(CTT-Đồng Nai) - Phường Trảng Dài (TP Biên Hòa) là phường đầu tiên thực hiện thí điểm mô hình Bắt chó thả rông. Sau hơn 2 tháng với 11 đợt ra quân, chỉ bắt được 10 con chó, số lượng này rất ít so với thực tế. Tuy nhiên, thành phố vẫn tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình ra nhiều phường, khu dân cư.

Chó thả rông ngoài đường gây nhiều hệ lụy.
Chó thả rông ngoài đường gây nhiều hệ lụy.
Cần mạnh tay xử lý chó thả rông
Mặc dù đã có nhiều biện pháp tuyên truyền, xử lý nhưng tình trạng chó thả rông vẫn đang rất phổ biến trong các khu dân cư, dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh khi ổ dịch dại và số người bị chó cắn ngày càng tăng.
Để ngăn ngừa nguy cơ bùng phát dịch dại, hạn chế tình trạng chó cắn người, gây tai nạn thương tích..., nhiều ý kiến cho rằng, ngoài nhân rộng mô hình Bắt chó thả rông, chính quyền địa phương nên tiến hành phạt nguội các trường hợp để chó thả rông.
Bà Vũ Thị Hoàng (phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa) cho hay, 2 tháng qua, phường tổ chức bắt chó thả rông nhưng đội đi bắt chó vào giờ hành chính là không hiệu quả vì giờ đó người dân đi làm, thường nhốt chó trong nhà. Cần đổi thời gian nên bắt chó thả rông vào chiều muộn vì thời điểm chó thả rông khá nhiều.
Theo kiến nghị của bà Hoàng, việc bắt chó thả rông trực tiếp không hiệu quả thì tiến hành phạt nguội bằng cách mỗi tổ dân phố lập trang mạng xã hội Zalo để tiếp nhận thông tin, hình ảnh về chó thả rông do người dân gửi đến. Tổ trưởng dân phố sẽ tổng hợp thông tin, hình ảnh gửi về UBND phường để tiến hành phạt nguội. Hoặc cho chính tổ trưởng dân phố đến lập biên bản vì người này biết được những nhà nào nuôi chó.
Hiện nay, pháp luật không cấm người dân nuôi chó, cơ quan chức năng hoặc địa phương cần có thêm hình thức tăng trách nhiệm của chủ vật nuôi. Hiện tại nhiều quốc gia văn minh, người nuôi chó hoặc các vật nuôi khác trong khu dân cư phải đóng một khoản tiền để được cấp giấy phép nuôi chó và các vật nuôi khác theo quy định; đồng thời phải ký cam kết quản lý an toàn vật nuôi. Nếu chủ nuôi vi phạm sẽ bị cấm nuôi và phạt tiền rất cao. Sự quản lý khoa học, đòi hỏi trách nhiệm cao sẽ khiến người nuôi cân nhắc, nếu nuôi sẽ phải có trách nhiệm cao.
Khó về kinh phí, ngại tiêm phòng dại
Theo thông tin từ Trạm Thú y thành phố Biên Hòa, hiện toàn thành phố có hơn 20 ngàn hộ nuôi chó, mèo với gần 33 ngàn con chó và hơn 3,3 ngàn con mèo. Việc triển khai mô hình Bắt chó thả rông là một biện pháp được dự đoán là sẽ làm giảm các tác động tiêu cực từ việc thiếu quản lý vật nuôi. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hoạt động này còn nhiều khó khăn, bất cập.
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo phường Trảng Dài cho biết, khi được trao nhiệm vụ triển khai thí điểm mô hình này, sau 2 tháng hoạt động mới thấy có nhiều khó khăn. Cụ thể là các thành viên đội bắt chó chưa rành nghiệp vụ, thời gian đi bắt chó không thường xuyên, cố định vì những thành viên đội bắt chó còn kiêm nhiệm nhiều việc. Những con chó bắt về còn khó xử lý khi chủ chó không đến nhận do phải đóng một khoản tiền phạt khá lớn. Nhất là nguồn kinh phí cho hoạt động bắt chó còn hạn chế và khó khăn khi thanh, quyết toán với ngân sách từ thành phố.
Ngoài ra, thành viên trong tổ bắt chó không nhiệt tình vì ngại phải tiêm vaccine phòng bệnh dại trước khi tham gia bắt chó thả rông theo quy định. Một thành viên đội bắt chó thả rông phường Trảng Dài cho biết, gia đình không muốn cho anh theo đội bắt chó vì phải tiêm vaccine. Vì người đang khỏe nhưng phải tiêm vaccine phòng dại là không tốt cho sức khỏe.
Trước tình trạng quản lý chó thả rông vẫn chưa thực sự hiệu quả, mới đây thành phố Biên Hòa đã có buổi làm việc với đại diện các phòng, ban và một số phường nhằm bàn giải pháp chấm dứt tình trạng chó thả rông trên đường để tăng cường công tác phòng dịch bệnh dại, hạn chế các hệ quả tiêu cực từ tình trạng chó thả rông.
Theo UBND thành phố Biên Hòa, mặc dù mô hình Bắt chó thả rông hoạt động thí điểm tại phường Trảng Dài chưa thật hiệu quả như mong muốn, nhưng thành phố quyết định vẫn sẽ nhân rộng mô hình này trong thời gian tới. Trước mắt, thành phố sẽ nhân rộng ra tại 4 khu phố kiểu mẫu tại 4 phường gồm: Thống Nhất, Quyết Thắng, Hòa Bình, Thanh Bình và 2 khu dân cư tại phường Bửu Long và phường Tân Phong.
Ngoài ra, thành phố tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về sự nguy hiểm của bệnh dại, quy định phòng, chống bệnh dại và quản lý chó, mèo trên địa bàn thông qua nhiều hình thức như: họp tổ dân phố, phát tờ rơi, loa phát thanh, thông tin qua mạng xã hội (Zalo). Đối với vấn đề quản lý đàn chó, mèo, thành phố yêu cầu Chủ tịch UBND các phường, xã phổ biến đến các chủ vật nuôi có trách nhiệm tiêm vaccine phòng dại cho chó mèo; đăng ký, cam kết nuôi nhốt vật nuôi trong nhà, khi đưa ra khỏi nhà phải được xích, rọ mõm và có người dắt để giữ an toàn cho người đi đường.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (thuộc Sở Y tế), hiện mỗi tháng trên toàn địa bàn tỉnh có từ 2,6-3 ngàn trường hợp bị chó mèo cắn phải tiêm vaccine phòng dại.