn, giúp giáo viên có được nền tảng CNTT tốt nhất, chuẩn bị sẵn sàng cho năm học mới.

Khuyến khích, tạo động lực cho giáo viên ứng dụng CNTT

Trường THPT Lê Quý Đôn - Tân Mai hiện có 70% giáo viên tham gia cộng đồng giáo viên sáng tạo Việt Nam và đã được công nhận danh hiệu MIE (Microsoft Innovative Educator - Giáo viên sáng tạo của Microsoft). Ngoài ra, 3 giáo viên của trường đã nộp hồ sơ để được công nhận danh hiệu MIEE (Microsoft Innovative Educator Expert - Chuyên gia giáo dục sáng tạo Microsoft).​

Tham gia Cộng đồng giáo viên sáng tạo Việt Nam, giáo viên có nhiều cơ hội được học tập, nâng cao kỹ năng ứng dụng CNTT. Theo đó, cộng đồng có trung tâm học tập dành cho giáo viên. Bằng cách tạo tài khoản, giáo viên có cơ hội tham gia các khóa học (online), tiếp cận kho học liệu, giáo án… hoàn toàn miễn phí. Đây đều là những “kho báu” được các giáo viên trên toàn quốc chia sẻ.

Cô Nguyễn Thị Liễu, giáo viên môn Sinh học cho biết, việc ứng dụng CNTT tại Trường THPT Lê Quý Đôn - Tân Mai đã được thực hiện một cách thường xuyên. Tuy nhiên, trước bối cảnh phải dạy học online trong đại dịch Covid-19, bản thân cô nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của ứng dụng CNTT trong dạy học. Vì vậy, cô đã chủ động tham gia cộng đồng MIE. Cùng với việc chủ động tìm hiểu, cô được các đồng nghiệp trong trường và trên cộng đồng hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm nên học hỏi được nhiều hơn. “Hiện nay, tôi biết sử dụng nhiều công cụ, cải thiện được kỹ năng và ngày càng hoàn thiện hơn. Điều này mang đến hiệu quả cho từng giờ dạy, học sinh cũng hứng thú hơn” - cô Liễu cho hay.

Bản thân cô Liễu thường dùng các ứng dụng như: Quizizz, Quizlet, Metimeter, Flidgrip, Thinkling, Prezi, Classpoint, Azota, Google form… Bằng các lựa chọn ứng dụng phù hợp, các tiết học trở nên hiệu quả hơn ngay cả trong điều kiện dạy học online. Theo đó, các tiến trình của bài học gồm: khởi động, hình thành kiến thức, củng cố, luyện tập, vận dụng và mở rộng, hoạt động kiểm tra đều được triển khai thuận lợi và không bị gián đoạn.

Các ứng dụng CNTT đa dạng như vậy khiến bài học sinh động, thu hút sự chú ý của học sinh. Bản thân các em cũng có cơ hội để tương tác với giáo viên và các thành viên khác trong lớp một cách tích cực. Tất nhiên, việc tương tác này không phải chỉ là lời nói mà là các thao tác máy, các hoạt động liên quan đến CNTT… Như vậy, học sinh không chỉ học tốt môn học mà còn nâng cao được kỹ năng CNTT, một kỹ năng cần có của công dân toàn cầu.

Cô Liễu chia sẻ: “Nếu được tập huấn sử dụng các phần mềm, ứng dụng thì chỉ sau một vài ngày vừa học, vừa thực hành thì giáo viên có thể sử dụng thành thạo các ứng dụng nêu trên. Sau mỗi buổi tập huấn, bản thân tôi dành thêm thời gian khoảng 1 ngày để tự soạn bài. Chỉ mấy ngày sau có thể sử dụng được thành thạo. Tất nhiên, khi mới thực hành có thể mắc phải một vài lỗi nhưng chịu khó làm lại thì sẽ quen”.

Cô Vũ Thị Ni Na, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, để có được kết quả này, bản thân các thành viên trong Ban giám hiệu cũng đồng thời là thành viên năng nổ, ham học hỏi của cộng đồng MIE. “Chúng tôi mong muốn lan tỏa để có thêm nhiều giáo viên tham gia cộng đồng giáo viên sáng tạo và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp ở các trường khác” - cô Na chia sẻ.

Kết hợp nhuần nhuyễn nhiều ứng dụng​

Cô Phan Thị Tâm, giáo viên bộ môn Tiếng Anh Trường THPT Lê Quý Đôn - Tân Mai đã có 5 năm tiếp cận, tìm hiểu, ứng dụng CNTT trong dạy học. Qua mỗi năm học, việc ứng dụng CNTT của cô càng trở nên hiệu quả hơn.

“Những năm trước đây, giáo viên môn Tiếng Anh thường ra nhiều bài tập, thúc ép học sinh học nhiều dẫn đến các em chán mà kết quả học tập lại không cao. Sau nhiều năm tăng cường ứng dụng CNTT, theo khảo sát của nhà trường, Tiếng Anh đã trở thành môn học được yêu thích nhất của học sinh toàn trường. Đáng mừng là kết quả học tập của các em cũng nâng lên. Học sinh của chúng tôi đã mạnh dạn hơn trong giao tiếp tiếng Anh, các em cũng đã tham gia và đạt được một số giải thưởng của môn học này” - cô Tâm chia sẻ.

Không phải chỉ một vài ứng dụng đơn thuần mà cô Tâm đã nắm vững và sử dụng thường xuyên hàng chục ứng dụng. Bản thân cô tự chia những ứng dụng này theo 4 nhóm, tùy theo nội dung của từng bài học.

Đối với nhóm Lớp học kết nối, cô sử dụng các ứng dụng như: Skype, Gridpall, Flipgrid… Những ứng dụng này giúp cô kết nối trực tiếp với các lớp học ở nhiều quốc gia trên thế giới để học sinh có thể phát triển kỹ năng giao tiếp, giao lưu văn hóa với bạn bè quốc tế.

Đối với nhóm Thực tế ảo, cô sử dụng ứng dụng lập trình Minecraft. Nội dung này phù hợp cho các bài học cần quan sát trực quan nhưng lại gặp khó khăn về địa lý.

Nhóm ứng dụng STEM giúp học sinh tăng vốn từ vựng về khoa học kỹ thuật. Đối với nhóm hoạt động này, học sinh sẽ trực tiếp làm các sản phẩm (có ứng dụng CNTT) sau đó thuyết trình bằng tiếng Anh.

Nhóm ứng dụng CNTT được cô Tâm thường xuyên sử dụng nhất là các ứng dụng thiết kế game, video, truyện tranh…

Cũng theo cô Tâm, giáo viên tổ Tiếng Anh có lợi thế về ngoại ngữ nên thuận lợi trong việc tiếp cận, tìm hiểu và ứng dụng CNTT. Mặt khác, nhà trường thường xuyên tổ chức tập huấn nội bộ để giáo viên trong trường chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cho nhau. Nhờ đó, đội ngũ giáo viên của trường phát triển khá đồng đều.

Hiện nay, có rất nhiều ứng dụng cung cấp miễn phí để giáo viên sử dụng trong công tác dạy và quản lý lớp học. Không khó để tìm thấy hướng dẫn sử dụng các công cụ này và các giáo án mẫu. Việc còn lại của giáo viên là trải nghiệm và lựa chọn ứng dụng phù hợp với môn học.

Hoàng Giang

Atlas tỉnh Đồng Nai

Cổng TTĐT Chính phủ

Số lượt truy cập

Save Conflict. Your changes conflict with those made concurrently by another user. If you want your changes to be applied, click Back in your Web browser, refresh the page, and resubmit your changes.Trong ngày:
Tất cả:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang